Trung Quốc: Dịch vụ giao đồ ăn online gặp khó

VietTimes – Các công ty giao đồ ăn của Trung Quốc đang vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng virus Corona khi các nhà hàng đóng cửa, các khu dân cư bị phong tỏa và khách hàng thì lo lắng về những rủi ro sức khỏe.
Một lái xe công nghệ nhận đồ ăn qua cửa sổ từ một nhà hàng ở Bắc Kinh
Một lái xe công nghệ nhận đồ ăn qua cửa sổ từ một nhà hàng ở Bắc Kinh

Huang Zhou, một doanh nhân bận rộn sống ở Quảng Châu là một “fan cứng” của dịch vụ giao đồ ăn hàng ngày. Nhưng khi virus Corona xuất hiện vào tháng 11, cô đã chuyển sang nấu ăn tại nhà. Cho đến giờ này, cô vẫn chưa sử dụng lại dịch vụ giao đồ ăn online mặc dù Trung Quốc đã hạn chế được virus Corona lây lan trong nước.

“Những ngày nay tôi không quá bận rộn, vậy tại sao không tự nấu ăn”, Huang nói trong khi thưởng thức những chiếc bánh bao tự làm.

Trung tâm giáo dục mà cô làm việc vẫn đang đóng cửa do Trung Quốc vẫn chưa cho phép tập trung đông người. Huang cũng cảnh giác với khả năng nhiễm virus Corona từ những nhân viên giao đồ ăn hoặc nhân viên nhà hàng.

“Mặc dù chỉ có 4 ca nhiễm Covid-19 mới trong tuần này tại Quảng Châu, nhưng tôi vẫn lo ngại”, cô nói.

Cuộc khủng hoảng do virus Corona gây ra đã tạo ra một thách thức thực sự đến ngành dịch vụ giao đồ ăn – vốn đạt doanh thu 179 tỷ Nhân dân tệ vào quý 3 năm ngoái, theo hãng phân tích thị trường TrustData.

Trong khi các biện pháp hạn chế đi lại được hy vọng sẽ kích thích nhu cầu đặt hàng đồ ăn online, nhưng thực tế thì dịch vụ này vẫn ế ẩm vì nhiều nhà hàng đóng cửa và người dân lo ngại quá trình chế biến đồ ăn có thể làm lây nhiễm virus.

Meituan Dianping – công ty Internet lớn thứ ba Trung Quốc và là nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn số 1 ở nước này - cho biết các đơn đặt hàng đồ ăn online đã giảm một nửa trong tháng 2, đà phục hồi chậm chạp do các nhà hàng vẫn chưa mở cửa trở lại và tâm lý lo ngại của người dân vẫn còn. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này chiếm 2/3 thị phần giao đồ ăn tại Trung Quốc.

Ông Wang Xing – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Meituan Dianping cho biết: “Kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua không tốt và dự kiến còn kéo dài trong cả năm 2020”.

Theo một nghiên cứu được hãng Nomura công bố vào hôm thứ Ba (31/3), khoản lỗ hoạt động của tập đoàn Meituan trong quý 1 năm 2020 là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (169 triệu USD). Meituan có mức vốn hóa thị trường là 61 tỷ USD, chỉ đứng sau tập đoàn AlibabaTencent Holdings.

Ele.me, công ty con chuyên giao hàng thực phẩm của Alibaba, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong hai tuần đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách đến nhà hàng và lượng đặt hàng đồ ăn online đã giảm đáng kể”, Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba cho biết.

Một rào cản mới

Các lái xe công nghệ thực hiện việc giao đồ ăn (ảnh CTech)
Các lái xe công nghệ thực hiện việc giao đồ ăn (ảnh CTech)

Khi dịch Covid-19 đã được khống chế, nhiều nhà hàng đã mở cửa trở lại, nhưng khách hàng lại chỉ ra một rào cản khác khiến họ chưa thể đặt thực phẩm online.

“Tôi muốn đặt hàng thực phẩm nhưng không thể”, Wang Yuefei, một chuyên viên tư vấn chăm sóc sức khỏe ở Bắc Kinh nói. Giống như nhiều nơi khác trên đất nước, Ban quản lý chung cư nơi cô Wang ở đã cấm những người lạ - trong đó có người giao đồ ăn - ra vào chung cư nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Thay vì tận hưởng dịch vụ giao hàng tận nơi, Wang phải đi bộ ít nhất 20 phút để nhận hàng từ một địa điểm được chỉ định.

“Tôi không muốn đi bộ”, Wang nói thêm rằng cô phải làm việc ở nhà trong khi chăm sóc con gái 7 tuổi của mình. Do đó cô đã không thực hiện bất kỳ giao dịch đặt đồ ăn online nào từ khi dịch bệnh bùng phát. Trước đây Wang đã sử dụng Ele.me ít nhất 3 lần một tuần.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn lạc quan về tương lai của ngành dịch vụ này. “Covid-19 đã tạo ra một điểm dừng, chứ không phải là sự chấm dứt trong đà tăng trưởng”, nhà phân tích Nomura nhận định.

Ella Ji, một nhà phân tích công nghệ của hãng China Renaissance Securities tại New York, thừa nhận tác động của virus Corona đối với các công ty cung cấp thực phẩm nhưng cho rằng dịch bệnh sẽ giúp ngành dịch vụ này phát triển về dài hạn. "Các nhà hàng cao cấp từng không cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, giờ đã chấp nhận cung cấp dịch vụ này do dịch bệnh bùng phát", Ji nói. "Các nhà hàng khác cũng sẽ tăng gấp đôi dịch vụ giao đồ ăn của họ vì dịch bệnh đã chứng minh tầm quan trọng của việc chuyển hoạt động của họ lên mạng (online)".

Để giúp người dùng vượt qua nỗi sợ virus Corona, Meituan và Ele.me gần đây đã giới thiệu một phương pháp gọi là "giao hàng không tiếp xúc" với sự trợ giúp của các thiết bị điều khiển từ xa. Nhưng ngay cả như vậy, giải pháp này vẫn không thuyết phục được cô Huang.

“Giao hàng thực phẩm không tiếp xúc là vô nghĩa”, cô nói. “Phần nguy hiểm nhất là nấu ăn. Một khi virus đã xâm nhập vào thức ăn của tôi, sẽ có gì khác biệt khi không ai chạm vào gói hàng khi giao hàng?”.