Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, trao đổi với phóng viên ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để tìm giải pháp tổng thể trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là sinh kế của người dân, vì vậy cần có đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động.
Ông đã đề cập tới thông tin một số Trưởng Ban lao động, Quản lý lao động tại một số nước báo cáo, tại nhiều nước có chương trình nuôi trồng thủy hải sản, thu nhập khá ổn và chỉ đạo có thể bàn với các đối tác.
“Mong muốn của chúng tôi là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển. Có thể trong thời gian trước mắt, trong một vài năm làm công việc tương tự tại vùng biển khác sau đó sẽ quay trở lại,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh, đối với số lao động hiện nay đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ thì đào tạo như thế nào, cho vay vốn ra sao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chịu trách nhiệm trình Chính phủ cho phép các hộ dân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất và cải tạo máy, tăng công suất...
Đối với vấn đề sinh kế và những chính sách về dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm thì do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ triển khai. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ hỗ trợ người dân bị thiệt hại được miễn phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, được hỗ trợ tiền ăn ở trong thời gian học nghề theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo hoặc lao động bị thu hồi đất.
Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam ở một số nước, tại nhiều nước có chương trình nuôi trồng thủy hải sản với thu nhập khá ổn định, vì vậy có thể hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh miền Trung đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết thêm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có những chính sách ưu đãi dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết khi tham gia các chương trình đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản (chương trình IM Japan), điều dưỡng viên đi Đức... Đây đều là những chương trình đi làm việc thu nhập cao với mức phí thấp.
Đặc biệt, với thị trường Thái Lan gần Việt Nam, chi phí thấp, phía Bộ Lao động Thái Lan cũng cam kết không có chi phí môi giới. Về phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo 6 doanh nghiệp và 4 trung tâm dịch vụ việc làm đang thực hiện thí điểm hạn chế chi phí thấp nhất với điều kiện người lao động mong muốn tham gia.
Theo VietNam+