Số hóa có thực sự là cơ hội vàng?
Thưa ông, xin phép ông được tiếp tục câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thuật ngữ mới mẻ liên tục được Chính phủ và các diễn đàn quốc tế nhấn mạnh kể từ hội chợ diễn đàn Hanover tại Đức từ năm 2011. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này như một cơ hội vàng cho các nước đang phát triển, ông có đồng ý với cách nhìn nhận này không, vì sao?
Đây là cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà nội dung chủ yếu của nó là số hóa các mặt hoạt động của đời sống. Tôi không thích lắm cách đặt vấn đề “cơ hội vàng”. Cơ hội là sự xuất hiện của đòi hỏi thực tế mà đòi hỏi nào cũng đến từ sự phát triển khách quan.
Cho nên, cuộc cách mạng này là cơ hội vàng tức là chọn một cách gọi mang tính chủ quan giống như chọn cho mình một góc đứng trước ngôi đền của cuộc cách mạng công nghiệp để chụp cái ảnh cho đẹp.
Tôi cho rằng sự phát triển của kinh tế số, công nghệ số, công nghiệp số là ba mức độ vi mô trong toàn bộ tiến trình số hóa đời sống. Đúng ra chúng ta phải đặt vấn đề là sự phát triển của công nghệ, công nghiệp và của kinh tế ở trạng thái số hóa này có đem đến cho các dân tộc chậm phát triển cơ hội gì không.
Nếu dùng chữ “cơ hội vàng” là chúng ta khẳng định luôn là có cơ hội, mà thậm chí còn là cơ hội bằng vàng, trong lúc hiện nay chúng ta chưa thực sự bước chân vào cuộc cách mạng và chưa nhận biết được nó mang lại cơ hội gì hay thách thức gì. Gần đây người ta tổng kết người Trung Quốc sản xuất rất nhiều máy móc, thiết bị của giai đoạn số hóa, nhưng 70% số lượng chip sử dụng cho sản phẩm là phải mua từ Mỹ.
(ảnh: CafeF)
|
Cho nên cách mạng công nghiệp lần thứ tư này về bản chất là sử dụng các con chip, các module tích hợp với những năng lực lớn gấp bội để số hóa đời sống phát triển công nghiệp và công nghệ. Cho nên tôi nghĩ không nên khẳng định vội vàng rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư là "cơ hội vàng" với chúng ta mà phải đặt ra câu hỏi là nó tạo ra các cơ hội gì.
Ví dụ chúng ta đang đấu tranh chống lại tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật trong đời sống hành chính, vậy chúng ta có thể ứng dụng thành tựu nào của cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Xây dựng chính phủ điện tử nhằm khắc phục những khía cạnh không khắc phục nổi bằng các giải pháp thông thường chính là số hóa một khía cạnh của đời sống.
Nhưng chúng ta nhớ một điều rằng, tham nhũng không chỉ nảy sinh bằng các động tác thủ công, bằng các kế sách của những con người thông thường. Khi người ta thay thế các hoạt động thủ công bằng các thiết bị số hóa thì chính việc này cũng hỗ trợ cả hoạt động tham nhũng, hay nói cách khác là tham nhũng cũng được số hóa.
Năm 2008, FBI đã bắt giữ Bernard Madoff, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán và là cựu chủ tịch sàn Nasdaq, cáo buộc ông ta lừa đảo 50 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Đây được xem là một vụ tham nhũng tư nhân lớn nhất trong giai đoạn ấy. Năm ngoái câu chuyện này đã được dựng thành cuốn phim có tên “The Wizard of Lies”. Nghiên cứu về những hiện tượng như vậy mới thấy sự khủng khiếp của tham nhũng khi được số hóa.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra một số cơ hội phù hợp với năng lực hiện có của các nền kinh tế, các nền chính trị khác nhau. Nói cho chính xác thì không thể dùng biện pháp số để thay đổi toàn bộ đời sống xã hội mà là ứng dụng nó để khắc phục các mặt tiêu cực hoặc lạc hậu của sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội, và do đó cơ hội cũng hình thành trên ấy.
Cơ hội là sự xuất hiện các đòi hỏi phù hợp với những điều kiện mà mỗi một nền kinh tế, mỗi một không gian kinh tế, không gian chính trị có. Chúng ta không nên dùng các điều kiện phổ quát để áp đặt lên các không gian cụ thể, ví dụ tự do và dân chủ.
Tự do và dân chủ là một phổ quát chứ không phải là một tiêu chuẩn cụ thể, việc áp đặt tự do dân chủ như một tiêu chuẩn cụ thể lên tất cả các không gian chính trị trong khi nó chưa đủ điều kiện để làm chuyện ấy là chống lại sự phát triển. Tự do đối với sự phát triển chính là để cho nó phát triển như nó có thể.
Tôi muốn nói lại về sự ngộ nhận “cơ hội vàng”. Cho dù nó mang lại cơ hội cho một dân tộc thì nó cũng không phải là cơ hội của tất cả mọi người. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tất cả sự thông minh khủng khiếp của nó làm cho sự phân hóa giàu nghèo gia tăng với một tốc độ chóng mặt.
Cho nên, các nhà quản lý không thể chủ quan về những hệ quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang lại cơ hội, nó mang lại cả những hệ quả phức tạp, liên quan tới vấn đề chính trị cơ bản mà Marx gọi là “bất bình đẳng”.
Chúng ta tưởng rằng năng suất cao thì khắc phục được đói nghèo. Điều đó không đúng. Năng suất cao là làm giãn khoảng cách giàu nghèo. Cho nên, các vấn đề của sự phát triển, nhất là phát triển công nghệ và công nghiệp luôn luôn phải được nghiên cứu cả trước, trong và sau khi cuộc cách mạng ấy hình thành một cách rõ rệt.
Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam
Theo ông, Việt Nam có còn tận dụng được lợi thế lao động rẻ hay không, khi mà cuộc cách mạng này hướng đến tự động hóa, tích hợp các công nghệ cao và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao?
- Chúng ta nhiều khi nói về các thành tích kinh tế và khẳng định ưu thế của lao động rẻ mà quên mất rằng lao động giá rẻ là một hiện tượng thể hiện đầy đủ tính chậm phát triển của một nền kinh tế. Nó là hiện tượng tự nhiên, biến mất hay gia tăng đều là do tự nhiên.
Nói là lao động giá rẻ thì cũng phải xét xem nó rẻ trong tương quan nào, trong không gian chất lượng nào. Những người làm cửu vạn ngoài Ô Chợ Dừa là lao động giá rẻ của thời kỳ đầu đổi mới và mở cửa, còn bây giờ các cử nhân tốt nghiệp các trường đại học ở Việt Nam cũng là lao động giá rẻ, và rất có thể là chúng ta cũng sắp sửa biến cả những người được đào tạo ở nước ngoài thành lao động giá rẻ, bởi vì đào tạo thừa. Đào tạo thừa thì giá của lao động rẻ dần.
Cho nên, sự hình thành khái niệm giá rẻ của lao động cũng là một trong các hệ quả mà chúng ta cần phải nghiên cứu, trong khi nghiên cứu các hậu quả trên các mặt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(ảnh: NDH)
|
Các nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam cần chuyển đổi mô hình quản trị theo hướng nào để tận dụng được những lợi thế mà cuộc cách mạng này mang lại, thưa ông?
- Bởi vì các bạn quan niệm là lợi thế cho nên tất cả các câu hỏi được đặt ra tuân thủ cái sai một cách có quy luật. Tôi xin nhắc lại, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là cơ hội vàng của bất kỳ ai, của bất kỳ quốc gia nào, nó là cơ hội của những người có năng lực phù hợp với đòi hỏi của cuộc cách mạng ấy.
Cần phải định nghĩa rất rõ ràng như vậy. Cho nên nếu nói các nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải chuẩn bị mô hình quản trị thế này, thế kia là chúng ta phạm phải sai lầm hướng dẫn các nhà quản trị doanh nghiệp theo hướng chủ quan. Đối với khoảng 90% doanh nghiệp của chúng ta, những thay đổi như vậy có thể là tai họa nếu không được chuẩn bị tốt.
Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề quản lý xã hội và vai trò của các nhà quản lý trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo ông, cuộc cách mạng này đang đặt ra những thuận lợi và thách thức lớn nào về quản lý xã hội?
- Phải phân biệt được rất rõ chúng ta là một quốc gia mới nổi hay một quốc gia mới nổi tiếng, nếu đồng nhất mới nổi với mới nổi tiếng thì chúng ta phạm phải sai lầm trong hành xử thông qua những diễn đàn mà chúng ta dựng lên.
Cho nên phải rất cẩn thận, các nhà quản lý phải thấy ngay cuộc cách mạng này mang đến những hệ quả nào trên phương diện quản lý và lãnh đạo xã hội, cuộc cách mạng này tạo ra nhiệm vụ gì cho sự lãnh đạo xã hội và dẫn tới những tình thế nào. Hiện nay hình như chúng ta chưa đặt ra vấn đề này.
Nhà nước nào cũng bảo thủ và lạc hậu so với yêu cầu của sự phát triển khách quan của đời sống. Nhà nước Mỹ cũng lạc hậu, đến mức một trong những nhà chính trị hàng đầu của nó đã phải làm một cuộc cách mạng để thay đổi, đó là Tổng thống Donald Trump.
Nhà nước luôn luôn có xu hướng lạc hậu là một phổ quát, vậy thì chúng ta khắc phục bệnh lạc hậu của nhà nước bằng cách đặt ra cho nó nhiệm vụ định nghĩa, phát hiện và đưa ra các biện pháp quản lý một xã hội luôn luôn biến đổi. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không quảng bá thì nó cũng vẫn đến Việt Nam.
Hiện nay tôi cảm nhận chúng ta chưa hình dung hết những nhiệm vụ cơ bản phục vụ cuộc cách mạng này. Một trong những năng lực quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sản xuất các con chip, một module cơ bản thể hiện tính hiện thực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó là một sản phẩm tích hợp tất cả các năng lực số hóa trong đó. Cho nên có thể nói về mặt vật lý cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng phát triển các con chip.
(ảnh: cand.com.vn)
|
Bài toán này cần phải giải quyết như thế nào trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thưa ông?
- Phải chuẩn bị những cái roi để đánh những kẻ tạo ra các cuộc tranh luận vô bổ. Nhưng tôi cho rằng tuyệt đối không có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận chân chính với phát triển.
Lão Tử có nói một câu rất hay: “Trời có nói gì đâu, đất có nói gì đâu….”. Trong khi mọi cuộc cách mạng đang hình thành, chưa có tiêu chuẩn thì việc áp đặt các tiêu chuẩn triết học vào là quấy rầy nó. Nhiệm vụ của triết học là khái quát hóa, tổng kết các bài học của các hiện tượng thực tế để phát hiện ra các quy luật chứ không phải áp đặt các quy luật như là đòi hỏi phải tiến hành cách mạng cho bài bản.
Không hiểu giới hạn của triết học và mục tiêu của nó thì rất dễ sai. Hiểu triết học nhưng không hiểu công nghệ ứng dụng thì có thể dẫn tới sai lầm.
Các chính phủ đều không muốn ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp
Gần đây, dư luận đã phản ánh rất nhiều ý kiến đa dạng về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội ban hành. Quan điểm của ông về Luật này như thế nào?
- Tôi sẽ không nói về chuyện đúng sai. Hãy để cho các chính phủ tự do, để họ soạn thảo các chính sách và hưởng vinh quang nếu họ đúng hoặc lãnh các hậu quả nếu họ sai. Tự học lấy cái sai chính là cách tốt nhất để các nhà quản lý tiến bộ cho kịp với sự phát triển tự nhiên của đời sống. Hãy để cho các nhà quản lý tự do, kể cả tự do soạn luật, chúng ta có thể phê bình, góp ý nhưng không phải áp đặt cho họ. Chúng ta không có quyền và không thể áp đặt.
Các chính phủ đều không hề mong muốn ngăn cản sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nói rằng luật này, luật kia sẽ cản trở sự phát triển là sai. Người không có năng lực phát triển có thể dùng sự cản trở của luật này luật kia để giải thích cho sự không phát triển của mình.
Đấy là một hình thức đổ vạ cho chính sách. Sự phát triển thường vượt trên chính sách, nhất là sự phát triển khoa học và công nghệ. Trên thế giới chính phủ nào cũng muốn hạn chế, muốn quản lý các mạng thông tin, nhưng các hình thức mới, sản phẩm mới của nó vẫn xuất hiện rầm rầm, những tỷ phú vĩ đại vẫn xuất hiện.
Tôi đưa IBM vào Việt Nam trong khoảng thời gian IBM vừa bị phá sản năm trước vì các sai lầm có chất lượng triết học trong lý thuyết cấu trúc sản phẩm. Họ sai lầm khi khép kín các sản phẩm của IBM với nhau, không có kết nối với các sản phẩm khác.
Trong khi đó Microsoft đi theo chiều ngược lại, mọi sản phẩm của Microsoft đều có thể kết nối với các sản phẩn khác. Sự phá sản của IBM để nhận ra sai lầm trong triết lý của mình và thay đổi triết lý ấy là một cuộc cách mạng cụ thể trong những cuộc cách mạng dẫn con người đến sự hợp lý, đến thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khi chúng ta nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư chúng ta quên mất rằng nó là một tổ hợp các cuộc cách mạng được diễn ra trong cấu trúc tư duy cũng như cấu trúc sản xuất của từng đơn vị xã hội.
Đây là một ví dụ rất sống động, nhiều cuộc cách mạng cụ thể để hình thành nên một cuộc cách mạng lớn là cách mạng 4.0, ông có thể nêu ví dụ sống động nào mà ông đã từng trải qua?
- Nhiều lắm, khi tôi bắt đầu khởi nghiệp người ta phân biệt rất rõ ranh giới giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Lúc đầu người ta xem ngân hàng chủ yếu là một cơ sở dịch vụ, nhưng 5 - 7 năm sau đó thế giới chú ý nhiều hơn đến chức năng đầu tư của ngân hàng.
Ngân hàng không còn là một cơ sở dịch vụ mà là một chủ thể có chất lượng công nghiệp tài chính. Tại sao ngân hàng từ chỗ được coi như cơ sở cung cấp dịch vụ lại trở thành cơ sở đầu tư? Bởi vì người ta đã tự động hóa đến mức cao nhất năng lực của các ngân hàng. Các ngân hàng đã đủ công cụ để giải quyết những bài toán phân tích các dự án, và chẳng nhà kinh doanh nào lại đứng ngoài những cơ hội làm tiền như thế.
Một câu chuyện có chất lượng lịch sử là sự tan rã của Goldman Sachs. Goldman Sachs là một ngân hàng điển hình phân định rõ chức năng đầu tư và chức năng thương mại, các lãnh đạo của nó cũng chia thành hai trường phái đầu tư và thương mại. Sau đó những người lãnh đạo theo trường phái đầu tư chuyển bộ phận đầu tư trong ngân hàng thành các quỹ. Các quỹ ấy ngày càng phình to lên và dần dần chính những kẻ sáng tạo ra quỹ thôn tính toàn bộ ngân hàng.
Rất nhiều người nói đến sự biến mất của Lehman Brothers và trách Chính phủ Mỹ đã không ứng cứu cho nó. Nhưng nếu không có sự vỡ nợ của Lehman Brothers thì không có sự thức tỉnh về trạng thái bản lề của công nghệ ngân hàng. Người ta tưởng rằng đấy là chuyện tài chính, nhưng đấy là ví dụ điển hình thể hiện rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện ở Mỹ lâu rồi.
Bây giờ chúng ta mới nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư như người phát hiện ra nó. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sản phẩm của cuộc sống, nó là chính cuộc sống, nó phát triển và cuốn tất cả chúng ta vào đó, chứ nó không phải là một phát hiện gì ghê gớm.
Ông có lời khuyên gì dành cho các cơ quan chức năng đang soạn thảo văn bản để thi hành Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ năm 2019?
- Tôi nghĩ các nhà lập pháp cần phải thấu hiểu cuộc sống để hình dung ra cách quản lý nó. Hãy để các sản phẩm của mình được kiểm nghiệm từ khâu phân tích, nghiên cứu đến khâu phản biện và bình tĩnh trước mọi sự phản biện đối với các sản phẩm của mình. Rồi các sản phẩm ấy sẽ tiến bộ lên cùng với chính họ và tiến bộ lên cùng với sự đòi hỏi của đời sống xã hội.
Không có sự tiến bộ chủ quan, không có sự tiến bộ như một sự áp đặt cấp trên đối với toàn bộ tiến trình xã hội. Tiến bộ chính là nhận thức mà nhận thức là một quá trình, chúng ta không thể sốt ruột về quá trình ấy.
Xin cảm ơn ông