Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Tư tuần trước cho hay họ có kế hoạch mua thêm nhiều máy bay không người lái (drone) Heron của Israel, trong khi mẫu Predator B của Mỹ cũng nằm trong danh sách lựa chọn của họ; theo giới truyền thông Ấn Độ.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn đã sử dụng UAV trong suốt cuộc tranh chấp kéo dài nhiều tháng với Ấn Độ dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC), được coi như biên giới giữa hai nước. Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã công bố nhiều hình ảnh cho thấy hoạt động của binh sĩ Ấn Độ ở Thung lũng Galwan – một trong những điểm nóng tranh chấp – có khả năng là được chụp bởi drone.
“Drone có thể dễ dàng tiếp cận những nơi mà con người không thể tới được, và kiểm soát các khu vực quan trọng mà rất khó để tuần tra” – chuyên gia phân tích quân sự Zhou Chenming, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) – “Và thực tế cho thấy Ấn Độ đã ở vị trí thấp hơn, xét cả về số lượng và chất lượng drone”.
Công ty Israel Aerospace Industries hiện là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Độ, trong đó các mẫu Heron và Searchers được sử dụng trong các nhiệm vụ do thám và tấn công, trong khi các mẫu Harpy và Harop được sử dụng trong các nhiệm vụ chống phóng xạ.
Heron là mẫu drone có khả năng bay ở độ cao trung bình và thời gian hoạt động dài (MALE) có chiều dài 8,5 m, sức tải lên tới 250 kg. Nó có vận tốc tối đa là 200 km/h, có thời gian vận hành lên tới 52 giờ đồng hồ và độ cao tối đa 10.000 m. Để so sánh, mẫu Searcher chỉ có độ cao tối đa 6.100 m, cũng có nghĩa rằng phạm vi hoạt động của nó sẽ bị hạn chế tại khu vực được mệnh danh là “Nóc nhà của Thế giới”.
Mẫu drone Heron mà quân đội Ấn Độ sở hữu (Ảnh: AP)
|
LAC kéo dài hàng nghìn km dọc dãy núi cao nhất thế giới, với độ cao trung bình trên 4.000 m – một số đỉnh còn cao trên 8.000 m – cùng với môi trường cực kỳ khắc nghiệt đối với drone.
Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 70 chiếc Heron. Năm 2018, một chiếc Heron của Ấn Độ đã băng qua LAC gần Doklam và bị rơi trên phần lãnh thổ của Trung Quốc. Một năm sau, một drone khác của Ấn Độ cũng có hành động tương tự, mặc dù mẫu drone này không được làm rõ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tự phát triển mẫu drone tấn công MALE của riêng mình – đó là hai mẫu Rustom và Rustom II – mặc dù chưa có mẫu nào đi vào biên chế.
Ngược lại, Trung Quốc là một trong số những nhà sản xuất và xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới, và một trong những mẫu được sử dụng rộng rãi nhất trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là GJ-2 – mẫu drone trinh sát/tấn công. Hiện chưa rõ PLA đang sở hữu bao nhiêu chiếc GJ-2, nhưng Trung Quốc từng bán 48 chiếc thuộc mẫu này cho Pakistan dưới cái tên thương mại là Wing Loong II.
GJ-2 là mẫu drone MALE có chiều dài 11 m, sức tải 480 kg. Nó có thể mang tới 12 tên lửa hoặc bom, có vận tốc tối đa 380km/giờ, vận tốc hành trình 200 km/giờ và độ cao tối đa 9.000 m – điều này giúp nó được vũ trang tốt hơn, có kích thước lớn hơn và nhanh hơn so với mẫu Heron của Ấn Độ.
Ngoài GJ-2, PLA được cho là đã triển khai các mẫu drone trinh sát/tấn công cỡ lớn như CH-4 – từng trải qua quá trình thử nghiệm ở khu vực cao nguyên Tây Tạng vào năm 2018 – và BZK-005C, từng được trông thấy ở sân bay Lhasa vào năm 2017. Mẫu BZK-005C được thiết kế đặc biệt để hạ cánh ở những đường băng đất mềm, và có sức tải tới 300 kg.
Đầu năm nay, BZK-005C đã tham gia vào một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, thả nhiều loại bom và phóng các tên lửa định hướng nhằm vào các mục tiêu dưới mặt đất; theo giới truyền thông Trung Quốc.
Ngoài các mẫu drone cỡ lớn nói trên, PLA còn sở hữu nhiều UAV để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Những hình ảnh được phát trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc từng có cảnh một đội trinh sát đang điều khiển một nhóm máy bay quadcopter có kích thước chỉ 20 cm trong một nhiệm vụ huấn luyện thâm nhập ban đêm, trong khi các lữ đoàn pháo binh triển khai các drone hạng nhẹ để phát hiện mục tiêu cách họ hàng chục km.
PLA cũng sử dụng drone để phân phát thực phẩm, thuốc men và đạn dược tới các vị trí mà phương tiện bình thường không thể tiếp cận; một số báo cáo cho biết.
“Đối với phía Ấn Độ, tiến trình mua sắm của họ diễn ra chậm chạp, trong khi số lượng UAV mà họ sở hữu cũng hạn chế. Ngoài ra, UAV không có chiếc nào là rẻ cả - ngoại trừ của Trung Quốc – bởi vậy nếu xét về sức mạnh drone, tôi không thấy ẤnĐộ vượt được Trung Quốc ở khu vực biên giới” – ông Zhou nói.