Bệnh nhân bị rối loạn sức khoẻ tâm thần rất cần được điều trị cả thuốc và tâm lý |
Số người trầm cảm tự sát, hoặc có ý định tự sát đến điều trị ở Viện Sức khoẻ Tâm thần (SKTT) Bệnh viện Bạch Mai đang có dấu hiệu gia tăng. Đó là lý do để chiều 23/10, Viện SKTT tổ chức hội thảo về vấn đề này, nhằm đưa ra những cảnh báo cho người dân biết để khám và điều trị kịp thời, tránh hậu hoạ.
Trầm cảm - căn bệnh không chừa ai
Ths. BSNT Ngô Tuấn Khiêm – Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Ăn uống, Viện SKTT cho biết, anh vừa điều trị căn bệnh trầm cảm, có ý định tự sát cho bệnh nhân NTS.
Chị S. 40 tuổi, hiền lành, chăm chỉ, trầm tính, ít nói. Cuộc sống gia đình của chị êm ấm, chồng chị rất tâm lý và các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, hiếu thảo với bố mẹ. Nhưng khoảng 3 tháng gần đây, công việc khiến chị S. vất vả hơn. Không chỉ làm ban ngày, nhiều hôm, chị còn phải thức đến 3-4h để làm thêm.
Chỉ sau nửa tháng bị áp lực công việc, chị S bỗng thấy căng thẳng, buồn chán, bi quan, không còn thiết tha bất cứ điều gì nữa. Trước đây, chị thích xem phim, đi chơi nhưng bây giờ không còn hứng thú. Chị không tập trung làm việc được, ăn không ngon, kể cả những món vốn yêu thích.
Vì thế, chị sút 5 kg chỉ sau 1 tháng, càng khiến chị lo lắng, suy nghĩ và mệt mỏi, suốt ngày chỉ muốn nằm. Gần đây, nhiều hôm chị mất ngủ trắng đêm. Tâm trạng bi quan, tuyệt vọng bao trùm khiến chị hay nghĩ đến cái chết.
Nhận thấy rõ những thay đổi tiêu cực của bản thân, chị S. đã kể các triệu chứng trên cho một điều dưỡng ở gần nhà và được tư vấn đến Viện SKTT Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Các bác sĩ ở Viện SKTT xác định chị S bị trầm cảm nặng, phải điều trị nội trú. Kết hợp các phương pháp, bao gồm cả thuốc và điều trị tâm lý, thư giãn luyện tập 5 buổi/tuần đã giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, giảm lo lắng, căng thẳng về bệnh tật. Sau 15 ngày, tình trạng bệnh của chị S. tiến triển rất tốt. Chị đã tăng cường hoạt động và giao tiếp với mọi người, đặc biệt là ăn uống bình thường trở lại, đêm ngủ tốt.
Các bác sĩ của Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và Ăn uống cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị trầm cảm có ý định tự sát như chị S. tăng lên. Nếu không được can thiệp kịp thời, sẽ rất nguy hiểm.
Về nguyên nhân của trầm cảm, BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân - Phòng Rối loạn cảm xúc và ăn uống - cho biết là sự phối hợp của nhiều yếu tố: Có thể do mất cân bằng trong não, hay sức khoẻ thể chất; do căng thẳng; di truyền; sử dụng thuốc; biến cố đau thương; rối loạn dinh dưỡng; nội tiết tố sinh dục nữ …
3.000 người chết mỗi ngày do trầm cảm
BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân - Phòng Rối loạn cảm xúc và ăn uống - cho biết: Trầm cảm biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh thường kéo dài và tái diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Trầm cảm gây ra nhiều hậu quả: Giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, dẫn đến các gánh nặng cho chính bệnh nhân và cho cả gia đình. Trầm cảm cũng dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.
Cũng theo BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân, bệnh thường bắt đầu khi dậy thì: 85% bệnh nhân ở độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Người mắc bệnh <15 tuổi ngày càng tăng. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc <11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn.
Những người mắc bệnh ở giai đoạn 1: 50% tái diễn; giai đoạn 2: 70% tái diễn và giai đoạn 3: 90% tái diễn.
BS. Vân chỉ ra các yếu tố tiên lượng tái diễn giai đoạn trầm cảm: Stress tâm lý tiếp diễn; nhận thức tiêu cực; rối loạn giấc ngủ dai dẳng; nhiều giai đoạn trầm cảm; tuổi khởi phát sớm; có thêm rối loạn tâm thần không do dùng chất; bệnh cơ thể mạn tính, đặc biệt là gia đình có người bị rối loạn cảm xúc.
Trầm cảm và tự sát
Đáng lưu ý khi rối loạn trầm cảm tái diễn có mối liên hệ chặt chẽ với tự sát. Những người trầm cảm tái diễn hay nói về tự tử, chết chóc, không có lý do để sống; bận tâm với cái chết; không giao tiếp với mọi người. Nhiều người còn chuẩn bị cho cái chết, cho đi những tài sản có giá trị. Có người từng tự tử; liều lĩnh, bốc đồng; không quan tâm đến diện mạo cá nhân của họ; sử dụng nhiều rượu hoặc ma túy; thể hiện cảm giác tuyệt vọng vv…
Ở Pháp có gần 11.000 người tự sát thành công và 200.000 người cố gắng tự sát mỗi năm.
Tại Mỹ, 50-80% người lớn tuổi chết do tự sát có trầm cảm. Trong số các thanh thiếu niên, tự sát là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3.
Ước tính có trên 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm, khiến WHO đánh giá trầm cảm là yếu tố lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. Đây là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới vào năm 2030.
Hiện có khoảng 1 triệu người trầm cảm chết do tự sát mỗi năm trên thế giới, tương đương 3.000 người chết mỗi ngày. Bên cạnh đó, còn khoảng gấp 20 lần, thậm chí, nhiều hơn, số người có ý định tự sát.
Những dấu hiệu cần biết
BS. Vân chỉ ra những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, để bản thân người bệnh hoặc người thân, trong gia đình có thể sớm nhận biết:
Khí sắc giảm: Nét mặt luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn, bi quan, mất hy vọng.
Mất hết hứng thú hoặc sở thích vốn có: Một người trước đây rất yêu thích đi du lịch, xem phim thì nay không còn quan tâm gì đến sở thích này.
Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân, thậm chí nhịn ăn hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân thường sút cân nhanh chóng, tuy nhiên có 1 tỉ lệ nhỏ số người lại tăng cảm giác ngon miệng, ăn nhiều hơn.
Rối loạn giấc ngủ: Là dấu hiệu hay gặp nhất. Bệnh nhân khó vào giấc ngủ, ngủ hay tỉnh dậy và khó khăn trong việc ngủ lại hoặc thức dậy sớm hơn bình thường. Một số ít người bệnh ngủ nhiều hơn bình thường.
Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Người bệnh nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì, hoặc nói chậm, vận động chậm, tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn.
Giảm sút năng lượng: Người bệnh bị kiệt sức và mệt mỏi, không đủ sức để làm việc gì nữa. Mệt mỏi thường nặng hơn về buổi sáng.
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Bệnh nhân tự cho mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và cho xã hội.
Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định về một việc gì dù là thông thường
Ngoài ra, bệnh nhân còn có “Ý tưởng hoặc có hành vi tự sát”.
Người trầm cảm cần được hỗ trợ gì?
BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân lưu ý do nguyên nhân của trầm cảm là nhiều yếu tố phối hợp, nên người người trầm cảm cũng cần được hỗ trợ nhiều mặt, cả hoá dược lẫn tâm lý.
Đó là cần được chăm sóc về tinh thần và thể chất; chăm sóc sức khỏe tâm thần và y tế liên tục. Bệnh nhân uống thuốc đều sẽ ngăn chặn được tái phát và kiểm soát được bệnh nhanh Bên cạnh đó, cần giúp người trầm cảm kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và cách xử lý tranh chấp phi bạo lực. Tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa có thể làm giảm ý muốn tự tử và hỗ trợ bản năng để tự duy trì. Không để cho người trầm cảm tiếp cận phương tiện có khả năng gây chết người.
Trao đổi với VietTimes về vai trò của điều trị tâm lý với người bệnh trầm cảm, BS. Tâm lý Đặng thị Hải Yến cho biết thêm: Điều trị cho người trầm cảm cần phối hợp nhiều biện pháp. Song hành với điều trị thuốc, bác sĩ tâm lý cũng sẽ hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý sẽ không tập trung nhiều vào triệu chứng mà giúp bệnh nhân sắp xếp lại cuộc sống, giảm gánh nặng công việc, để giảm cảm giác khó chịu và nhất là thay đổi cách suy nghĩ.
Thường khi điều trị nội trú ở Viện, bệnh nhân sẽ tiến triển nhanh vì được mọi người yêu thương chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần và không bị gánh nặng công việc hàng ngày đè nặng.