43% người mắc lao chưa được phát hiện
Theo WHO, Việt Nam đứng thứ 12 trong 30 nước có số mắc lao cao nhất thế giới, đồng thời, cũng là nước đứng thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có thêm 182.000 người mắc lao và trên 13.000 người tử vong do lao.
Đáng nói là, số bệnh nhân lao được phát hiện chỉ chiếm 57% số người mắc, tức là còn 43% bệnh nhân lao chưa được điều trị. Việc người dân kỳ thị/mặc cảm, dẫn đến giấu bệnh hoặc không điều trị, càng làm bệnh lây lan và kháng thuốc.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị cập nhật chính sách mới trong phòng, chống lao tổ chức ngày 9/1.
Các đại biểu cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong phòng chống lao: Việc phát hiện sớm và điều trị đòi hỏi đầu tư nguồn lực rất lớn; gánh nặng kinh tế khiến bệnh nhân lao bỏ trị và làm kháng thuốc; công tác phòng, chống lao và dịch vụ điều trị chưa đảm bảo chất lượng tại cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập ngoài chuyên khoa.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống lao
Để phòng, chống lao hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành 3 cuốn tài liệu hướng dẫn về chuyên môn quan trọng, gồm: Hướng dẫn Chẩn đoán, Điều trị và Dự phòng bệnh Lao; Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính.
TS Đinh Văn Lượng (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương), Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) cho biết những chính sách, kỹ thuật mới về phòng, chống lao rất quan trọng, để công tác này hiệu quả trong hệ thống y tế các tỉnh.
Chia sẻ với VietTimes bên lề hội nghị, TS Đinh Văn Lượng cho biết điểm mới trong chính sách về phòng, chống lao là cập nhật những phác đồ mới nhất của WHO và kinh nghiệm kiểm soát lao của các nước trên thế giới.
Đặc biệt, việc kiểm soát lao sẽ gắn với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ở cả công và tư vốn chưa được quan tâm. Các thầy thuốc sẽ có bộ công cụ để sàng lọc lao cho những người đến KCB, với mục tiêu 100% người dân đều được khám sàng lọc lao.
Chính sách cũng lần đầu cung cấp tài liệu chuyên sâu về bệnh nấm, đặc biệt là bệnh nấm sau điều trị lao.
TS Lượng cho biết chính sách mới đã đưa ra những kiến thức mới nhất về công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, đặc biệt, đã cập nhật phác đồ điều trị lao mới nhất, phối hợp nhiều loại thuốc, trong đó có một số thuốc mới. Phác đồ rút ngắn thời gian điều trị lao từ 8 tháng xuống 6 tháng, lao kháng thuốc từ 2 năm xuống 9 tháng và có thể rút xuống ngắn hơn với nhiều phác đồ đang thử nghiệm.
“Một nội dung quan trọng là cập nhật các kỹ thuật chẩn đoán bệnh lao nhất, đặc biệt là trẻ em, với các bằng chứng khoa học. Riêng phác đồ điều trị lao trẻ em, ngoài phương pháp kinh điển, còn có nhiều điểm mới như soi dạ dày, xét nghiệm Xpert, sàng lọc lao bằng trí tuệ nhân tạo (AI)…”, ông Lượng thông tin.
Ngoài ra, các chính sách mới sẽ là cơ sở để Chương trình Chống lao các tỉnh, thành phố tăng cường vận động sự hỗ trợ và cam kết nguồn lực từ chính quyền địa phương cho công tác phòng, chống lao.
Tại hội nghị, BS Mai Thu Hiền, Giám đốc Dự án USAID SET, FHI 360, cũng chia sẻ những điểm quan trọng của các chính sách mới: Cập nhật kỹ thuật vi sinh trong chẩn đoán, ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; tăng cường chẩn đoán lao không có bằng chứng vi khuẩn học, đặc biệt ở trẻ em.
Bên cạnh đó là cập nhật các dịch vụ kỹ thuật liên quan, tạo điều kiện thanh toán từ nguồn quỹ BHYT, triển khai hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao …
Một điểm mới của chính sách là huy động cả hệ thống y tế công và tư tham gia phòng, chống lao; chuẩn hóa quy trình chẩn đoán bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính, phân biệt với các bệnh lý khác như lao phổi, ung thư phổi…
Hội nghị do Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương - Chương trình Chống Lao Quốc gia phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao (USAID SET) thuộc FHI 360 tổ chức.