Đó là chia sẻ của BSCK2. Đoàn Thị Huệ – Phó trưởng Phòng Điều trị Rối loạn Tâm thần người già và Y học giấc ngủ (M8) Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT) Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - tại hội nghị về rối loạn giấc ngủ, tổ chức chiều qua, 25/9.
Rối loạn giấc ngủ liên quan đến trầm cảm
Cũng theo BS. Huệ, 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có 1 rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao gần gấp 4 lần người không mất ngủ. Đặc biệt, số người bị rối loạn giấc ngủ ngày càng trẻ hoá.
BSCK2. Phạm Công Huân - Phòng M8, Viện SKTT Quốc gia - thông tin về một ca bệnh rối loạn giấc ngủ điển hình đang điều trị tại Viện SKTT. Đó là một cô giáo ở Hải Dương, ngoài 40 tuổi, có cuộc sống gia đình hoà thuận, 2 con đều ngoan ngoãn và học giỏi, kinh tế ổn định. Nhưng cô đã phải nhập viện do mất ngủ kéo dài.
Theo lời kể của cô giáo, bệnh mất ngủ đến với cô gần 1 năm nay. Ban đầu, mỗi ngày vẫn ngủ được 4-5 tiếng, nhưng thỉnh thoảng có đêm ngủ chỉ 1-2 tiếng, trằn trọc, ngủ không sâu giấc.
3 tháng gần đây, mỗi đêm cô chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng, khó vào giấc, mà ngủ chập chờn. Vì thế, cô mệt mỏi hơn, hay buồn ngủ, đau đầu, đặc biệt là hay lơ đãng, khó tập trung vào công việc. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng cô không chú ý và phụ huynh cũng phàn nàn nhiều. Mất ngủ khiến cô mệt mỏi hơn, dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, sút cân.
Tình trạng kéo dài, uống nhiều loại thuốc vẫn không cải thiện, mà ngày càng trầm trọng hơn, đến mức cô không dám ngủ chung giường với chồng vì chồng ngủ ngáy. Càng ngày, cô càng nhạy cảm hơn, tiếng động nhỏ cũng làm cô tỉnh giấc và không ngủ lại được. Nhiều đêm thức trắng, nên cô quyết định đến Viện SKTT để khám. Bác sĩ đã yêu cầu cô phải nhập viện điều trị nội trú.
Sau một tháng điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp với liệu pháp thư giãn, luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý, bệnh nhân đã tiến triển tốt, ăn ngủ tốt hơn.
Rối loạn giấc ngủ: Nữ nhiều hơn nam
BS. Đoàn Thị Huệ cho biết hậu quả của rối loạn giấc ngủ rất nặng nề: Rối loạn giấc ngủ gây ra đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng trong nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi vv... Rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng các bệnh thể chất hoặc SKTT khác, như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức.
Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất. Việc rối loạn giấc ngủ có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu, và trầm cảm hoặc lo âu có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Thiếu ngủ hay ngủ quá nhiều có liên quan đến bệnh tim và tiểu đường, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh suy tim sung huyết, viêm xương khớp và Parkinson.
Rối loạn giấc ngủ không chừa một ai, khi gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính: Một nghiên cứu cho biết có tới 32,1% bị rối loạn giấc ngủ, trong đó, nữ chiếm 34,8%; nam 29,1. Đáng lưu ý khi một nghiên cứu chỉ ra có gần 1/3 dân số bị mất ngủ nhưng chỉ 6%-15% dân số được chẩn đoán. Không chỉ mất ngủ, mà ngủ nhiều, ngủ rũ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, cũng là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ. cũng là một phàn nàn thường xuyên khác, tỷ lệ hiện mắc ~ 4%-26%.
Những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống. Trong đó, 5 -6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu; 14,6% trầm cảm cơ thể.
“Việc mất ngủ có liên quan đến thời gian làm việc dài, trình độ học vấn thấp hơn, độc thân, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, béo phì, trầm cảm hoặc lo lắng. Tỉ lệ phụ nữ mất ngủ nhiều hơn nam giới, mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh” - BS. Huệ lưu ý.
Tuy nhiên, không phải cứ mất ngủ là rối loạn giấc ngủ, mà việc khó ngủ xảy ra ít nhất 3 đêm mỗi tuần và xuất hiện ít nhất 3 tháng. Nhiều người thường nghĩ rằng họ tỉnh hoặc mất ngủ trong khi đó mô hình hoạt động điện não của họ là giấc ngủ bình thường.
Về mất ngủ đồng bệnh với rối loạn tâm thần, BS. Huệ cho hay: Khó vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ là dạng thường gặp nhất của mất ngủ đi kèm các rối loạn tâm thần. Các bệnh lý gây đau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Điều trị tâm lý rất quan trọng
Ths. Tâm lý Nguyễn Thị Hường – Phòng M8 Viện SKTT - cho biết, bên cạnh việc điều trị rối loạn giấc ngủ bằng thuốc, thì việc điều trị tâm lý rất quan trọng. Đó là phải “vệ sinh giấc ngủ” với việc việc giữ cho giường nằm luôn sạch sẽ, tắm trước khi ngủ, sẽ ngủ sâu hơn; ngủ đúng giờ, không ngủ muộn quá hay sớm quá; không ăn quá no vào buổi tối; hạn chế ăn đồ chiên rán, uống chất kích thích trước khi đi ngủ; tắt các thiết bị vì chuông báo làm mất ngủ, nhất là ánh sáng xanh có thể khiến mất ngủ. Một vấn đề nữa là cần giảm áp lực công việc, để không tác động đến suy nghĩ.
BS. Đoàn Thị Huệ lưu ý thêm: Hiện nay, nhiều người thức quá khuya để làm việc và ngủ ban ngày, dễ bị rối loạn giấc ngủ. Việc thức quá khuya sẽ làm thay đổi sinh học và có thể để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tâm thần.
Cũng không sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và tác dụng, vì có bệnh nhân sau khi uống 3 viên giảm cân là bị mất ngủ, mà uống thuốc giảm béo có thể gây loạn thần. Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng ngủ ít sẽ giảm cân, nhưng sự thật, chẳng những không giảm cân, mà có khi còn tăng cân.
Các bác sĩ đặc biệt lưu ý: Khi bị mất ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng, có các rối loạn tâm thần song hành với mất ngủ, cần đi khám để điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu