Chiều 12/10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo của 24 quận/huyện trên địa bàn.
Đây là lần đầu tiên UBND TP tổ chức một cuộc họp trực tuyến về CCHC, trong đó tài liệu cuộc họp đã được chuyển qua email cho các đại biểu về dự Hội nghị để nghiên cứu từ trước. Việc đổi mới hội họp cũng năm trong chương trình CCHC của thành phố nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí trong việc di chuyển đối với các đơn vị ở xa và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức thành phố.
Năm 2016 là năm đầu TP.HCM thực hiện nghị quyết ĐH Đảng bộ TP lần thứ 10, trong đó có chương trình CCHC giai đoạn 2016 – 2020 và cũng là năm đầu thành phố thực hiện giai đoạn 2 của chương trình tổng thể CCHC Nhà nước theo Nghị quyết 30C/NQ-CP của Chính phủ.
Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến các mô hình CCHC của TP.HCM khi chỉ trong năm nay đã có 3 lần làm việc của Thủ tướng; 2 Phó Thủ tướng về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy trong CCHC với lãnh đạo của thành phố.
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng. Trước đây khi TPHCM mới triển khai dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 1 và 2 thì người dân phải hoàn thiện hồ sơ và gửi trực tiếp qua bưu điện hoặc đến trụ sở các cơ quan Nhà nước để nộp hồ sơ thì ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 toàn bộ các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Riêng ở mức độ 4 thì cho phép người dân sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến qua mạng. Kể cả việc trả kết quả cũng có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người dân.
“Mục tiêu của thành phố là phục vụ nhân dân không điều kiện, cải cách mạnh mẽ TTHC, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, cũng như xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, phục vụ tất cả yêu cầu của cá nhân, tổ chức”, ông Trung nói.
Cho đến nay, TPHCM đã triển khai được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông tại 24 quận/huyện và 322 phường xã, thị trấn. Thành phố đã nâng được chuẩn áp dụng công nghệ thông tin, ISO 9001:2008, ISO điện tử thông tin một cửa điện tử bước đầu thí điểm tại một số Sở ban ngành, UBND quận, huyện trong quá trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả TTHC.
Phó GĐ Thường trực Sở Nội vụ - Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc áp dụng một cửa, một cửa liên thông giúp lãnh đạo trực tiếp giám sát được tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, xác định được số lượng, tỷ lệ và nguyên nhân trễ hạn thông qua các tổng hợp tự động hàng tuần qua hệ thống mạng, tin nhắn từ tổng đài 1900545444.
Theo kế hoạch trong năm 2016 TPHCM sẽ áp dụng ISO điện tử tại tất cả các cơ quan, đơn vị và đối với 100% số TTHC được Chủ tịch UBND thành phố công bố.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC trong 3 tháng cuối năm 2016 được TPHCM xác định là đẩy mạnh triển khai cung cấp 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tức là hướng đến triển khai dịch vụ hành chính qua mạng, thực hiện liên thông điện tử, nhân rộng mô hình cấp phép kinh doanh, xây dựng theo cơ chế 1 cửa liên thông điện tử.
Tại hội nghị, các quận, huyện cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm trong CCHC, cũng như tiếp dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, có đánh giá về việc gửi thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi trễ hạn giải quyết hồ sơ, lấy ý kiến hài lòng của người dân khi đến giao dịch. Các kinh nghiệm cũng được nêu lên trong việc nâng cao chất lượng công tác khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBNDTP Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các Sở ban ngành, quận/huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh CCHC với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân; đẩy mạnh cải cách tài chính công, thanh tra công vụ, tinh giản biên chế, công khai thủ tục hành chính.
“CCHC phải làm sao phấn đấu khi nghe đến cán bộ công chức, người dân tin tưởng và khen. Mong rằng với thái độ cầu thị, tinh thần trách nhiệm, sẽ xây dựng thành công chính quyền điện tử vì dân phục vụ, kiến tạo phát triển mà Chính phủ đang hướng đến”, ông Tuyến đề nghị.