TP.HCM đề xuất ra khỏi nhóm nguy cơ cao

VietTimes – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất TP.HCM ra khỏi nhóm nguy cơ cao, được thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg từ 0 giờ ngày 23/4/2020.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 (Ảnh: TTBC)
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 (Ảnh: TTBC)

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM,cho biết trên địa bàn thành phố tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt.

Tổng số ca mắc Covid-19 là 54 trường hợp, trong đó đã điều trị khỏi bệnh 52 trường hợp và chỉ còn 2 trường hợp đang điều trị.

Tính đến nay đã là ngày thứ 22 TP.HCM thực hiện cách ly xã hội, trong đó, có 19 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới. Đây là tiền đề quan trọng giúp TP.HCM có thể công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trên địa bàn.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng TP.HCM cũng phải đối mặt với các thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tỷ số tăng trưởng trong quý I chưa phản ánh hết khó khăn trong bức tranh tình hình kinh tế của thành phố vì gần như nửa quý I nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh và các tác động bên ngoài. Chỉ bắt đầu vào tháng 4 khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu xuất khẩu lớn của thành phố cũng suy giảm theo. 

Để đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, TP.HCM đã chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách vực dậy nền kinh tế theo tinh thần "vừa chống dịch, vừa đảm bảo đời sống sản xuất"; xây dựng lộ trình nới lỏng từng bước, nhưng phải kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Trong đó, kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 "tại chỗ", tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng giám sát đồng bộ ở các khu vực có nguy cơ. Đặc biệt lưu ý đến các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, các cơ sở chăm sóc bảo trợ xã hội; tăng cường các biện pháp phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm tại các BV lớn trên địa bàn TP.HCM (Ảnh: TTKSNK)
Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm tại các BV lớn trên địa bàn TP.HCM (Ảnh: TTKSNK)


Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát, phát hiện các trường hợp mới tại các cơ sở y tế, khoanh vùng và xử lý triệt để nếu có ca nhiễm mới phát sinh; tái sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.

Thành phố cũng tăng cường đầu tư về nhân sự, trang thiết bị và có các chế độ chính sách phù hợp cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng và chống dịch.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là mặt trận quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trong an ninh y tế của người dân, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay.

Liên quan đến vấn đề vực dậy nền kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM sẽ tiếp tục chịu sự tác động nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới còn tiếp diễn. Do đó, để giảm tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro doanh nghiệp đã triển khai vào ngày 6/4 vừa qua, TP.HCM tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện phát triển bình thường mới; trong đó nêu cao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bao gồm: Bộ chỉ số an toàn trong trường học, ngành văn hóa - thể thao, giao thông vận tải, du lịch, công thương, vệ sinh thực phẩm và các khu vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ ban hành trước ngày 30/4. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm: “Thành phố sẽ tham vấn nhiều chiều, tổ chức thí điểm, sau đó mới  triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định và đạt được mục tiêu phòng chống dịch bệnh đề ra.

“Cùng với đó, ngoài chính sách chung của chính phủ, TP cũng đang khẩn trương xây dựng và triển khai đồng bộ một số cơ chế chính sách đặc thù để tiếp tục đưa nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể như: gói kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn cùng chung tay chống dịch; gói hỗ trợ cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội; gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch bệnh và gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh”.

Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay TSN sẵn sàng đón người nhập cảnh (Ảnh: TTKDQT)
Kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất sẵn sàng đón người nhập cảnh (Ảnh: TTKDQT)

TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét hai nội dung sau:

“Thứ nhất: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, để thực hiện được mục tiêu kép, đề xuất đưa TP.HCM từ nhóm "nguy cơ cao" xuống nhóm "nguy cơ" và thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 23/4/2020. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh, sẽ có điều chỉnh phù hợp” – ông Nguyễn Thành Phong nói.

“Thứ hai, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, trên mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ để vực dậy nền kinh tế và thực hiện mục tiêu kép, TP.HCM kiến nghị sớm tổ chức hội nghị toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

“Trong đó quan tâm đến việc thống kê thiệt hại của dịch bệnh để làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ giúp phục dậy nền kinh tế; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

“Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ xem xét hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được để mở rộng thị trường nội địa” – ông Phong đề xuất.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh nhằm thực hiện cao nhất mục tiêu kép đề ra.