Theo Nikkei Asian Review, việc đình chỉ xuất khẩu ô tô sang Việt Nam của các hãng xe hơi Nhật Bản có vẻ như đã được dự báo trước khi họ vẫn mông lung với các chính sách không rõ ràng từ phía Chính phủ Việt Nam bởi đến thời điểm này chưa hề có một thông tư nào được ban hành để hướng dẫn thực hiện Nghị định 116.
Điều đáng nói, Nghị định này có hiệu lực ngay sau khi Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm ô tô nhập từ các nước ASEAN từ mức 30% về mức 0% kể từ ngày 01/01/2018. Trên thực tế, việc thực hiện giảm thuế suất của Việt Nam đã chậm hơn 2 năm so với các nước khác trong khối ASEAN.
Tập đoàn Toyota cho biết họ đã chính thức ngừng việc xuất khẩu ô tô sang thị trường Việt Nam từ 16/1. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện đã có nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam nhưng hiện tại họ vẫn phải nhập khẩu khoảng 1.000 xe từ các nước như Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu 1/5 lượng xe bán ra thị trường.
Các mẫu xe đang được Toyota Việt Nam phân phối gồm có Hilux, Fortuner, Yaris, Land Cruiser Prado và các dòng xe cao cấp của thương hiệu Lexus.
Ông Michinobu Sugata - Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan nói với các phóng viên tại Bangkok: "Thị trường Việt Nam giảm sút rõ rệt vào năm ngoái vì khách hàng chần chừ mua xe để đợi thuế nhập khẩu giảm vào cuối năm 2017".
Cũng theo báo cáo bán hàng của hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe của toàn ngành ô tô chỉ đạt 250.619 xe, đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. "Chúng tôi dự đoán sẽ có bước nhảy vọt lớn của thị trường xe hơi Việt Nam vào năm 2018 nhưng do những rào cản phi thuế quan do Việt Nam đưa ra, chúng tôi nhiều khả năng sẽ không thể xuất khẩu sang Việt Nam được nữa", vị Chủ tịch này chia sẻ.
Nghị định 116 được công bố vào tháng 10/2017 đưa ra các yêu cầu về kiểm tra khí thải và an toàn đối với tất cả các xe nhập khẩu. Trước đây chỉ có lô đầu tiên mới phải tiến hành kiểm tra. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết một bài kiểm tra khí thải có thể mất 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD.
"Nó sẽ gây lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền bạc", một tuyên bố mà đơn vị này đã gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2017 vừa qua.
Nghị định này cũng yêu cầu tất cả các mẫu xe phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, được cấp bởi cơ quan chức năng của nước xuất khẩu. Đây là giấy chứng nhận phương tiện nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và được phát hành bởi các tổ chức có thẩm quyền tại nước xuất khẩu.
Kể từ khi Nghị định 116 được công bố vào tháng 10/2017, chính phủ nhiều nước có các tập đoàn xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng họ khó có thể xuất khẩu ô tô sang Việt Nam.
Trong các cuộc họp có liên quan tới Nghị định 116, các thành viên của VAMA đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng chia sẻ những điều khoản của Nghị định 116 có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém chi phí, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Theo Nikkei Asian Review
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu