10 năm quen thuộc với làng công nghệ, tôi hiểu vai trò của những sự kiện như Microsoft Build, iPhone tháng 9 hay Google I/O. Tại những sự kiện như thế này, các gã khổng lồ số 1 thế giới sẽ chính thức tung ra những dự án ấp ủ tâm huyết nhất, đưa thế giới công nghệ tiến lên thêm vài bước.
Và dĩ nhiên những sự kiện lớn bao giờ cũng là nguồn đề tài phong phú cho giới viết báo trên khắp thế giới. Khi các ông lớn đưa thế giới tiến lên phía trước, chúng tôi - cũng như người hâm mộ công nghệ chân chính nào khác - có thêm biết bao công cụ để tưởng tượng. Không biết các bạn như thế nào, nhưng tôi rất thích tưởng tượng xem với tất cả những công cụ hi-tech mà các gã lớn nọ vừa ra mắt, thế giới sẽ thay đổi như thế nào.
Nhưng Microsoft BUILD năm nay chứng kiến một hiện tượng theo tôi là rất hiếm gặp trong những năm vừa qua. Báo chí gần như không thể viết được bất cứ điều gì về tầm nhìn mới của Microsoft. Tôi lướt cả những trang báo Việt Nam, cả những trang báo nước ngoài, có lẽ BUILD năm nay "đẻ" ra được 3 đầu mục là nhiều.
Tất cả những gì báo giới đưa ra trong các bài "Chờ đợi gì từ BUILD" như cập nhật Windows, Cortana hay bất cứ sản phẩm nào khác liên quan tới người dùng cuối đều không xuất hiện.
Chiếc loa Harmann Invoke mà Microsoft chẳng mảy may giới thiệu chính thức lại trở thành tin "hot".
Các con số người dùng, vốn thường chỉ được đưa ra để làm món "khai vị" cho các sự kiện lớn, dường như đã trở thành thông tin quan trọng nhất được các báo đăng tải từ BUILD 2017.
Một trang nước ngoài còn "bới" ra được góc nhìn rằng "Đa dạng hóa nguồn nhân viên là yếu tố quan trọng của Microsoft BUILD năm nay". Dĩ nhiên, các vấn đề sắc tộc và giới tính vẫn còn nhức nhối tại Mỹ, nhưng ngành phần mềm theo quan sát của tôi trước nay bao giờ cũng mang tư tưởng cấp tiến. Đa dạng hóa (diversity) chưa bao giờ là vấn đề.
Một người bạn nghề báo của tôi nhắn tin nói "Tớ buồn ngủ quá cậu ơi". Người bạn này, sự kiện nào của Samsung, Apple, Facebook... cũng đều cùng tôi chinh chiến. 10 năm, đây là lần đầu tiên cậu than lệch giờ.
Vậy thì điều gì tạo nên một sự kiện BUILD nhàm chán đến thế? Hãy để tôi tóm tắt lại những tuyên bố quan trọng nhất tại BUILD 2017 cho bạn, nhưng tôi xin nói trước, nếu không thể kiên nhẫn, xin hãy bỏ qua tất cả các gạch đầu dòng và đọc đoạn tiếp theo.
- Microsoft đưa tầm nhìn "di động, đám mây" tiến lên thêm một bước với "đám mây thông minh, rìa thông minh". "Rìa" ("edge") ở đây là các thiết bị đầu cuối, bao gồm cả thiết bị người dùng lẫn các bộ máy IoT.
- "Serverless" sẽ trở thành tôn chỉ của đám mây. Với Azure IoT Edge, logic xử lý không nhất thiết phải đặt trên máy chủ nữa.
- Azure chính thức hỗ trợ MySQL và PostgreSQL, vốn là các công nghệ cạnh tranh với Microsoft SQL Server.
- Visual Studio cho Mac chính thức phát hành.
- Azure Cloud Shell ra mắt trên trình duyệt.
- Azure Cosmo DB cho phép các tập đoàn xây dựng một mô hình lưu trữ dữ liệu trên toàn cầu.
- Azure Batch AI Training: tạo ra dịch vụ cho phép các developer có thể train các mô hình machine learning của mình trên Azure, bỏ qua các mối quan tâm về hạ tầng.
- Custom Vision: tạo model nhận diện hình ảnh trong nháy mắt với một bộ dữ liệu do bạn tự chọn.
- Một loạt Cognitive Service và Bot Framework mới được ra mắt.
Tại sao tất cả những điều này là vô nghĩa với các tín đồ công nghệ không phải là coder? Rất đơn giản, tất cả những sản phẩm/dịch vụ mới này đều là những thứ mà bạn sẽ không bao giờ trực tiếp chạm tay vào. Nói một cách chính xác hơn, bạn không cần quan tâm một chút nào đến những khái niệm Microsoft đã đề cập trong buổi khai mạc BUILD 2017. "Serverless" là cái gì vậy? Visual Studio chắc chắn sẽ chẳng bao giờ phổ biến như Office. Còn PostgreSQL, nhiều dev còn chẳng biết chứ đừng nói tới những người không phải là IT.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng những gì Microsoft công bố trong ngày hôm qua không đưa thế giới tiến lên, không bằng cách nào đó ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và bạn. Để tóm lược lại ý nghĩa của BUILD 2017, tôi xin được nhắc lại một câu nói trong màn phát biểu của Harry Shum, phó tổng phụ trách mảng AI tại Microsoft:
Và quả thật tất cả những gì Microsoft vừa công bố ngày hôm qua sẽ buộc giới phần mềm nghĩ lại rất nhiều về công việc của mình. Việc serverless từ vai trò chỉ là "một khái niệm trong nghề code" trở thành trọng tâm chiến lược của một gã khổng lồ phần mềm không phải là đơn giản. Việc một gã khổng lồ nổi tiếng là ưu tiên sản phẩm của riêng mình nay tìm mọi cách để gia tăng sức mạnh cho đám mây cũng không phải là một sự kiện nhỏ. Cosmo DB hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến cực kỳ quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp muốn "lên mây" - nói cách là là tất cả các doanh nghiệp không cạnh tranh với Microsoft.
Rất nhiều những tuyên bố khác sẽ giúp cho đám mây và AI trở thành hai khái niệm song hành. Microsoft vừa tạo ra một cú thúc quan trọng để đưa AI tiến lên phía trước.
Đây chính là cách để Microsoft trở lại là hoàng đế của thế giới IT. Microsoft đã luôn luôn là một công ty chuyên về nền tảng. MS-DOS đưa máy tính đến từng người, mở ra kỷ nguyên bành trướng của IT, tạo ra một thế giới có nhiều hơn... 5 chiếc máy tính. Windows biến trải nghiệm hi-tech trở thành đơn giản nhưng cũng không giới hạn vào phần cứng tự sản xuất như Apple.
Rồi đến thời đại Internet, chính sự cạnh tranh khốc liệt của Microsoft và Netscape trong những năm đầu đã là một tiền đề quan trọng để đưa các tiêu chuẩn web tiến lên. Internet Explorer sau này sẽ trở thành một cơn ác mộng, nhưng sự thật là nếu Microsoft không quyết liệt đấu với Netscape thì sự phát triển của WWW cũng không thể nhanh đến vậy.
Về bản chất, Microsoft của BUILD 2017 cũng là như vậy. Microsoft không trực tiếp tạo ra những sản phẩm phần mềm/dịch vụ mạng mà bạn sử dụng hàng ngày, nhưng Microsoft đang quyết liệt tìm ra rất nhiều cách để khuyến khích, để đơn giản hóa công việc, để tiết kiệm tiền cho những người tạo ra các sản phẩm ấy - các developer. Quá khứ huy hoàng đang một lần nữa lặp lại: ngày trước, Microsoft có thể không trực tiếp tạo ra những ứng dụng DOS/Windows mà bạn sử dụng hàng ngày, không tạo ra những trang web bạn "nghiện". Nhưng bằng cách thúc đẩy sự phát triển của DOS, của Windows và của WWW, Microsoft góp một phần quan trọng giúp cho thế giới ứng dụng và web có thể bùng nổ: những ứng dụng và trang web hấp dẫn có thể xuất hiện một cách ít tốn kém, dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Ngày nay, vai trò của MS-DOS, Windows và WWW được thay thế bằng đám mây Azure, bằng AI của Cognitive Services và Bot Framework, bằng các bộ máy lưu trữ dữ liệu khổng lồ đằng sau Cosmo.
Tôi nghĩ rằng đây sẽ là cách để Microsoft trường tồn. Là cách của vị hoàng đế một thời sẽ vĩnh viễn sống sót trong khi Apple, Google hay Facebook đều có thể lụi bại. Vì sao ư? Apple sống bằng cách bán phần cứng đến người dùng, Google và Facebook dù thống trị 2 thị trường tìm kiếm và mạng xã hội nhưng về bản chất đều sống bằng quảng cáo. Tất cả những công cụ, những cách sống ấy đều có thể có ngày phải chết. Ngay cả Google cũng thế: nếu như người dùng chuyển sang giao diện giọng nói nhiều hơn, đất sống của quảng cáo truyền thống sẽ ngày một thu hẹp lại.
Microsoft thì khác. AI và đám mây về bản chất đều là các công cụ nền tảng. Một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu vaccine, một startup thương mại điện tử hay một nhà máy sản xuất thép đều có thể sử dụng công nghệ của Microsoft. Chưa cần biết là lĩnh vực nào thịnh, lĩnh vực nào suy, nền tảng của Microsoft cũng đều sẽ có "đất diễn" - không phải là trước mặt những người dùng cuối như tôi và bạn, mà là đằng sau sân khấu của những trang web, những sản phẩm IT đình đám.
Ở đằng sau sân khấu, cả Facebook, Google, IBM, Oracle hay bất cứ một ông lớn nào ngoại trừ Amazon đều không phải là đối thủ của Microsoft. Công ty của Satya Nadella đã hàng thập kỷ trói doanh nghiệp và vô số các nhà phát triển vào các công nghệ của riêng mình, và giờ đây, Microsoft lại một lần nữa thể hiện quyết tâm sẽ tìm mọi cách để giữ vững thế mạnh ấy.
Hoàng đế đã trở lại. Lần này, ngài muốn thực sự vạn tuế.
Theo Tri thức trẻ