Có thể nói Việt Nam là một nước yêu toán học. Việc dạy và học môn toán được cả xã hội đề cao.
Thực tế, chúng ta cũng có nhiều thành công với toán học. Những giải vàng khu vực và thế giới, những thứ hạng top đầu trong mỗi kỳ Olympic toán học quốc tế, và cả những cái tên nổi danh trong giới toán học toàn cầu...
Nhưng những kiến thức toán học, thế mạnh học toán ấy đã được ứng dụng như thế nào trong thực tế, ngoài chuyện thi cử (?).
Toán học và đặc biệt là toán học ứng dụng đã được ứng dụng ra sao (?).
"Nhiều trung tâm tính toán của các trường đại học lớn gần như thất nghiệp vì không có ai đến đặt hàng", PGS TS Tống Đình Quỳ - Chủ tịch Hội Ứng dụng Toán học Việt Nam - chia sẻ thẳng thắn về một thực tế đang diễn ra, trong cuộc trao đổi với VietTimes.
Trước hết, xin ông cho biết một vài nét sơ lược về nhu cầu toán học ứng dụng trong thực tế ở thế giới và Việt Nam.
Thực ra là không chỉ toán học ứng dụng mà là toán học nói chung đều phục vụ các nhu cầu của cuộc sống. Tuy vậy, phân biệt thế nào là toán ứng dụng thì cũng rất khó vì ranh giới của nó rất không rõ ràng. Courant – một nhà toán học ứng dụng nổi tiếng của Mỹ từng nói rằng, toán học ứng dụng là toán học không chứng minh định lý. Trên thế giới hiện nay có 2 tổ chức rất mạnh là Liên đoàn Toán học Thế giới chuyên nghiên cứu về toán học lý thuyết và Ủy hội Quốc tế về Toán học Ứng dụng và Công nghiệp với tiêu chí nghiêng về định hướng ứng dụng. Với các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản… cũng có 2 hội như vậy.
Có thể nói, toán học ứng dụng là ngành học phải có đối tượng phục vụ rõ ràng và thực ra toán học ứng dụng đã bao hàm toán công nghiệp. Nhưng người ta nhấn vào toán công nghiệp vì những ứng dụng toán lớn nhất là trong công nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta thì toán học ứng dụng khó phát triển vì thực chất dường như chưa có công nghiệp. Tôi phải nói thẳng như vậy! Chúng ta đang nhập từ con ốc vít và dù có nói là công nghiệp nhưng về cơ bản cũng chỉ là lắp ráp.
Ở các nước phát triển, các công ty đa quốc gia thường có những đặt hàng với ngành toán học ứng dụng. Kèm theo những đặt hàng đó là những khoản tiền rất lớn. Có những dự án có giá trị từ hàng triệu tới hàng chục triệu USD. Với những giải thưởng về toán học lý thuyết, có thể trao giải thưởng cho những người chưa đến 40 tuổi như Ngô Bảo Châu. Nhưng với toán học ứng dụng thì đa phần là những người cỡ 60 tuổi vì nó đòi hỏi cả một quá trình. Thứ hai, làm toán ứng dụng còn mệt ở chỗ phải là ứng dụng cho một ngành cụ thể nào đó. Vì thế, toán ứng dụng phải có đối tác và các nhà toán học ứng dụng phải hợp tác được với đối tác đó. Và một trong những cái yếu của người Việt Nam hiện nay là tính hợp tác của các lĩnh vực rất thấp. Vì thế, không chỉ với toán, mà với nhiều lĩnh vực khác thì muốn làm ứng dụng là khó.
Theo các đặt hàng của Nhà nước, các chuyên gia toán học ứng dụng cũng đã làm được một số đề tài. Nhưng với số tiền vài trăm triệu đồng thì kết quả rất hạn chế và sau đó lại cất vào ngăn kéo, không phục vụ được ai.
Còn trong hai lĩnh vực rất cần đến toán học ứng dụng đó là công nghiệp và kinh tế - tài chính. Việt Nam mình nếu có làm thì chắc là hướng sang kinh tế - tài chính. Chứ còn công nghiệp thì cũng rất hạn chế như tôi đã nói vì chúng ta chưa có một nền công nghiệp theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện cũng có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn. Vậy tại sao họ không thể là khách hàng của ngành toán học ứng dụng?
Vấn đề là họ có đặt hàng không và chúng tôi cũng không thể nhảy vào đề nghị cho mình được làm. Và mọi thứ nhập về, mua về với họ mà rẻ hơn thì thuê chuyên gia trong nước để làm gì?
Tôi lấy ví dụ, khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thì người ta phải đầu tư hàng trăm nhân lực để lập trình, thiết kế trên máy tính. Sau đó, người ta thử nghiệm bằng mô phỏng. Điện hạt nhân không thể thử nghiệm trên mô hình thực tế được vì sẽ rất nguy hiểm. Sau khi các quá trình thử nghiệm mô phỏng diễn ra một cách trôi chảy và an toàn, người ta mới xây dựng nhà máy và đưa vào vận hành.
Bất cập là các tập đoàn lớn tuy cũng có nhu cầu với đội ngũ chuyên gia trong nước nhưng họ chỉ có thể chi trả cỡ vài ba tỷ đồng. Trong khi đó, họ có thể mua các phần mềm đó của nước ngoài với chi phí hàng triệu USD và hưởng hoa hồng một cách ngon lành hơn nhiều so với thuê trong nước.
Cũng có một số địa phương có ý định đặt hàng chúng tôi để tính toán thống kê cho họ với một số nhu cầu. Nhưng họ lại đòi hỏi phải được nhận lại tới 50% giá trị hợp đồng. Chúng tôi không thể tiếp tay cho tham nhũng và cũng không muốn trở thành tòng phạm của tham nhũng nếu những hợp đồng đó được pháp luật sờ đến.
Riêng về kinh tế - tài chính thì cái hay là có mục tiêu chung là lợi nhuận cao nhất và rủi ro thấp nhất. Những bài toán đó luôn luôn xuất hiện và một số đại học về kinh tế đã có khuynh hướng sử dụng toán ứng dụng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, muốn làm được thì vẫn phải cần có những người đứng sau để có kinh phí thực hiện. Sau nữa, khi có kết quả rồi thì phải đem được vào thực tế.
Việt Nam hiện cũng đã có thị trường chứng khoán và nhu cầu về toán học ứng dụng ở đây chắc chắn là có. Và với nhu cầu đó, hoàn toàn có thể ra đời những doanh nghiệp chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam là dường như chưa có.
Ở các nước khác, người ta có thể lập các mô hình chạy trên máy tính về thị trường chứng khoán. Tư vấn chứng khoán mà chỉ dựa trên các mô hình định tính thì không có tính tin cậy. Có rất nhiều người Việt trong ngành toán đã làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, sau đó ở lại để làm tính toán cho chứng khoán. Sau một thời gian, theo lời mời của các công ty chứng khoán trong nước, một số người đã trở về. Nhưng chỉ sau khoảng 1 năm thì họ đã trở lại làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân vì thị trường chứng khoán ở Việt Nam không hoạt động theo quy luật chung, khách quan, mang tính thị trường, nên khi áp dụng mô hình thế giới vào thì không chạy được.
Có nhiều thực tế trong cuộc sống, xét về mặt toán học là không hề khó. Tuy nhiên, việc ứng dụng được các kiến thức đó vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông nghĩ gì về thực tế này?
Thực ra, toán học rất gần gũi với đời thường chứ không phải là quá xa xôi. Lý do vì bất cứ ai khi làm một việc nào đó cũng đều phải tính toán sao cho hợp lý, tối ưu. Con gái tôi học toán ở Singapore và cho biết ở nước này có một môn thi đại chúng là Toán Mô hình dùng cho học sinh phổ thông. Đây là những kiến thức không phải để đi thi Olympic Toán học mà đó là những bài toán rất thực tế và học sinh phải vận dụng kiến thức toán học để xử lý.
Bản thân tôi vừa tham gia làm giám khảo cho một số khóa học theo mô hình này ở Việt Nam với đối tượng là học sinh lớp 11. Kiến thức toán học ở bậc phổ thông thì ai cũng biết rằng không có gì cao siêu nhưng vấn đề là phải vận dụng được nó như thế nào trong cuộc sống. Đây là thực tế của các sinh viên mới tốt nghiệp ngành toán đã tổ chức ra sân chơi mới cho học sinh phổ thông. Các nhà toán học có tham gia về mặt ý tưởng để ra đề và đến làm giám khảo để chấm điểm. Ý nghĩa đích thực của toán học là ở mọi chỗ, mọi nơi chứ không chỉ là những bài toán lớn, chỉ mang tính lý thuyết.
Theo một số ý kiến, giáo dục đại học ở Việt Nam từ tự nhiên tới xã hội, từ khoa học tới nghệ thuật phải bổ sung thêm 5 môn là Khoa học Hành chính, Tối ưu hóa, Phản biện Khoa học, Khoa học Liên ngành và Tương lai học. Ông nghĩ gì về việc đưa các kiến thức toán học trong đó có Tối ưu hóa vào các trường thuộc khối khoa học xã hội và nghệ thuật?
Điều đó nếu làm được thì quá tuyệt vời. Bởi vì thực ra những yêu cầu về tối ưu xuất hiện trong mọi lĩnh vực. Thế nhưng mà tối ưu thì cũng rất là rộng và nếu như gọi là một môn tối ưu hóa thì cũng rất là khó dạy.
Một trong những môn của toán học sắp tới còn được đưa vào chương trình phổ thông là xác suất thống kê. Xét cho cùng, đây cũng là một khoa học, và để phục vụ cần đến yếu tố tối ưu. Còn với các đại học về khoa học xã hội thì nhu cầu thống kê chắc chắn là rất nhiều. Vì thế, ngoài tối ưu hóa, các trường thuộc khối khoa học xã hội còn cần đưa kiến thức về thống kê vào chương trình.
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập là các trường mỹ thuật cũng cần đến toán học để dựng hình, phóng hình cùng nhiều nhu cầu khác. Tuy nhiên, để có được những giáo trình phù hợp cho sinh viên của mình thì bản thân các trường phải đặt hàng và tham gia phối hợp với ngành toán học ứng dụng. Phải có sự phối hợp với chuyên gia của các ngành có nhu cầu để thực hiện việc đó chứ một mình các chuyên gia ngành toán không thể tự làm được.
Tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, môn Toán học Ứng dụng chưa hề có trong chương trình đào tạo chính thức suốt nhiều năm qua
|
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT). Vậy các chuyên gia toán học mà đặc biệt là toán học ứng dụng đã và sẽ làm gì?
Thực ra thì các chuyên gia toán học ở Việt Nam và thế giới nhiều năm nay đều rất chủ động với CNTT. Cụ thể như với Internet vạn vật thì lượng thông tin của nó lớn đến mức mà các thuật toán cổ điển không xử lý được. Rồi phải cần đến các bài toán với dữ liệu lớn (Big Data) và điều đó đòi hỏi phải xử lý nghiêm chỉnh trên phương diện toán học. Những chuyên gia thuần túy CNTT khó có thể làm được việc này nếu thiếu các thuật toán mới và nền tảng toán học căn bản.
Tiếp đó, phải kể đến là thương mại điện tử và bảo mật thông tin. Làm sao người ta có thể yên tâm khi chuyển tiền qua mạng… Tất cả những thứ đó cần đến các xử lý toán nghiêm chỉnh mà nếu không tuân theo thì sẽ không đảm bảo được.
Máy tính ngày nay có tốc độ tính toán rất cao tới 10 tỷ phép tính/giây. Nhưng cách đây khoảng 30 năm thì mới chỉ khoảng 100 – 150 ngàn phép tính/giây. Và tốc độ ấy dẫu là đã nhanh nhưng với nhiều bài toán của công nghiệp thì vẫn chưa ăn thua gì. Thế hệ máy tính sắp tới là máy tính lượng tử và nền tảng toán học của nó là giải tích quaternion. Trước đây ta nghĩ đó là toán học lý thuyết thuần túy không ứng dụng được vào đâu. Trong 5 – 10 năm tới, máy tính lượng tử sẽ trở thành phổ biến và góp phần thay đổi bộ mặt của khoa học tính toán.
Tuy nhiên, đó là thực tế của thế giới. Còn ở Việt Nam thì như đã nói nhu cầu tính toán lớn gần như không có. Nhiều trung tâm tính toán của các trường đại học lớn gần như thất nghiệp vì không có ai đến đặt hàng. Trong khi đó, nhu cầu về số liệu, tính toán thống kê của các ngành và địa phương chắc chắn là lớn, song thực tế là các báo cáo của họ nhiều khi chỉ mang tính chất tô vẽ và ít dựa vào dữ liệu thực.
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập đến một lĩnh vực cần đến việc tính toán với các máy tính rất mạnh. Đó là khí tượng thủy văn và việc tính toán ở đây phải được thực hiện 24/24 giờ với các dữ liệu được cập nhật liên tục. Tuy nhiên, công tác tính toán trong khí tượng thủy văn của chúng ta chưa thực sự tốt và nhiều khi vẫn phải dựa vào dự báo của nước ngoài.
Trong khi đó, một nước như Mỹ thì hoạt động tính toán cho khí tượng thủy văn của họ là phục vụ toàn cầu, thí dụ như nhu cầu phục vụ cho hải quân Mỹ ở khắp các đại dương. Tuy nhiên, họ chỉ thông báo kết quả dự báo thời tiết trên vùng biển quốc tế chứ không quan tâm nhiều đến dự báo chẳng hạn như bão sẽ đổ bộ vào đất liền ở các quốc gia khác có liên quan.
Về cơ bản, dự báo thời tiết ở Việt Nam chưa thể vẽ được một cách chính xác với đường đi của các cơn bão. Và dự báo thời tiết của ta cũng chỉ mới làm được tới cấp tỉnh chứ chưa thể chi tiết hơn. Trong khi đó tại Pháp, thí dụ như giải quần vợt trên sân đất nện Roland Garos, người ta đã làm dự báo thời tiết một cách chi tiết cho địa điểm này tới từng phút và nhờ đó, ban tổ chức có thể chuẩn bị một cách tốt nhất cho các vận động viên thi đấu.
Tại Pháp, việc dự báo thời tiết cho giải quần vợt Roland Garos được thực hiện chi tiết tới từng phút.
|
Nói chung, có thể thấy khoa học tính toán rất cần cho khí tượng thủy văn và đây là lĩnh vực mà nhà nước phải đầu tư cả về nhân lực và trang thiết bị. Kết quả của dự báo thời tiết càng ngày phải càng tiến đến sự chính xác chứ không thể nói một cách chung chung.
Xin cám ơn ông!