PGS TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Liên ngành, ĐHQG Hà Nội |
Trước hết xin bà cho biết về vai trò và vị thế của khoa học liên ngành (KHLN) trong nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học?
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh: Phân nhỏ, chuyên sâu là quy luật phát triển của các khoa học chuyên ngành giúp con người nhận thức sâu sắc về thế giới tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, các khoa học chuyên ngành lại có hạn chế nhất định bởi sự chia cắt, phân lập. Tiếp cận liên ngành trong khoa học xuất hiện như một quy luật tất yếu khi phải đứng trước những đối tượng hay vấn đề nghiên cứu mà một khoa học chuyên ngành riêng lẻ không đủ sức giải quyết với phương pháp luận và công cụ của ngành đó. Cần có sự phối hợp, gắn kết của nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau để giúp cho nhận thức về xã hội, tự nhiên và mối quan hệ với con người trong một tổng thể phức tạp, đa chiều trở nên đầy đủ và toàn diện hơn. Khoa học liên ngành không mâu thuẫn hay làm cản trở khoa học chuyên ngành. Trái lại, nó bổ sung, thúc đẩy và đặt ra những bài toán mới cho sự phát triển khoa học chuyên ngành, thông những vách ngăn tạo sự tác động qua lại giữa các ngành khoa học.
Tiếp cận liên ngành đã và đang trở thành một xu thế tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của khoa học và thực tiễn. Hơn thế, liên ngành không chỉ còn là phương pháp tiếp cận mà đã thực sự trở thành những khoa học mới. KHLN thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo khi có gắn kết giữa những khái niệm, phương pháp và các lý thuyết của nhiều ngành khoa học với nhau.
Xin bà cho biết về sự cần thiết của việc phát triển KHLN ở Việt Nam và trách nhiệm của các đơn vị đào tạo như thế nào?
Quá trình toàn cầu hóa đã đặt Việt Nam hòa vào dòng chảy hội nhập với các xu thế chung của thế giới. Chúng ta rất cần đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực làm chính sách, chiến lược, những người có tư duy liên ngành với khả năng tiếp cận tổng thể để có thể nhận diện và đề xuất giải pháp cho các vấn đề đặt ra. Việc phát triển các khoa học liên ngành đang ngày càng được nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu quan tâm, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức để chúng ta khẩn trương hòa chung vào xu thế phát triển khoa học của thế giới.
Là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực với thế mạnh ở nhiều ngành khoa học, ĐHQGHN có nhiều lợi thế trong phát triển các Khoa học liên ngành. Hơn nữa, với sứ mệnh của cơ sở giáo dục hàng đầu trong cả nước, ĐHQGHN luôn quyết tâm trong xây dựng và phát triển các lĩnh vực mới trên cơ sở sự gắn kết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thực ra, ý tưởng chỉ đạo về phát triển khoa học liên ngành ở ĐHQGHN không phải là mới. Vào năm 2002, ngay khi nhận quyền tự chủ về tổ chức đào tạo sau đại học, ĐHQGHN đã quyết định thành lập Khoa Sau đại học, một đơn vị trực thuộc có chức năng thực hiện công tác quản lý đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN, đồng thời có nhiệm vụ tổ chức thực hiện những chương trình đào tạo sau đại học có tính liên ngành, liên lĩnh vực liên quan đến nhiều đơn vị, những chương trình đào tạo thí điểm các ngành sau đại học mới chưa có trong danh mục các ngành đào tạo của Nhà nước…. Sau 15 năm hoạt động, khẳng định những định hướng và quy trình tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo liên ngành, khoa Sau đại học đã được quyết định đổi tên thành Khoa Các Khoa học Liên ngành, tập trung phát triển các KHLN mới cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, có tư duy KHLN đáp ứng những nhu cầu cấp bách của đất nước. Những KHLN mà chúng tôi đã phát triển và đang thực hiện bắt đầu từ các chương trình đào tạo thạc sĩ, bao gồm: Biến đổi khí hậu; Khoa học bền vững; Quản lý Phát triển Đô thị. Tiếp theo trong thời gian tới đây sẽ là Khoa học Di sản; Khoa học Logistics; Khoa học Nhận thức…
Trong thời đại ngày nay, có thể nói là mọi ngành khoa học đều phải sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) như một công cụ phát triển. Xin bà cho biết vai trò và ý nghĩa của CNTT với KHLN.
Bản thân tôi từng theo học ngành Toán - Cơ trước những năm 1990, sau đó chuyển sang nghiên cứu và làm công tác giảng dạy trong lĩnh vực Toán-Tin và CNTT. Rất nhiều người trong lứa chúng tôi đã có những chuyển đổi như vậy, do sự hình thành của lĩnh vực khoa học thông tin thời kỳ đó, xu thế phát triển của nó trong giai đoạn vừa qua và vai trò đối với các ngành khoa học khác. Có thể nói, CNTT là một ngành khoa học bên cạnh những xu hướng học thuật riêng, thì nó có sự gắn kết rất chặt chẽ với nhiều ngành khoa học khác. Một sự gắn kết trong nguyên tắc kết hợp liên ngành. Đó là: Sử dụng khái niệm và phương pháp của chuyên ngành này áp dụng vào chuyên ngành khác để giải quyết vấn đề; Vận dụng quy luật của ngành này vào ngành khác để định hướng và tìm giải pháp mang tính hiệu quả cho vấn đề.
Hiện nay khi phát triển các chương trình đào tạo mới chúng tôi chú ý hơn việc tích hợp CNTT vào các chương trình đào tạo, đảm bảo phát huy được vai trò của CNTT như một khoa học trong các lĩnh vực liên ngành mới. Trong chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý Phát triển Đô thị mà chúng tôi mới phát triển trong thời gian vừa qua, một thời lượng tương đối đã được dành cho mô-đun với tên gọi Công cụ Tích hợp trong Quản lý Phát triển Đô thị, nhằm cung cấp một số công cụ, phương pháp của CNTT trong quản lý phát triển đô thị bao gồm phân tích dữ liệu bao gồm cả dữ liệu không gian, mô hình hóa, hệ thống quản lý thông tin…
Theo ý kiến của GS VS Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thì “KHLN là vấn đề của nhận thức. Nhưng một khi nhận thức chưa thay đổi thì không thể ép được nhau bất cứ cái gì”. Bà có bình luận gì về nhận xét này?
Đó là một thực tế hoàn toàn chính xác. Vì mỗi ngành khoa học đều có những đối tượng, phương pháp luận riêng. Nếu như những người làm việc trong các lĩnh vực đó chỉ có kiến thức, kinh nghiệm trong chuyên ngành của mình mà không cập nhật kiến thức của các lĩnh vực khác thì rất khó bàn đến KHLN, khó có thể tiếp cận và xem xét đối tượng nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau.
Tôi đã từng được tham gia khá nhiều hoạt động trong quá trình xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học liên ngành ở ĐHQGHN. Một điều tôi nhận thấy và cho rằng yếu tố dẫn tới thành công đó là sự tâm huyết, nhiệt tình và cởi mở của các nhà khoa học. Dù là các chuyên gia đầu ngành ở những chuyên ngành khác nhau, nhưng khi tham gia vào sân chơi liên ngành, các thầy cô đều rất sẵn sàng lắng nghe, kết nối và tìm được tiếng nói chung với các chuyên gia từ các ngành khác trong một lĩnh vực mới.
Mấu chốt thành công của phát triển KHLN là phải có sự hòa đồng, thỏa hiệp và thậm chí đánh giá cao những quan điểm, phương pháp của các chuyên gia chuyên ngành khác nhau. Một chương trình liên ngành mới sẽ không thể thành công nếu các thành viên vẫn còn bị bó cứng trong chuyên ngành hẹp của mình.
Với những thực tế đang diễn ra sôi động của KHLN, theo chúng tôi thì chương trình đào tạo cử nhân cũng cần phải tiếp cận và ủng hộ sinh viên đến với KHLN. Bà nghĩ gì về thực tế này?
Cũng có quan niệm rằng đào tạo trình độ bậc đại học là bước đầu trang bị kiến thức, phương pháp, công cụ của một ngành khoa học, chủ yếu là trang bị nền tảng, chưa nên đặt vấn đề liên ngành từ bậc đào tạo này. Nhưng tôi cho rằng không hẳn thế!
Một số chương trình đào tạo bậc đại học đã có thể được xây dựng theo tiếp cận liên ngành và đã tổ chức đào tạo hiệu quả. Tôi có một minh chứng từ trong chính gia đình của mình. Con gái tôi đã theo học ngành Tin sinh (Bioinformatics) tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) từ năm 2009. Khi được nghe giới thiệu đây là chương trình đào tạo liên ngành với 4 trụ cột chuyên môn chính là toán học, thống kê, tin học và sinh học, chúng tôi cũng có những băn khoăn nhất định về sự kết hợp này. Nhưng thời gian đã cho tôi câu trả lời qua sự đáp ứng với công việc sau khi tốt nghiệp và sự trưởng thành trong lĩnh vực chuyên môn mà cháu theo đuổi. Theo tôi, liên ngành ngay từ bậc cử nhân đã có thể trang bị cho người học những kiến thức, phương pháp và công cụ đủ để tiếp cận đáp ứng với yêu cầu của ngành học mới. Dù việc học tập và nghiên cứu theo những liên ngành ngày là khá vất vả và trầy trật (cười).
Nhiều đại học trên thế giới đã đào tạo chuyên ngành Tin - Sinh học (Bio-Informatics) với bậc cử nhân (ảnh: RTI International)
|
Tôi ủng hộ quan điểm có thể phát triển những ngành học liên ngành cho sinh viên ngay từ bậc đại học. Tuy nhiên, phải hết sức chú ý về sự kết hợp của các lĩnh vực khoa học chuyên ngành khác nhau trong liên ngành đảm bảo tính chất và thời lượng phù hợp. Việc trang bị kiến thức liên ngành cũng có thể dùng các hình thức khác nhau như nghiên cứu khoa học, các hoạt động ngoại khóa…
Xin cám ơn bà!