Theo ông Trần Quang Hà, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã “chú trọng chỉ đạo, ưu tiên đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, chương trình đổi mới KHCN. Đồng thời, ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu KHCN vào các lĩnh vực: xây dựng công trình, công nghiệp GTVT, kinh tế, dịch vụ vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường … góp phần tạo sự đổi mới, tăng trưởng bền vững ngành GTVT”.
Cụ thể, với công nghiệp đóng tàu, Việt Nam đã đóng được tàu trọng tải 53.000 tấn, thiết kế và đóng mới tàu chở dầu 100.000 tấn, đóng tàu chở ôtô sức chở 6.900 chiếc. Việt Nam đã đóng và xuất khẩu tàu biển theo hợp đồng đặt đóng sang một số nước như Anh, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản...
Theo ông Hà, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đóng tàu của Việt Nam hiện đạt tới 60%.
Lưu ý là, giai đoạn 2011 – 2015 ngành đóng tàu Việt Nam vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng. Công nghiệp sản xuất thép đóng tàu trong nước chưa đảm bảo dù chỉ để đóng được tàu tới 6.500 tấn trọng tải (về mác thép, kích thước, mác thép).
Hiện Việt Nam chưa tự sản xuất được động cơ chính, động cơ phụ cho tàu biển, cũng như chưa sản xuất được những loại nghi khí hàng hải quan trọng nhất như rada, hệ van, điện, cẩu tàu biển…
Về công nghiệp ôtô, Việt Nam hiện đã chế tạo các mẫu xe khách, xe buýt, xe giường nằm 2 tầng, xe tải đến 5 tấn có sức cạnh tranh cao và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trong giai đoạn này, ngành GTVT đã hiện đại hóa thiết bị và nâng cấp phần mềm kiểm định, thử nghiệm khí thải phương tiện, giúp tăng cường quản lý chất lượng xe.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe ô tô sản xuất trong nước mới đạt hơn 40%. Đã thế, so sánh với đóng tàu, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ôtô thậm chí còn là một bước lùi.