Tiền lệ xấu đe dọa quyền riêng tư

Một tòa án Mỹ hồi cuối tháng 6 đã ra phán quyết rằng FBI có thể xâm nhập chiếc máy tính liên quan đến vụ điều tra khiêu dâm trẻ em mà không cần đến trát của tòa.
Tiền lệ xấu đe dọa quyền riêng tư
Tiền lệ xấu đe dọa quyền riêng tư

Theo Computerworld, phán quyết này của tòa án được đánh giá là bước đi đang gây rắc rối cho những người ủng hộ quyền riêng tư.

Được biết, đây là vụ án hình sự liên quan đến website khiêu dâm trẻ em Playpen, vốn được tiếp cận thông qua trình duyệt hỗ trợ lướt web ẩn danh Tor.

Tuy nhiên, FBI cho biết họ đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát website nói trên vào năm 2014, sau đó theo dõi và bắt giữ các thành viên của website trên bằng cách xâm nhập máy tính của các nghi phạm, và điều này cho phép cơ quan thực thi luật pháp bí mật thu thập các địa chỉ IP của những người này.

Một trong những nghi phạm bị bắt giữ đã lập luận rằng bằng chứng chống lại mình mà nhà chức trách thu thập là không đúng luật, nhưng tòa án ở bang Virginia, Mỹ đã ra phán quyết có lợi cho FBI, theo hồ sơ tòa án được bóc dấu niêm phong giữa tuần qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thẩm phán Henry Morgan đã phán quyết rằng cả khi FBI có được trát tòa để xâm nhập máy tính của nghi phạm thì văn bản ấy là không cần thiết.

Nghi phạm có thể đã sử dụng trình duyệt Tor để ẩn mình trong khi lướt web, ông Morgan viết trong phán quyết. Đó là vì địa chỉ IP được chuyển giao cho các bên thứ ba nhằm truy cập Internet và cả mạng Tor.

Tổ chức ủng hộ quyền riêng tư Electronic Frontier Foundation đã phản đối phần này của phán quyết, theo Computerworld.

“Những hệ quả của quyết định trên, nếu được phê chuẩn, là đáng kinh ngạc”, ông Mark Rumold, một luật sư thuộc tổ chức trên viết trong một bài blog. Lực lượng thực thi pháp luật có thể thu thập thông tin từ máy tính của nghi phạm mà không cần trát tòa, một nguyên nhân khả dĩ hay bất kỳ nghi ngờ nào, ông nói.

“Quyết định trên là tin xấu đối với quyền riêng tư”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, thẩm phán Morgan nói trong phán quyết rằng sự gia tăng hoạt động xâm nhập đã làm thay đổi những kỳ vọng về quyền riêng tư.

“Chẳng hạn, hoạt động xâm nhập hiện đã phổ biến hơn so với cách đây 9 năm”, ông nói, “hiện không có lý do gì để nghĩ rằng một máy tính có kết nối với Internet miễn nhiễm với sự xâm nhập”.

Kết quả là những người dùng mạng Tor “không thể hy vọng an toàn với tin tặc”, ông nói thêm. 

FBI đã không vi phạm Tu chính án thứ 4 của Hiến pháp Mỹ khi xâm nhập máy tính của nghi phạm. Lực lượng thực thi pháp luật sẽ có thể sử dụng công nghệ hiện đại để ngăn chặn những hành động phạm pháp được thực hiện một cách bí mật, theo ông Morgan.

Tuy nhiên, luật sư Rumold hy vọng phần này của phán quyết sẽ không được thông qua trong quá trình kháng cáo.