Bằng chứng thuyết phục bệnh nhân điều trị
PV: Xin ông cho biết, ghi điện não đồ video có vai trò thế nào trong việc khám và chẩn đoán bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Ghi điện não đồ video có 3 chỉ định:
1 - Phát hiện các tổn thương não bằng sóng điện não. Những tổn thương não này có thể gây những rối loạn cảm xúc thực tổn như : trầm cảm, hoang tưởng, động kinh vv…
2- Phát hiện các rối loạn tâm thần khác như lo âu, ám ảnh, trầm cảm ... những vấn đề liên quan đến stress gây ra cho não bộ không được nghỉ, nên mất sóng kích thích não.
3- Những rối loạn tâm thần do tổn thương não ở mức độ vi thể, rất nhỏ, phải dùng những kỹ thuật như xét nghiệm gen, chụp PET CT hoặc cộng hưởng từ chức năng mới có thể phát hiện được, còn những kỹ thuật thông thường, như CT, cộng hưởng từ - là kỹ thuật thấp hơn – thì không phát hiện được.
Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần với các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhận thức, tình dục, cảm xúc, ăn uống vv.. phải chụp bằng kỹ thuật cao mới phát hiện được, mà những kỹ thuật này giá rất cao, từ 20 đến 28 triệu đồng/lần chụp.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần có các biểu hiện đau bụng, viêm đại tràng, dạ dày, hồi hộp trống ngực, khó thở vv… mà khi chiếu, chụp thông thường không thể phát hiện bệnh lý thực tổn tại các cơ quan tương ứng, nên bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi, mất nhiều thời gian, thậm chí một vài năm mà vẫn không chẩn đoán được bệnh. Trong khi đó nếu gặp được bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thì chỉ qua trò chuyện, phỏng vấn là có thể chẩn đoán và điều trị được. Nhưng thường bệnh nhân lại cho rằng đã từng đi chụp cộng hưởng từ ở nhiều nơi còn không phát hiện ra bệnh, thì việc bác sĩ chỉ trò chuyện đã chẩn đoán được bệnh là không đáng tin, nên không hợp tác chữa bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn khám và tư vấn cho người bệnh
|
Bởi vậy, điện não đồ video là bằng chứng khách quan để thuyết phục người bệnh tin tưởng bác sĩ chuyên khoa tâm thần trong điều trị bệnh. Khi bệnh nhân được điều trị đúng bệnh, sẽ giúp họ không phải đi lại nhiều nơi, giảm chi phí và khỏi bệnh làm chất lượng sống người bệnh được nâng cao hơn rất nhiều
PV: Viện sử dụng kỹ thuật ghi điện não đồ video từ khi nào, thưa ông? Trước khi có kỹ thuật này thì các bác sĩ chẩn đoán theo cách nào?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2012 mới có máy ghi điện não đồ video và ngày 15/7/2013 Bệnh viện Bạch Mai mới duyệt Quy trình ghi điện não tạm thời và đến tháng 10/2016 mới được duyệt giá dịch vụ kỹ thuật tạm thời.
Từ năm 2013 đến 2016 bệnh nhân ghi điện não video không phải trả tiền. Trước đó các bác sĩ chẩn đoán lâm sàng theo tiêu chuẩn của WHO là ICD-10. Tuy nhiên, có trường hợp, sau khi phỏng vấn 3 tiếng, là chúng tôi đã xác định được bệnh của bệnh nhân, nhưng bệnh nhân lại không tin vì “bác sĩ có khám tôi đâu mà nói tôi có bệnh”. Do đó, điện não đồ video là một bằng chứng xác thực giúp cho bệnh nhân biết họ có bệnh tật, để tin tưởng và hợp tác với bác sĩ điều trị. Kỹ thuật ghi điện não video cũng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
PV: Ghi điện não đồ video có nằm trong quy trình bắt buộc của Bộ Y tế không, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Đó là phương pháp xét nghiệm được chỉ định mà Bộ Y tế cho phép chuyên ngành tâm thần sử dụng, nhưng không phải là bắt buộc.
Cắt xén thời gian để trục lợi?
PV: Thông tin về việc ghi điện não đồ video cho bệnh nhân 40-50 phút trong khi chỉ định của bác sĩ là 12 tiếng, khiến người nghe cảm giác có sự “cắt xén” thời gian ghi của bệnh nhân nhằm trục lợi? Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Trước đây, Viện Sức khỏe Tâm thần không có điện não đồ video, mà kỹ thuật này chỉ áp dụng cho chuyên ngành thần kinh để phát hiện cơn động kinh. Mà cơn động kinh ở lĩnh vực thần kinh thì hay xuất hiện vào lúc chuyển chu kỳ ngủ, giờ thức - ngủ, nên có hai khái niệm 12.00h và 24.00h, nhưng ở chuyên ngành tâm thần thì phổ chỉ định mở rộng hơn khi sử dụng để chẩn đoán cho cả ba vấn đề của chuyên ngành tâm thần: Các tổn thương não, phát hiện các rối loạn tâm thần khác và chuẩn bị sẵn tâm lý điều trị cho người bệnh.
Năm 2013 đã có máy điện não đồ video, nhưng Bệnh viện phải mất gần ba năm để xây dựng giá, vì chúng tôi rất cân nhắc khi ở chuyên ngành thần kinh giá của một lần ghi 12 tiếng là 2,8 triệu và ghi 24 tiếng giá là 4,2 triệu. Còn ở chuyên ngành tâm thần, những trường hợp thực tổn hoặc sóng kích thích thì thời gian ghi điện não đồ video ngắn hơn, có khi 25 phút đã bắt được sóng, hoặc người bệnh không chịu được và họ không đồng ý nằm yên nhắm mắt ghi tiếp thì bác sỹ phải chấp nhận cho kỹ thuật viên ghi điện não video kết thúc sớm vào lúc cần thiết .
Khi xây dựng giá cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần, chúng tôi thấy rằng nếu áp dụng nguyên cách tính giá của chuyên ngành thần kinh thì sẽ rất thiệt thòi cho người bệnh. Do vậy, Bệnh viện Bạch Mai đã tham khảo các bệnh viện tâm thần khác và thấy họ tính giá một tiếng đầu, rồi bệnh nhân đo tiếp thì lại tính giá tiếp. Nhưng nếu cứ hết một tiếng lại thu tiền bệnh nhân thì không thuận tiện cho cả người bệnh và nhân viên y tế, lại dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh, nên chúng tôi quyết định xây dựng gói 12 tiếng với giá là 600.000/lần. Việc xây dựng giá theo cách này còn là vì Bộ Y tế chỉ có chuẩn là 12h và 24h, nhưng thực tế thời gian ghi có thể ngắn hơn. Vì thế, Quy trình ghi điện não đồ cho chuyên ngành sức khỏe tâm thần đã ghi rõ là từ 30 phút trở lên, chứ không nhất thiết phải 12 tiếng.
Điện não đồ (ảnh: Internet)
|
Các nhà chuyên môn và nhà quản lý của Bệnh viện đã cân nhắc rất kỹ càng khi xây dựng giá, với tiêu chí có lợi nhất cho người bệnh, nên mới có giá 600.000. Chứ nếu tính đúng, tính đủ sẽ là hơn 2 triệu/lần và thực tế là giá ở các bệnh viện khác hiện đang là 2,4-2,8 triệu/lần ghi. Chúng tôi cũng không quy định cứng là ghi theo buổi hay 24h, mà Quy trình chỉ ghi là từ 30 phút trở lên.
Đặc biệt, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nộp tiền tại điểm thu phí của Bệnh viện Bạch Mai, chứ nhân viên thực hành chuyên môn của Viện Sức khỏe Tâm thần hoàn toàn không thu tiền của người bệnh, nên không thể có sự trục lợi cá nhân ở đây.
Ngày ghi điện não đồ video nhiều nhất: 9 bệnh nhân
PV: Thông tin về việc có ngày Viện ghi điện não đồ video cho 69 bệnh nhân đã đặt ra vấn đề: Để ghi được số bệnh nhân này, bác sĩ phải làm việc 24/24 nhưng mỗi bệnh nhân chỉ ghi được 10-15 phút. Sau khi có thông tin về vụ việc, Bệnh viện Bạch Mai đã lập tổ công tác để kiểm tra và kết quả thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Kết quả kiểm tra cho thấy, ngày nhiều nhất chỉ có 9 ca ghi điện não đồ video, có ngày không có ca nào. Bởi việc ghi điện não đồ video là chỉ định tương đối hạn chế, chứ không phải bệnh nhân nào cũng phải làm; hay có những trường hợp phải ghi mấy tiếng liền, thì làm sao có thể thực hiện được 69 ca? Tổ kiểm tra cũng đã xác định việc thu tiền đều đúng quy định và kỹ thuật ghi điện não đồ theo đúng quy trình, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Trước thông tin phản ánh, trước mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho tạm ngưng kỹ thuật video điện não đồ. Điều này rất thiệt thòi cho cả bác sĩ và người bệnh, vì đây là một kỹ thuật rất hữu ích giúp cho các bác sĩ trong việc khám và chẩn đoán bệnh, theo dõi điều trị cho bệnh nhân. Còn bệnh nhân cũng không được hưởng những thành tựu y học tiên tiến trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh của họ.
Bên cạnh đó, những thông tin không đúng về việc ghi điện não video mà một số cơ quan truyền thông đưa ra đã tác động xấu đến tinh thần các thầy thuốc của Viện Sức khỏe tâm thần và gia đình họ, ảnh hưởng uy tín của Viện Sức khỏe tâm thần - nơi các thế hệ thầy thuốc đã xây dựng lên bằng tâm huyết và lao động nghề nghiệp. Chúng tôi rất buồn, cảm thấy tổn thương vì hoàn toàn không có chuyện tiêu cực ở việc này, hơn nữa, ai cũng hiểu nghề bác sĩ tâm thần đầy vất vả và thách thức, mà nếu không có tình yêu nghề nghiệp thì rất khó trụ lâu được…
PV: Cám ơn ông đã trao đổi!