Đó là một trong những lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp mặt, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, diễn giả của Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, vừa diễn ra chiều tối 12/7 tại trụ sở Chính phủ.
Tìm biện pháp để Việt Nam thành công
Tại cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Nhận thức rõ hơn về CMCN 4.0 và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng ấy là vấn đề rất lớn hiện nay. Và điều quan trọng là không chỉ nhận thức mà biện pháp nào để Việt Nam có thể thành công trong cuộc cách mạng đó”.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 để từ đó “chúng ta hiểu đầy đủ bản chất của CMCN 4.0, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đối diện và những chủ trương, chính sách để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0".
Tại buổi làm việc, đại diện các tập đoàn cho biết đã và đang tiếp tục áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đây cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công thời gian qua. Trên thế giới, năm 2008, Top 10 công ty hàng đầu thế giới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực về tài nguyên thiên nhiên như khai thác dầu mỏ thì năm 2017, đa phần trong Top 10 này là công ty về đổi mới sáng tạo. Thông tin này được đại biểu dẫn chứng để cho thấy vai trò, sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, rủi ro lớn trong CMCN 4.0 là rủi ro về nhân lực, do đó, cần có chính sách tạo nguồn nhân lực 4.0 và trước hết, cần thay đổi công nghệ đào tạo để nhiều người có thể học tập. Và trong nguồn nhân lực thì nhân lực thuộc diện “hot nhất” là nhân lực về trí tuệ nhân tạo khi mà trên toàn cầu hiện nay, mới có khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực này. Trong khi đó, các trường đại học tại Việt Nam rất ít đào tạo về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các đại biểu cho rằng, cần đưa chương trình giảng dạy về lĩnh vực này vào các trường đại học và cả ở tiểu học.
Cần tạo sự khác biệt
Điều quan trọng, theo ý kiến đại biểu, để áp dụng CMCN 4.0 thì cần tạo ra sự khác biệt.
Nhất trí với ý kiến này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay, Đảng sẽ ban hành nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, chủ động, tích cực trong cuộc CMCN 4.0, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng các chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với “môi trường 4.0”.
Lãnh đạo Chính phủ sẽ đối thoại tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp.
|
Đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, với độ mở nền kinh tế rất cao (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP), Thủ tướng cho rằng CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. Phần lớn người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo chương trình, sáng 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự, chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0, dự kiến sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về CMCN 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các Bộ trưởng trả lời những vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra. |