Nhìn lại năm 2016, Thủ tướng ghi nhận ngành công thương đạt nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. "Ngành công thương đã bị vấp nhưng chưa ngã. Ngược lại, ngành có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc, trong đó có vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu “tập trung giải quyết những tồn đọng để sớm thoát ra tình hình tại mười mấy dự án đang nằm ở Bộ Công Thương”. Lãnh đạo Bộ, các tập đoàn phải tập trung, nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tồn tại này.
Phải bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế trong trung và dài hạn, chứ không chỉ ngắn hạn. Đó là điện, dầu khí, than đá và một số sản phẩm khác.
Tiếp tục hội nhập nhanh chóng, tích cực, chủ động. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nâng cao chất lượng quản lý thị trường. Phải có cơ chế phù hợp tổ chức lại thương mại biên giới, thương mại điện tử, tạo đột phá trong lĩnh vực này. Quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, làm sao để người Việt Nam tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành tốt, mẫu mã đẹp. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu mà Quốc hội giao.
Phải có hàng rào thương mại đúng pháp luật để bảo vệ thị trường trong nước.
Huy động mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa, HTX nông nghiệp, HTX công thương tiêu thụ để phát triển ngành công thương Việt Nam. Nếu cái gì tư nhân làm tốt, có hiệu quả, chúng ta để tư nhân và doanh nhân làm.
Phải sử dụng, phát huy vai trò tham tán thương mại để xúc tiến có hiệu quả nhất. “Tham tán phải hiểu xúc tiến như thế nào. Có phải chỉ tiêu quan trọng của anh là xuất khẩu sang nước anh làm tham tán kim ngạch một năm bao nhiêu không? Kêu gọi đầu tư vào Việt Nam bao nhiêu không?”, Thủ tướng bày tỏ.
Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu ngành công thương mạnh mẽ hơn để “chúng ta có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương trong sản xuất cần quan tâm bảo vệ môi trường. “Chúng tôi cũng mong muốn các đồng chí kết hợp mạnh mẽ nghiên cứu giữa các viện, trường, đặc biệt đội ngũ khoa học công nghệ, phải có cơ sở sản xuất để hàm lượng trí tuệ khoa học công nghệ trong cái này tốt hơn nữa. Thời đại này mà không có khoa học công nghệ khó có thể phát triển”, Thủ tướng nói.
Về các kiến nghị cụ thể của Bộ Công Thương, Thủ tướng cho rằng rất xác đáng và bày tỏ sự ủng hộ.