Sáng 30.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ, giao lưu với 3.000 công nhân đến từ các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong khuôn khổ “Tháng công nhân 2016” và “Tết lao động” cấp khu vực lần đầu tiên được Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức.
Tham dự buổi gặp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường.
“Mức lương như vậy sống còn chật vật lắm”
Mở đầu chương trình giao lưu với công nhân (CN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bộ trang phục giản dị bước lên sân khấu và vui vẻ ngồi vào chiếc ghế nhựa mà hằng ngày các CN lao động vẫn ngồi.
Anh Vũ Duy Thơ (Công ty TNHH Quadrille VN, khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) là người mở đầu phần trao đổi với Thủ tướng. Anh Thơ nói tiền lương tối thiểu của CN hiện nay còn thấp. Lương tối thiểu cao nhất ở vùng 1 mới chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng; ở vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, CN chưa đủ mức sống tối thiểu. Chính phủ có giải pháp gì để nâng cao mức thu nhập cho CN trong thời gian tới? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay đã có mặt bằng lương cơ bản phù hợp với mức sống cơ bản của người lao động. “Lúc vừa bước vào hội trường, tôi có hỏi nhiều CN: “Các bạn lương bao nhiêu, thì nhận được câu trả lời mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng”. Tôi rất vui. Tuy vậy, tôi hiểu mức lương như vậy sống còn chật vật lắm. Vừa rồi Tổng liên đoàn Lao động VN có đề nghị tăng lương tối thiểu lên 14%, nhưng cũng có nhiều ý kiến nói rằng tăng lương như vậy là chưa hợp lý bởi vì tiền lương của người lao động phải tiệm cận với khu vực và quốc tế. Sau khi cân nhắc, có ý kiến chỉ đề nghị tăng 6%; ý kiến khác đề nghị tăng 10% vì nguồn ngân sách có hạn. Cuối cùng Hội đồng Tiền lương quốc gia cùng cơ quan chức năng thảo luận và thống nhất quyết định tăng lương tối thiểu lên 12% trong năm nay. Tôi cho rằng mức tăng như vậy là phù hợp, đáp đứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.
Không để tư thương ép giá mặt hàng thiết yếu phục vụ công nhân
Lương chưa tăng, giá đã nhảy múa. Đó là lo lắng của anh Trịnh Anh Tuấn (Công ty Hài Mỹ, Bình Dương) cũng như của rất nhiều CN khác. Anh Tuấn cho biết khi lương chuẩn bị tăng thì giá cả thị trường đã rục rịch tăng từ trước đó. Chính phủ có biện pháp gì để giúp CN bớt khó khăn hơn khi giá cả tăng? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã có nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn giá. Lạm phát chỉ ở mức 0,63% trong khi tiền lương tăng 12% là dấu hiệu tích cực. Như vậy, cơ bản đã giải quyết được khó khăn trước mắt cho CN. Nhà nước, các bộ, ngành, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã đáp ứng tốt mọi nhu cầu thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... cho CN. Chính phủ kiên quyết không để tư thương tăng giá, kích giá, ép giá đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ CN cũng như người tiêu dùng. “Hiện nay các tỉnh, thành khu vực phía nam tổ chức rất tốt hệ thống bán lẻ, cung ứng hàng hóa và bình ổn giá kịp thời, góp phần đảm bảo đời sống CN. Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cung ứng, bình ổn giá tốt hơn và có nhiều hệ thống bán lẻ hơn để đáp ứng tối đa nhu cầu của CN lao động”, Thủ tướng nói.
Chị Trịnh Thị Mai Thanh (Công ty TNHH giày Ching Luth VN, KCN Bến Lức - Long An) nêu bức xúc về việc gửi con ở nhà trẻ. Chia sẻ với bức xúc của CN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mặc dù Chính phủ có nhiều quy định về vấn đề này, nhưng việc tổ chức, thực hiện ở các địa phương chưa tốt. “Hôm nay tôi ghi nhận ý kiến này và yêu cầu các tỉnh, thành, các KCN trong cả nước cần phải đặt vấn đề xây dựng KCN đi liền với xây dựng các thiết chế văn hóa khác, đặc biệt là nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ con em CN. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về nhà ở xã hội, chính sách cho vay với mức lãi suất thấp để hỗ trợ xây dựng nhà trẻ trong các KCN. Mặt khác, tôi đề nghị tất cả các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng trường học, đặc biệt là nhà trẻ cho con em CN. Để CN đã phải làm việc mệt mỏi cả ngày, còn phải tăng ca mà con em họ không có nơi gửi, phải thất học là điều không thể chấp nhận được”, Thủ tướng nói.
Anh Phan Thanh Tùng (Công ty TNHH Prime Asia VN, Bà Rịa- Vũng Tàu), cho biết hiện nay có một số doanh nghiệp (DN) không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khiến họ bị thiệt thòi. Khi nghỉ hưu CN không có lương hưu. Thủ tướng nhấn mạnh bảo hiểm xã hội là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội. Đối với người lao động, chế độ hưu trí là quyền lợi chính đáng. Đảng, Nhà nước và trước hết là Quốc hội đã ủng hộ quyết liệt vấn đề này để thông qua luật bảo hiểm xã hội . “Đúng như bạn phản ánh, hiện nay vẫn còn không ít DN chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bây giờ chúng ta có luật rồi thì cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các DN có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu đơn vị nào, DN nào không đóng, trốn đóng có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù và xử phạt đến 3 tỉ đồng”, Thủ tướng nói.
Để xảy ra ngộ độc, chủ tịch xã, chủ DN phải chịu trách nhiệm
Chị Trần Thị Hằng Thu (Công ty TNHH Shy-Shangying, KCN Đồng Xoài II, Bình Phước) phản ánh hiện nay bữa ăn của CN chất lượng thấp, thực phẩm bẩn bán tràn lan trên thị trường, CN rất lo sợ các DN mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để phục vụ bữa ăn cho họ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận đây là vấn đề bức xúc hiện nay. Thủ tướng cho biết cách đây vài hôm, Chính phủ đã họp với tất cả tỉnh, thành, bộ ngành về chủ trương an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn dân. “Tôi đề nghị công đoàn các cấp và chủ các DN phải công khai hóa thực đơn hằng ngày, mức ăn hằng ngày của CN để mọi người giám sát. Đừng để thất thoát khi đi chợ, mua bán, chế biến ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn CN”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng phải quy trách nhiệm vấn đề này cho chính quyền địa phương các cấp. Để xảy ra ngộ độc thì ông chủ tịch xã, phường, chủ DN phải chịu trách nhiệm đến cùng. “Tôi đề nghị chính quyền, công đoàn các cấp giám sát chuyện này, nơi nào để thực phẩm bẩn thì chính quyền nơi đó, DN đó phải chịu trách nhiệm kể cả hành chính, thậm chí hình sự”, Thủ tướng kiên quyết.
Giỏi nghề không lo thất nghiệp
Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời các câu hỏi của CN liên quan đến nhu cầu học tập, nâng cao tay nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Anh Nguyễn Văn Phê (CN Công ty TNHH Domex, KCX Linh Trung, TP.HCM) lo lắng: Khi VN gia nhập TPP thì người lao động sẽ gặp nhiều thách thức, bị cạnh tranh nhiều hơn. Chính phủ có biện pháp gì để hỗ trợ CN nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của DN cũng như cơ hội việc làm? Thủ tướng cho rằng học tập, nâng cao trình độ là vấn đề cấp thiết và là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời. Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ 1.1.2016, VN chính thức tham gia cộng đồng ASEAN, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác. “Vấn đề nổi lên hiện nay là sự dịch chuyển nguồn nhân lực trong khu vực và quốc tế. Hội nhập càng sâu thì cơ hội việc làm càng nhiều, thu nhập cao hơn nhưng thách thức, cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Sự cạnh tranh không chỉ ở cấp quốc gia, ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương mà cạnh tranh ngay trong chính từng người lao động. Chính vì vậy các bạn phải không ngừng học hỏi. Giỏi tay nghề, có ý thức kỷ luật lao động tốt thì dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào các bạn cũng dễ dàng tìm kiếm được cơ hội việc làm và thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thanh niên