Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các tỉnh, TP phải tiêm vaccine thần tốc để mở cửa an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Qua bài học phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố phải tiêm vaccine thần tốc để mở cửa an toàn.
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 (Ảnh - BYT)
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 (Ảnh - BYT)

Tiêm vaccine thần tốc hơn nữa

Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức tại Văn phòng Chính phủ trong sáng nay, 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Trong năm 2021, TP. HCM là tâm dịch lớn nhất cả nước. Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả nước đã dồn sức cho TP. HCM tập trung chống dịch bằng tất cả những gì có được như vaccine, trang thiết bị y tế,... Cả nước đã chăm lo, quan tâm, giúp đỡ TP. HCM, nên TP phải có trách nhiệm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian qua, TP. HCM đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh - VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh - VGP)

“Tôi rất mừng trong 1 tháng nay, mặc dù TP mở cửa nhưng tốc độ lây nhiễm giảm. Từ chỗ toàn TP là vùng đỏ đến nay đã trở thành vùng xanh. Hiện, vaccine COVID-19 được ưu tiên sớm tại TP. HCM và 1 số tỉnh. TP. HCM cơ bản đã bao phủ mũi 3 cho người dân, trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm với tỉ lệ cao (tỉ lệ trẻ 12-17 tuổi được tiêm là 92,6% mũi 1, mũi 2 là 79,4%). Số ca nhiễm, chuyển nặng, tử vong ở TP. HCM đã giảm đáng kể. Trước đó số ca tử vong/ngày là 150 người.

"Đạt được kết quả này là nhờ "vũ khí" vaccine COVID-19. Vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là mũi 3 cho trẻ em. Tôi đã chỉ đạo Bộ Y tế (BYT) tiếp tục nghiên cứu mũi vaccine thứ 4, đồng thời thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine COVID-19. Dự kiến sau Tết, các trường học ở TP. HCM sẽ mở cửa đón học sinh” – ông Chính nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu không mở cửa thì kinh tế xã hội sẽ bị tê liệt, gây ức chế về mặt tinh thần, tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Từ bài học kinh nghiệm của TP. HCM, các tỉnh, TP phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine để mở cửa an toàn. Nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng BYT phải chịu trách nhiệm, có vaccine mà không tiêm được thì Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Hiện, Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 lớn. Vì thế, thay mặt Chính phủ, tôi phát động Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mùa Xuân, xuyên Tết từ ngày 1-28/2, đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của BYT”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu BYT nhanh chóng xem xét, công nhận vaccine COVID-19 và thuốc sản xuất trong nước theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, đảm bảo các yếu tố khoa học, an toàn, hiệu quả.

5 bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác chống dịch

Qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố trong 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 5 bài học ngành Y tế phải rút ra như sau:

1. Tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư; lãnh đạo của Đảng. Bình tĩnh, bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn.

2. Chọn cách tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm để chống dịch.

3. Tổ chức phòng, chống dịch quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

4. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã nhận được 209,6 triệu liều vaccine COVID-19 gồm: 106,3 triệu liều mua và 103,3 triệu liều được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp giúp đỡ.

5. Tình hình khó khăn, phức tạp thì phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể. Lãnh đạo phải tham khảo nhiều ý kiến, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Theo báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022 của Bộ Y tế, trong năm 2021, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử đã được triển khai. Từ nước tiếp cận vaccine chậm, đến nay Việt Nam là 1 trong những nước hàng đầu thế giới về tốc độ và tỉ lệ bao phủ vaccine, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số vaccine có hợp đồng mua, cam kết viện trợ, tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Đến hết năm 2021, cả nước đã tiêm được 152, 2 triệu liều, trong đó đã tiêm 132 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên (99,5% tiêm ít nhất 1 liều, 90,7% tiêm đủ liều cơ bản) và 12,6 triệu liều cho người từ 12 – dưới 18 tuổi (85,3% tiêm ít nhất 1 liều, 55,7% tiêm đủ số liều cơ bản).

Theo thống kê, đến ngày 13/1/2022, cả nước đã tiêm được hơn 164,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 78, 4 triệu liều, trong đó mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều, mũi 3 là 14,3 triệu liều. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100%, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4%, tỉ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành mũi 3 vào cuối quý I/2022, chuẩn bị cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi theo khuyến cáo về mặt khoa học, an toàn, hiệu quả.