Trong bài phát biểu của mình, bà May nói rằng bà sẽ chính thức rời khỏi vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới. Tuyên bố của bà lập tức sẽ kích hoạt cuộc chạy đua nhằm lựa chọn những nhân vật có khả năng thay thế vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và vị trí Thủ tướng mà bà để trống.
“Kể từ khi tôi lần đầu tiên bước qua cánh cửa ngay đằng sau mình với tư cách Thủ tướng, tôi đã luôn cố gắng giúp cho Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) trở thành một đất nước mang tới lợi ích không chỉ cho số ít mà cho tất cả mọi người, và để tôn vinh kết quả của cuộc trưng cầu dân ý” – bà May nói – “Tôi đã làm hết sức có thể. Tôi đã cố gắng 3 lần”.
Thủ tướng Anh thêm rằng, cá nhân bà cảm thấy cực kỳ đáng tiếng vì đã thất bại trong việc thực thi chính sách được coi là dấu ấn đậm nhất của mình. Bà cũng đưa ra một số thành tựu trong nước đã đạt được trong 3 năm giữ cương vị Thủ tướng, và nhắc nhở cánh phóng viên rằng bà là vị nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Anh, nhưng chắc chắn không phải nữ Thủ tướng cuối cùng.
Phát biểu trong nước mắt, bà May nói rằng việc được giữ vị trí Thủ tướng là một niềm tự hào trong cuộc đời bà, thêm rằng bà đã có cơ hội được phục vụ cho đất nước mà bà yêu quý. Sau bài phát biểu, bà rời khỏi bục đứng và trở lại Phố Downing.
Bài viết có tiêu đề “Bà May sẽ ra đi vào ngày hôm nay” đăng trên trang nhất của tờ Daily Mirror của Anh (Ảnh: Daily Mirror)
|
Trước đó, một ủy ban quan trọng của đảng này đã kêu gọi tổ chức cuộc họp bàn về số phận của bà May để đưa ra “tối hậu thư” cho bà: Rời vị trí Thủ tướng hoặc sẽ đối mặt với thách thức. Một số hãng truyền thông ở Anh từ sáng hôm thứ Sáu cũng đưa tin cho rằng bà May sẽ sớm từ bỏ chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền vào ngày 10/6 tới, làm dấy lên một cuộc ganh đua trong nội bộ giành chức vụ lãnh đạo đảng và vị trí Thủ tướng.
Sức ép buộc bà May phải từ chức do sự thất bại của bà trong việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit trước Quốc hội đã đạt tới điểm cao nhất trong tuần này, khi Chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadsom tuyên bố từ chức, trong khi một số bị Bộ trưởng trong Nội các của bà cũng tỏ rõ sự hoài nghi về thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11 năm ngoái.
Giữa tình trạng chia rẽ chưa từng có trong nội bộ đảng Bảo thủ và chính quyền suy yếu, Thủ tướng May đã phải trì hoãn một kế hoạch công bố dự thảo luật Brexit – lần thứ tư và dường như cũng là nỗ lực lần cuối cùng của bà nhằm kêu gọi Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit.
Sau khi bà May từ chức, bà vẫn có thể ở lại Văn phòng Thủ tướng với tư cách quyền Thủ tướng tạm thời trong vài tuần lễ, cho đến khi giới lập pháp đảng Bảo thủ lựa chọn một nhân vật thay thế bà. Lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ sẽ trở thành tân Thủ tướng của nước Anh mà không cần tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nào cả.
Một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ thời gian qua cũng cho hay họ đang tích cực chạy đua để thay thế vị trí của bà May và hoàn thành hành trình rút nước Anh khỏi EU. Một ứng viên sừng sỏ bậc nhất hiện nay chính là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người đi đầu trong làn sóng ủng hộ Brexit ở Anh.