Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/10, thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết dự kiến trong tháng 12 sẽ đưa vụ án liên quan cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm ra xét xử. Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ kết luận bổ sung.
“Đây là vụ án rất phức tạp, điển hình trong hoạt động ngân hàng. Vụ án đang ở giai đoạn kết luận lần hai”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Cụ thể, Thứ trưởng Vương thông tin vụ việc này có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích, cá nhân thông qua hoạt động ngân hàng trong đó thủ đoạn chính là lập các công ty con dưới danh nghĩa là công ty lớn, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa công ty này công ty kia, mua bán bất động sản…
“Nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của doanh nghiệp, trái ngành nghề, dễ dẫn đến sụp đổ”, ông nói.
Khó khăn lớn nhất với Bộ Công an trong vụ án này, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, là ngân hàng có phạm vi rộng với hàng tá hồ sơ.
“Chuyên môn ngân hàng có đặc thù, cần am hiểu kỹ. Chẳng hạn ai cũng có quyền mở tài khoản… trong khi người giám định không phải ai cũng giỏi chuyên môn. Chúng tôi mất nhiều thời gian mới có thể lần mò ra vi phạm, sai phạm, truy bắt các đối tượng vi phạm”, ông chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công an phân tích thêm đặc điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam là huy động tiền gửi từ người dân theo kỳ hạn, không kỳ hạn, nhưng ngân hàng lại dùng tiền đó cho các công ty, tổ chức vay đầu tư dài hạn.
“Lấy tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn là rất rủi ro. Đây là điểm bất cập trong hệ thống ngân hàng”, ông đánh giá.
Ở các nước phát triển, họ tập trung vào thị trường chứng khoán, phát triển trái phiếu, cổ phiếu… Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán là huy động nguồn tiền theo thị trường. Còn tại Việt Nam, ngân hàng cứ "nhăm nhăm" tiền của dân.
"Ở Nhật, tiền gửi ngân hàng bằng 0, thậm chí anh còn phải bỏ phí nhờ giữ hộ, bảo vệ tiền, còn ở Việt Nam, ngân hàng phải trả lãi cho khách", ông nêu thực tế.
Thực tế này làm nảy sinh hàng loạt thao tác ngân hàng như thẩm định, thế chấp, nhất là bất động sản, lúc lên lúc xuống, đầu tư lớn nhưng dòng tiền ứ đọng, phát sinh lãi lớn, dẫn đến nợ xấu, không có khả năng trả nợ….
“Cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng, tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gửi tiền, cho vay”, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định.
Nói về chủ trương thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém, ông cho rằng từ xưa đến nay ta chưa áp dụng. “Nếu cần thiết vẫn phải cho phá sản, nhưng cần thận trọng, đảm bảo ổn định hoạt động tài chính, tiền tệ, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền”, ông nói.
Theo Zing