Ở thời điểm đó, theo công bố của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết, ông Thắm đã cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dung ở TPHCM vay 500 tỉ đồng trái quy định, gây thiệt hại cho OceanBank, không thu hồi được cả gốc và lãi.
Lúc bấy giờ, một số người trong giới tài chính - ngân hàng đã từng băn khoăn nếu thiệt hại thật sự 500 tỉ đồng và sự việc gói gọn ở mức độ như vậy, thì có đến mức xử lý hình sự một ngân hàng cổ phần? Tuy nhiên những người kinh nghiệm lại có ý kiến khác, nhấn mạnh tính chất phức tạp của vụ việc, đặc biệt khi trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nói thêm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN phát hiện thấy OceanBank không những chưa khắc phục các sai phạm, mà còn phát sinh các sai phạm mới.
Tháng 8 vừa qua, trong thời gian xét xử vụ án Ngân hàng Xây dựng, lần đầu tiên cái tên Hà Văn Thắm được đề cập. Tòa xác định ông Thắm tham gia vào Ngân hàng Xây dựng vì muốn thâu tóm ngân hàng này và Công ty Trung Dung nêu trên chính là một trong những công ty con sân sau của Phạm Công Danh. Sự việc trở nên sáng tỏ: ông Thắm liên quan đến không chỉ một, mà hai ngân hàng 0 đồng.
“Vòi bạch tuộc”
Năm 2011-2012 là thời điểm vô cùng khó khăn của thị trường bất động sản khi sự rớt giá của nhà đất, căn hộ diễn ra với tốc độ ngày càng cao. Các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng nhỏ, đã “bơm” vốn cho bất động sản như ngồi trên lửa. Một mặt họ nhìn thấy giá trị tài sản thế chấp là nhà đất co hẹp, mặt khác nhu cầu duy trì thanh khoản ngày một cấp bách trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm lên cao ngất ngưởng. Không ít ngân hàng đã huy động vốn vượt trần lãi suất để đảm bảo thanh khoản.
Đại Tín có vẻ bên ngoài hấp dẫn vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, nhưng thực chất bên trong nó đã “mục ruỗng” với những khoản nợ xấu lớn hơn vốn chủ sở hữu và thanh khoản “ăn đong” từng ngày. Khi mua lại Đại Tín từ nhóm cổ đông cũ tại đây (cũng chính là những con nợ lớn của ngân hàng này) một cách trái phép vì chưa được cơ quan quản lý chấp thuận, đưa người vào tiếp quản, ông Thắm mới nhận ra chân tướng nợ xấu. “Cục than hồng” nợ xấu của Đại Tín cần phải được chuyển nhanh sang tay người khác. Đó cũng là lúc ông Phạm Công Danh xuất hiện. Khi những tay buôn địa ốc và ông chủ ngân hàng bắt tay nhau, hình thành nên liên minh gắn kết, sự lũng đoạn của vòi bạch tuộc không chỉ dừng lại trong phạm vi một tổ chức tín dụng.
Ai chịu trách nhiệm 800 tỉ đồng mất trắng?
Vụ việc OceanBank trở nên nghiêm trọng không chỉ bởi ông Thắm và ban tổng giám đốc cũ tại đây, theo như kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, đã chi ngoài lãi suất, vượt trần quy định lên tới cả ngàn tỉ đồng, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh tiền tệ, mà còn bởi nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, bị mua lại với giá 0 đồng khiến cổ đông nhà nước (tập đoàn Dầu khí PetroVietnam) mất trắng 800 tỉ đồng vốn góp.
Cần phải nói rõ trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, không có đơn vị nào mất trắng vốn như khoản đầu tư của PetroVietnam vào OceanBank. Cho đến nay PetroVietnam đã trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này chưa? Không ai biết. Việc trích lập dự phòng nếu có buộc phải lấy từ nguồn lợi nhuận hoặc giảm vốn chủ sở hữu. Trong cả hai trường hợp, thiệt hại vẫn thuộc về Nhà nước.
Ai chịu trách nhiệm cho khoản mất vốn nhà nước ở OceanBank? Để làm rõ vấn đề, có lẽ phải xem xét lại vì sao PetroVietnam đã quyết định góp vốn, nắm giữ 20% cổ phần OceanBank khi nó từ ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn chuyển thành đô thị. Đấy là câu chuyện dài nhưng không thể không nhắc đến vì tiền của Nhà nước không thể bị mất dễ dàng đến vậy!
OceanBank đồng thời là bài học cho sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước vào điều hành, kinh doanh tiền tệ ở ngân hàng. Từ vị trí cổ đông lớn, người của PetroVietnam ông Nguyễn Xuân Sơn được điều về làm tổng giám đốc OceanBank trong năm 2009. Chưa nói liệu ông Sơn có tinh thông nghiệp vụ ngân hàng, nhưng chính trong thời gian ông Sơn làm tổng giám đốc, OceanBank đã vi phạm quy định vượt trần lãi suất. “Hỗ trợ” sâu hơn cho OceanBank, PetroVietnam và các công ty con gửi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm vào ngân hàng này. Ở đây đã có sự “hợp tác” giữa tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh để tận dụng lợi thế mà chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có được.
Các vụ việc ở ba ngân hàng 0 đồng đã, đang và sẽ được đưa ra ánh sáng. Cho đến nay, NHNN vẫn đang phải gánh trách nhiệm chi trả tiền gửi cho người gửi tiền ở cả ba ngân hàng thông qua các ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Tương lai các ngân hàng 0 đồng sẽ như thế nào? Chúng sẽ tồn tại độc lập? Sáp nhập với nhau? Hợp nhất vào các ngân hàng khác? Mang ra bán đấu giá công khai cho mọi đối tượng có đủ khả năng tài chính và năng lực điều hành?... Cho dù phương án tháo gỡ cuối cùng ra sao, thiệt hại của cổ đông, của Nhà nước có thể sẽ không thể được bù đắp.