Thông tin bằng hình ảnh chưa được coi trọng trong xây dựng từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở Việt Nam, thông tin hình ảnh chưa thực sự được coi trọng, mới chỉ mang tính minh hoạ cho nội dung bằng chữ. Đây là vấn đề cần phải thay đổi về nhận thức ở cấp lãnh đạo trong hoạt động này.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Đó là ý kiến của PGS.TS Đinh Ngọc Vượng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư tại hội thảo "Từ điển học và Bách khoa thư học ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tổ chức sáng nay, 9/9.

Hội thảo do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Viện Nam tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia từ điển học và các cộng tác viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Huy Bỉnh - Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam - cho biết: “Bản chất của từ điển học và bách khoa thư học là sản phẩm khoa học đặc biệt. Đó là sự tổng hợp các tri thức khoa học… Trên thế giới, lĩnh vực từ điển và bách khoa thư đã có quá trình phát triển lâu dài, một số quốc gia đã đạt được những thành tựu lớn (như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…). Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra với quy mô lớn, có tác động tới tất cả các lĩnh vực trong xã hội loài người…

"Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế, Từ điển học và Bách khoa thư học không thể đứng ngoài “sân chơi” của thế giới mà cần có sự hội nhập sâu rộng cả phương diện lý thuyết và thực hành… Cuộc hội thảo hôm nay là sự tiếp nối và tiếp tục mở rộng các vấn đề của từ điển học và bách khoa thư học”.

Đáng chú ý, tại hội thảo PGS. TS. Đinh Ngọc Vượng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam - nêu quan điểm: Bên cạnh kênh thông tin bằng chữ thì kênh thông tin hình ảnh cũng quan trọng không kém. Thực tế ở nhiều nước, trong việc xuất bản từ điển và bách khoa thư, yếu tố hình ảnh có thể chiếm đến 40% giá trị đầu tư và góp phần sinh động khi các sản phẩm này đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thông tin hình ảnh chưa thực sự được coi trọng và mới chỉ mang tính minh hoạ cho nội dung bằng chữ. Đây là vấn đề cần phải thay đổi về nhận thức ở cấp lãnh đạo trong hoạt động này và giới mỹ thuật Việt Nam cần được mời tham gia đảm nhận.

Còn theo ông Vũ Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Từ điển học Vietlex - CNTT ngày càng có vai trò lớn hơn trong công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam. Với sự phổ biến của Internet, Bách khoa thư Việt Nam cũng cần xuất bản trực tuyến và thậm chí có thể thu phí với người dùng. Tuy nhiên, nội dung của nó cần thực sự chất lượng để cạnh tranh với bách khoa thư mở Wikipedia hiện đang được cung cấp miễn phí.

Trao đổi riêng với VietTimes, TS. Phạm Văn Tình - nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết, khác với nhiều nước, công tác biên soạn và xuất bản bách khoa thư ở Việt Nam hiện do Nhà nước đầu tư. Trong khi đó, ở nhiều nước, mà điển hình ở Pháp, thương hiệu Larousse không phải là một tổ chức của Nhà nước. Họ thực sự kinh doanh trong lĩnh vực này với thị trường và gặt hái được rất nhiều thành công. Đó là điều Việt Nam cần phải học tập nhưng không hề dễ chút nào với thị trường này.

Kết luận hội thảo, TS Nguyễn Huy Bỉnh đánh giá cao các ý kiến, tham luận của các diễn giả và tin tưởng công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư trong thời gian tới sẽ có nhiều kết quả khả quan.