Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn là một đại diện nổi bật của trào lưu đề cao chất liệu kỹ thuật thủ công truyền thống khai mở thêm năng lực biểu đạt mê hoặc của nó. “Cuộc chơi” lần này của Hiền Nguyễn vừa có sơn mài trên vóc và có cả sơn mài trên toan.
Trong làng mỹ thuật gọi thể loại sơn dầu là vua, còn sơn mài là biểu tượng nữ hoàng của các chất liệu truyền thống Việt.
Sau khi vẽ rất nhiều lớp chồng lên nhau, rồi lại mài đi, mới ra được mảng màu mong muốn.
“Vừa vẽ vừa phải nín thở. Và có những lúc phải trả giá mới thành được tác phẩm mong muốn. Không như chất liệu nào muốn khô là phải phơi nơi khô thoáng, sơn mài muốn khô thì phải ủ rất lâu trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên, tạo độ ẩm” – Họa sĩ Hiền Nguyễn bộc bạch về nghề sơn mài nhọc nhằn, đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian để ủ tranh, hoàn thiện từng công đoạn.
Với Hiền Nguyễn, tranh là sự thể hiện mọi cung bậc kĩ thuật với sự nghiêm khắc và tỉ mỉ. Trong buồng ủ tối om, sơn mài như một thực thể sống cần nước, âm thầm biến đổi bắt đầu hành trình độc đáo của mình.
Tác phẩm “Hoàng hôn”, sơn mài trên vóc, 80cm x 100cm, 2018
|
Tác phẩm “Nắng xiên đại ngàn”, sơn mài trên vóc, 60cm x 120cm, 2018
|
Tác phẩm “Ưu đàm nở hoa 4”, sơn mài trên toan, 76cm x 61cm, 2019
|
“Các họa sĩ từ thời Đông Dương đã vẽ sơn mài truyền thống, sử dụng chất liệu sơn ta, chất liệu này sẽ rất khác với việc sử dụng sơn Nhật chẳng hạn. Tôi cũng đam mê thể loại nhọc nhằn này, và tôi đặc biệt mê sơn ta. Sơn ta được trồng ở Phú Thọ khác với sơn ta trồng ở Campuchia hoặc các nước Đông Nam Á khác. Riêng sơn ta trồng ở Phú Thọ cho màu vẽ trong, dẻo, khiến người họa sĩ có thể tả được độ sâu thăm thẳm, đầy chất Á Đông” – Họa sĩ Hiền Nguyễn cho biết.
“Hiền Nguyễn vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng, và thành công ở tranh trừu tượng hơn. Cảm quan tranh sơn dầu ở đây là sức biểu đạt trạng thái, không gian, thể chất chân thực, tinh tế, phong phú, sức biểu cảm mạnh mẽ tức thời kiểu biểu hiện chủ nghĩa, những thứ hiếm có trong truyền thống nghệ thuật ta, trừ điêu khắc đình làng. Tranh phong cảnh của nữ họa sĩ giàu tính nam, thách thức và bộc trực. Phong cảnh không nên thơ trữ tình mơ mộng hay làm duyên tính nữ như thường thấy - nhất là ở các nữ tác giả - mà đối đầu thô phác đồ sộ một cách đe dọa và ám ảnh. Tôi thích cái tính nam bộc trực này ở tranh phong cảnh của Hiền Nguyễn” - Họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận định.
Tác giả gọi một số trừu tượng của mình là “vô thường”, trong loạt tranh sơn mài “Sắc hoa vô thường”. Trên một góc nhìn hoàn toàn khác, có mặt tại buổi khai mạc triển lãm tối 6/10, họa sĩ Nguyễn Quân đánh giá: “Những bức sơn mài trên vải của Hiền Nguyễn lần này là sự khẳng định cuộc đời đầy khao khát nhục cảm, hoan lạc, chất biểu hiện mạnh hơn khi vẽ trên vóc cổ truyền.
Nghệ sĩ Hiền Nguyễn thường nói: “Vẽ với tôi cần thiết và tự nhiên như hít thở”. Hoặc nói về quá trình vẽ: “Hãy để cho màu nó thở, bố cục thông thoáng dễ thở, đường nét, tối sáng, khối hình... đều phải thở thì bức tranh mới sống động, mới có sự sống”.
Họa sĩ Hiền Nguyễn bên các bức sơn mài trong bộ "Sắc hoa vô thường"
|
Đặc biệt với sơn bóng lóa, sặc sỡ trang trí theo khuôn mẫu hoa văn, biểu tượng, kỹ thuật tỷ mẩn, kỳ khu, thì làm cho nó biết thở không phải dễ. Ai vẽ sơn mài cũng mong được thở và thở được! Ở những tác phẩm thành công của mình, Hiền Nguyễn đã toại nguyện.
Vì thế nên triển lãm “Thở” cũng giống như một quãng nghỉ chân, hít thật sâu, thở ra thật chậm giữa những cung đường sáng tạo, để: “Giải phóng chính mình, giải phóng tư duy cảm xúc của mình” như họa sĩ Hiền Nguyễn tâm sự.
Triển lãm “Thở” trưng bày tại Eight Gallery, số 8 Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, từ 6/10 đến hết ngày 30/10.