Trong nghiên cứu này, các bác sĩ chuyên khoa tại Intermountain Medical Centre Heart Institute đã thử nghiệm trên AliveCor, một ứng dụng điện tâm đồ (ECG) chuyên theo dõi nhịp tim của bệnh nhân, nhận thấy rằng nó gần như chính xác với tiêu chuẩn ECG-12 mà các chuyên gia y tế sử dụng trong chẩn đoán đau tim.
Tiến sĩ J. Brent Muhlestein, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Phát hiện của nghiên cứu rất quan trọng vì nhiều lý do, điển hình như bệnh nhân có thể nhanh chóng tìm kiếm phương pháp điều trị mà không cần đến phòng khám chẩn đoán, điều này rất cần thiết với những trường hợp bị đau tim nghiêm trọng".
Theo American College of Cardiology, thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện cho đến khi hoàn thành các thủ tục và được cứu sống phải mất ít nhất 90 phút.
Các công nghệ tương tự cũng được sử dụng trong smartwatch mới của Apple, Apple Watch 4, thậm chí còn tốt hơn ứng dụng trên smartphone vì đồng hồ có thể theo dõi nhịp tim của bạn trong thời gian dài nếu bạn đeo nó suốt cả ngày.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phân loại công nghệ ứng dụng ECG trong Apple Watch và trong các thiết bị tương tự thuộc nhóm thiết bị "loại II", có nghĩa là thiết bị không cần kê đơn vẫn có thể xác định nhịp tim bất thường nhưng không cung cấp các chẩn đoán y khoa.
Tuy nhiên, FDA cũng lưu ý rằng ứng dụng có thể không phát hiện được các vấn đề về nhịp tim nếu ECG bị lỗi tín hiệu hay gặp trục trặc ngay trong phần mềm.
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/theo-doi-nhip-tim-bang-smartphone-co-the-cuu-song-ban-kip-thoi-20181114114944591.htm