Việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trình Thủ tướng kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới có giá trị lên đến trên 1,3 – 1,5 tỷ USD đã nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, báo chí trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (29/02/2016),
Các phóng viên đã đặt ra nhiều câu hỏi như: Lý do xây tháp cao như vậy trong khi quy hoạch thì truyền hình truyền thống đã bỏ có phù hợp không? Trong thời điểm kinh tế khó khăn thì vốn ở đâu ra để VTV thực hiện dự án này? VTV đặt mục tiêu xây dựng tháp truyền hình kết hợp với việc triển khai dự án bất động sản, du lịch, vậy với đặc thù là một đơn vị truyền thông thì kế hoạch này của VTV có được coi là đầu tư trái ngành không?
Giải đáp các thắc này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định, người điều hành buổi họp báo, cho biết: Chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã được đưa ra từ Đại hội Đảng 8 (diễn ra vào đầu năm 1996) và được ghi trong văn kiện. Năm 1995, trong quy hoạch phát thanh truyền hình được phê duyệt cũng có đề cập đến việc xây dựng tháp truyền hình với đa mục tiêu.
Theo đó, tháp truyền hình không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà còn nhiều mục tiêu khác nhau và là điểm nhấn về du lịch, thương mại và thậm chí còn là bưu điện.
“Đến năm 1997, VTV đã trình Chính phủ phương án xây dựng tháp truyền hình cao 360 mét. Lúc bấy giờ ngân sách rất khó khăn. Sau này thường trực Chính phủ cũng nhiều lần bàn nhưng phải ưu tiên cho các mục tiêu khác. Đề xuất xây dựng tháp truyền hình chỉ được được bổ sung trong quy hoạch và chiến lược phát triển của VTV”, ông Định nhớ lại.
Đến 2013, VTV tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xây tháp truyền hình với đa mục tiêu. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TP. Hà Nội… cho ý kiến và thống nhất đồng ý cho VTV xây dựng tháp đa mục tiêu.
“Với đề án xây dựng tháp truyền hình của VTV là sẽ không sử dụng ngân sách, và phải đảm bảo lợi ích cho nhân dân, đảm bảo lợi ích Hà Nội, thu hút lao động và du lịch, tạo điểm nhấn cho Thủ đô,… Thủ tướng đồng ý, giao cho VTV nghiên cứu thực hiện”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Theo ông Định, trong quá trình đề xuất, VTV cũng đề xuất một số cơ chế chính sách. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và VTV cùng với các cơ quan liên quan đang xây dựng dự án tiền khả thi. Tất cả các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được đưa vào dự án tiền khả thi để Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Sau khi có dự án tiền khả thi, các bộ, ngành liên quan sẽ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Khi nào vấn đề lợi ích, cơ chế thu hồi vốn, lợi ích tổng thể liên quan tới kinh tế, thương mại, du lịch mới duyệt. “Còn nếu không đạt được mục đích, không đạt được hiệu quả thì Thủ tướng không phê duyệt. Bao giờ có dự án thì những nội dung của dự án sẽ được thẩm định và xem xét” - ông Định cho hay.
Dù vậy, ông Định cũng bày tỏ ủng hộ: “Nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước mà xây dựng được tháp như thế, thành một công trình biểu tượng của Hà Nội, chúng ta được hưởng thụ công trình như vậy, uy tín của Hà Nội tăng cao thì nên ủng hộ”.
Được biết, theo công văn do Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương trình Thủ tướng Chính phủ, hiện VTV cùng 2 đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636 m - cao nhất thế giới - tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
VTV không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha mà còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.
H.V
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu