Thành phố thông minh và bài toán tiết kiệm năng lượng

Sở KHCN TP.HCM sáng ngày 4/4 phối hợp cùng Hội Vi mạch bán dẫn Thành phố và Trung tâm ICDREC tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ SOTB (Silicon on Thin BOX) vốn được đánh giá là công nghệ tiềm năng cho lĩnh vực IoT và các giải pháp ứng dụng trong thành phố thông minh (smart city).     
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC

Tại nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế gần đây, các nhà khoa học đều kỳ vọng công nghệ SOTB (còn có tên khác là FD-SOI) sẽ là bước tiến quan trọng của ngành thiết kế vi mạch TP.HCM, là hướng phát triển mới của công nghiệp vi mạch TP.HCM.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - chia sẻ về công nghệ SOTB.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - chia sẻ về công nghệ SOTB.


"Hội thảo lần này nằm trong bối cảnh hết sức đặc biệt vì TP.HCM đang xây dựng đề án thành phố thông minh, mà công nghệ SOTB sẽ đóng một vai trò nhất định trong phát triển các ứng dụng cho đề án này", đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết.

Tại hội thảo diễn ra vào sáng 4/4, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm ICDREC, đã đưa ra giải pháp IoT cho thành phố thông minh dựa trên các chip công suất thấp dùng công nghệ SOTB kết hợp với mạng truyền thông LORaWAN.

Yêu cầu quan trọng nhất của các giải pháp cho thành phố thông minh hay các ứng dụng IoT là vấn đề công suất của các thiết bị, cụ thể là các con chip dùng trong các thiết bị đó phải tiêu thụ rất ít năng lượng.

"Công nghệ sản xuất chip công suất thấp SOTB là một chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề năng lượng cho các giải pháp thông minh. Kết hợp việc làm chủ công nghệ SOTB với mạng lưới truyền nhận LoRaWAN sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các giải pháp thành phố thông minh", ông Hoàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM (thứ ba, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia, đối tác của ICDREC tại hội thảo sáng 4/4 - Ảnh: Hà Thế An/Khampha.vn
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - chia sẻ về công nghệ SOTB.
Bà Nguyễn Bích Yến - chuyên gia cao cấp của tập đoàn SOITEC, cũng là chủ sở hữu của công nghệ SOTB, là một Việt kiều đã chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng, việc phát triển công nghệ SOTB sẽ tạo cơ hội để Việt Nam có bước nhảy vọt, đứng đầu ASEAN về lĩnh vực thiết kế vi mạch. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới đang quan tâm đầu tư và phát triển công nghệ này. Trung Quốc đang có một chương trình đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 10 năm với hy vọng thống trị lĩnh vực vi mạch. Riêng một dự án tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã được đầu tư 24 tỷ USD với nguồn kinh phí rất lớn để nhận chuyển giao công nghệ SOTB.

Ông Hoàng kiến nghị, đã đến lúc ngành thiết kế vi mạch TP.HCM hướng tới những công nghệ thiết kế tiềm năng cho lĩnh vực IoT. Những sản phẩm vi mạch và thiết bị dùng vi mạch Việt nên hướng tới nhu cầu đô thị thông minh. Sở KHCN TP.HCM - đơn vị chủ trì chương trình nghiên cứu và sản xuất thử vi mạch - cần tạo điều kiện thực hiện các dự án như nghiên cứu thiết kế vi mạch công nghệ SOTB, nghiên cứu thiết kế thiết bị và hệ thống phục vụ đô thị thông minh dùng công nghệ LORA...

Với hướng đi mới này, trên nền tảng chip SG8V1 do ICDREC nghiên cứu và thiết kế, ICDREC đã chuyển thiết kế này sang công nghệ SOTB 65 nm để đưa ra chip V8-SOTB. Đồng thời cũng minh họa một số giải pháp cho thành phố thông minh, như: Hệ thống giám sát rò rỉ nước qua đường ống; hệ thống bãi đỗ xe thông minh; hệ thống đèn đường thông minh; hệ thống giám sát ô nhiễm không khí.

Trước mắt, ICDREC chọn các giải pháp SOTB vì công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch SOTB có những thế mạnh đáng ứng dụng.

GS-TS Đặng Lương Mô - cố vấn cao cấp của ICDREC - thì cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch, Việt Nam chỉ nên đi từng bước vững chắc, nghiên cứu nắm bắt công nghệ mới, phát triển công nghệ nội sinh, nắm vững nhu cầu thiết thực, đặc biệt là nhu cầu bảo mật, đảm bảo an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng với số lượng nhỏ và vừa phải.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh rằng "chủ trương của TP.HCM là vẫn tiếp tục phát triển chương trình công nghiệp vi mạch nhưng cần có những hướng đi thích hợp hơn, sát với tình hình thực tế. Hiện nay TP.HCM đang trong quá trình thiết kế xây dựng thành phố thông minh, đây là cơ hội cho ngành công nghiệp vi mạch phát triển. TP.HCM đã chủ trương xây dựng thành phố thông minh, luôn cần có sự tham gia của nhiều đơn vị, một mình ICDREC không thể tạo ra những giải pháp".

Hơn thế, cũng theo lời ông Dũng, Thành phố cần phải có cả hệ sinh thái để phát triển, nên rất cần các công ty công nghệ, đặc biệt là công ty trong nước tham gia. Việc hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, nhất là đội ngũ các nhà khoa học Việt kiều, sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Theo PC World VN

http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2017/04/1251475/thanh-pho-thong-minh-va-bai-toan-tiet-kiem-nang-luong/