Thành phố thông minh là cơ hội cho mọi lực lượng trong xã hội!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này và đây là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ý kiến này được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra và đã nhận được sự tán đồng của các khách mời tham dự diễn đàn phiên thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững

Tại Diễn đàn cấp cao, ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh: Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng carbon dioxide (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị

Trước các vị lãnh đạo, cán bộ cấp cao của các nước trong ASEAN, ông Bình đưa ra con số thống kê rằng tại khu vực này, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Điều này đặc biệt rõ đối với các quốc gia có biển, dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.

Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Tham gia phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn cấp cao, ông Lim Jock Hoi - Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đã khuyến nghị: “Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ASEAN có một nền tảng công nghệ mạnh mẽ cho các thành phố thông minh. Thông qua công tác quản lý, thúc đẩy trao đổi dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN, chúng ta giải quyết các thách thức đô thị và tạo ra các nguồn tăng trưởng mới”.

Ông cho rằng các nước cần tăng cường chia sẻ các giải pháp thực tiễn hiệu quả để giúp giảm khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo thành thị, đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng, nâng cao kỹ năng và học hỏi các kỹ năng mới cho lao động phi chính thức và những người làm việc trong các lĩnh vực có khả năng mất việc.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, khu vực công và tư nhân, thực hiện các phương pháp tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, tăng cường quan hệ đối tác thành phố thông minh trong và ngoài khu vực.

Cách lựa chọn duy nhất thông minh

Hiện các quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc để trở thành "nền kinh tế số" và "xã hội số" với sự thúc đẩy bởi những tiến bộ của công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT.

Tại phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - khẳng định: “Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững; nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả; người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất. Song hành cùng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm.

Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội!”

Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo FPT, việc xây dựng và triển khai các chương trình Chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị. Việc này phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm 4 khía cạnh chính: Hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Trong đó, một nền tảng công nghệ số với cốt lõi là cấu trúc dữ liệu mở, liên thông và xử lý theo thời gian thực sẽ đóng vai trò là trung tâm điều hành và là công cụ phân tích cho chiến lược Chuyển đổi số đô thị và xây dựng thành phố thông minh bền vững.

Chủ tịch FPT nhiều lần nhấn mạnh, cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.