Đề cập đến LLM là động cơ hơi nước của kỷ nguyên hiện đại, một doanh nhân công nghệ AI trong hội đồng của Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc cho biết trong một cuộc hội thảo kín gần đây rằng Hoa Kỳ đang dẫn trước Trung Quốc về sức mạnh tính toán vượt trội nhờ lợi thế về GPU.
"Chúng tôi không có chip mạnh như Nvidia A100, phải khắc phục bằng cách sử dụng chip yếu hơn, dùng số lượng bù chất lượng. Tuy nhiên, sức mạnh xử lý vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định với cuộc cạnh tranh hiện nay", người này nói.
Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, mức độ phổ biến đáng kinh ngạc của chatbot đã gây ra một cuộc chạy đua giữa các công ty công nghệ lớn để phát triển các phiên bản sản phẩm AI của riêng họ. Xu hướng này cũng đã lan sang Trung Quốc, nơi công ty tìm kiếm internet Baidu, chủ sở hữu TikTok ByteDance, gã khổng lồ về truyền thông xã hội và trò chơi điện tử Tencent Holdings, và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding đều đã bắt đầu kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng Trung Quốc phải đối mặt với một số trở ngại lớn trong việc sản xuất một công cụ như ChatGPT. Công nghệ này có thể bị cản trở bởi sự kiểm duyệt nghiêm ngặt từ nhà nước hoặc do các hạn chế đối với việc tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến. Khi nói đến quá trình đào tạo AI, GPU là thành phần quan trọng nhất.
Theo một nghiên cứu từ TrendForce hôm thứ tư, việc triển khai lượng lớn GPU hiệu năng cao như A100 giúp giảm đáng kể thời gian huấn luyện AI, vốn đòi hỏi xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Với mô hình đứng sau ChatGPT, tham số huấn luyện đã tăng vọt từ 120 triệu hồi năm 2018 lên gần 180 tỷ trong năm 2020, theo tài liệu nghiên cứu của TrendForce.
"Số lượng GPU cần thiết để thương mại hóa mô hình GPT (hay ChatGPT) dự kiến vượt mức 30.000", công ty cho biết trong ghi chú, đưa ra ước tính giả định sử dụng con chip A100 của Nivida.
Các dòng CPU và GPU tiên tiến của Intel, AMD và Nvidia đang được các nhà cung cấp dịch vụ đám mây AI của Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Chính phủ Mỹ hồi tháng 8/2022 cấm Nvidia bán chip A100 và bản kế nhiệm H100 cho khách hàng Trung Quốc nếu không có giấy phép. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận chip bán dẫn hiện đại.
Nvidia sau đó cho biết họ có một dòng sản phẩm thay thế với thông số kỹ thuật thấp hơn dành cho khách hàng Trung Quốc. Được biết, con chip này có đủ sức mạnh tính toán để đáp ứng nhu cầu của hầu hết khách hàng, theo giám đốc bán hàng tại Sitonholy, một đối tác của Nvidia tại Trung Quốc chuyên cung cấp các giải pháp cho máy chủ AI và các thiết bị điện toán công suất cao khác.
Trong khi đó, ngay cả khi nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế được GPU phức tạp như A100, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chế tạo do những lệnh cấm vận của Mỹ.
Một giám đốc tại Xi'an UnilC Semiconductors Co, công ty con của tập đoàn chip Tsinghua Unigroup của Trung Quốc, cũng lưu ý những thách thức trong việc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến.
Theo đó, ông thừa nhận ngành bán dẫn nội địa Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào phần mềm, thiết bị và công nghệ nhập khẩu - vấn đề không dễ khắc phục trong ngắn hạn.
"Quá trình sản xuất thử nghiệm có thể đối mặt nhiều hạn chế nếu năng lực xử lý của chip AI hoặc GPU vượt giới hạn do Mỹ áp đặt. Trung Quốc có cơ hội triển khai quy trình sản xuất 7 nm và 5 nm, nhưng thiếu công cụ chế tạo", ông cho biết thêm.
Vào tháng 10 năm 2022, Hoa Kỳ đã tăng cường đáng kể các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình với mục đích hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với một số chất bán dẫn cao cấp và công cụ sản xuất chip tiên tiến.
"Phát triển GPU không phải phép thuật hắc ám và Trung Quốc vẫn có cơ hội bắt kịp với những công nghệ như ChatGPT. Tuy nhiên, xuất phát điểm chậm hơn có thể khiến khoảng cách ngày càng kéo dài", một kỹ sư cấp cao tại Nvidia chia sẻ.
Thoe Yahoo Finance