Thái Lan ứng dụng phần mềm quản lý Ngân hàng máu

VietTimes -- Một nhà phát triển phần mềm đã tạo ra hệ thống quản lý có tên là Ngân hàng Máu thông minh (Smart Blood Bank), được coi là hệ thống đầu tiên của loại này tại Thái Lan, sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro, giá thành và thời gian.
Phần mềm giúp các nhân viên bệnh viện quản lý tốt hơn nguồn máu, tránh rủi ro trong quá trình sử dụng. Ảnh tư liệu Bệnh viện Saraburi
Phần mềm giúp các nhân viên bệnh viện quản lý tốt hơn nguồn máu, tránh rủi ro trong quá trình sử dụng. Ảnh tư liệu Bệnh viện Saraburi

Theo thông tin từ Bangkok Post, hệ thống này nhằm khắc phục các vấn đề trong quản lý hiến và tiếp nhận máu vì hiện nay số lượng máu hiến không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập đó là do có những lượng máu không thể sử dụng, máu của người hiến không phù hợp với máu của người nhận. Máu do người tình nguyện hiến cũng rất hiếm tại một số vùng” - ông Damrong Sangvanrat, CEO của nhóm One Two Gold Inter và là người thường xuyên hiến máu tình nguyện, cho biết. Ông nói: “Mọi vấn đề nằm ở khâu quản lý và điều hành”.

Ông DamrongÔng Damrong  Sangvanrat

Sau khi nhận ra vấn đề Damrong đã phát triển một phần mềm quản lý máu thông minh, sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro, giá thành và thời gian..

Hệ thống phần mềm này cũng tương tự như các hệ thống quản lý khách hàng của công ty. Ngân hàng Máu Thông minh cho phép các bệnh viện dự báo về số người hiến tặng máu, sắp xếp việc xếp hàng hiến máu hiệu quả. Và còn nhiều điều khác. Hệ thống có thể theo dõi tình trạng lượng máu còn trong kho để tránh bị hỏng và có thể tìm thấy những bệnh nhân phù hợp nhất để đem ra sử dụng một cách nhanh nhất.

Hệ thống gồm có 4 module. Module thứ nhất theo dõi lịch trình tiếp nhận hiến máu của các tổ chức, được coi như là sự phối hợp giữa những người hiến máu và các tổ chức nhận cho máu.

Module thứ hai gồm các các ứng dụng di động, trong đó có ứng dụng “Donora” chuyên đưa ra thông báo trước về thời gian và địa điểm nhận hiến máu và đăng ký hiến máu. Những người sử dụng ứng dụng được yêu cầu đăng ký để các tổ chức chuyên về tiếp nhận máu như Hội Chữ thập Đỏ có thể nắm được nhóm máu và số lượng người sẽ hiến máu.  Đồng thời cũng có thể phối hợp với các bệnh viện có nhu cầu về máu.

Module thứ ba dành cho các tổ chức tiếp nhận máu và bệnh viện và để quản lý đăng ký và chọn lọc máu. Module này nhằm ngăn chặn sự trùng lặp về hiến máu và hạn chế rủi ro giữa các nhân viên quản lý số máu đã nhận được.

Module thứ tư hỗ trợ các bệnh viện các công cụ quản lý, cảnh báo nhân viên bệnh viện về bất cứ vấn đề nào trong khâu lưu giữ và sử dụng máu, ví dụ, trong trường hợp nhiệt độ thay đổi trong kho bảo quản, hoặc do nhầm lẫn mà máu trong túi được cấp khác loại với nhóm máu của bệnh nhân.

Theo ông Damrong, một thẻ sử dụng công nghệ nhận diện bằng sóng radio được gắn với từng túi máu được hiến. Công nghệ này cũng cho phép các cơ sở y tế nhận biết được thời gian lưu giữ, từ đó các nhân viên có thể đưa ra sử dụng trước khi hết hạn.

Đối với cộng đồng quan tâm đến việc hiến máu, bắt đầu từ ngày mai (6/7) có thể tải miễn phí ứng dụng di động Donora từ Apple Store hoặc Google Play.

Ứng dụng di động Donora cảnh báo thời gian, địa điểm nhận hiến máu và đăng ký hiến máu. Ảnh tư liệu Bệnh viện Saraburi

Hệ thống Ngân hàng Máu thông minh đã được ứng dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Saraburi và sẽ sớm được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Chao Phya Abhaibhubejhr ở tỉnh  Prachin Buri. Phần mềm này đã được giải thưởng Sáng tạo năm 2016 của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và Nhỏ Thái Lan ở hạng mục phần mềm xuất sắc.