Theo báo điện tử vov.vn, thời gian qua, Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào việc triển khai “Thái Lan 4.0” - một chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế số của Thái Lan. Chính sách này sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo lập nên hệ thống quản lý mới để phát triển những thành phố thông minh.
Phuket Smart City là một trong những thành phố thông minh đầu tiên được thí điểm thực hiện theo chính sách “Thái Lan 4.0” đã và đang tạo ra những bước phát triển khá toàn diện. Dưới đây là nội dung trao đổi với ông Pracha Assawatheera - Trưởng cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số chi nhánh Phuket
PV: Thưa ông! Chính phủ Thái Lan đã và đang tập trung vào việc triển khai “Thái Lan 4.0”. Ông có thể chia sẻ một số thông tin cơ bản của chính sách này?
Ông Pracha Assawatheera: Thái Lan 4.0 là một chính sách then chốt của Chính phủ hiện nay trong chiến lược cải cách và phát triển đất nước, nhất là khi Thái Lan vẫn đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp cũng như công nghệ của Thái Lan đang phát triển với tốc độ khá chậm. Do đó, Chính phủ nhận thấy chính sách Thái Lan 4.0 sẽ tập trung vào yếu tố đổi mới, cách tân trong lĩnh vực công nghiệp, tạo ra bước phát triển nhanh hơn cho nền kinh tế.
Công cuộc cải cách đầu tiên của Thái Lan 4.0 là về lĩnh vực kỹ thuật số (digital). Dĩ nhiên, các ngành công nghiệp ở Thái Lan vẫn dựa vào những nền tảng công nghệ đang có và sẽ áp dụng thêm kỹ thuật số vào những lĩnh vực đang được chú trọng như công, nông nghiệp, du lịch, linh kiện ô tô,… Những cải tiến về kỹ thuật số sẽ khiến cho ngành công nghiệp Thái Lan từng bước phát triển, thoát được “cái bẫy” thu nhập trung bình.
PV: Phuket Smart City là thành phố thông minh đầu tiên thí điểm chính sách Thái Lan 4.0. Ông có thể cho biết những kế hoạch cụ thể đã và đang được thực thi tại thành phố này?
Ông Pracha Assawatheera: Kế hoạch quốc gia về phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó Chính phủ sẽ thí điểm phát triển một số thành phố thông minh (Smart city). Phuket là thành phố đầu tiên ở Thái Lan thực hiện thí điểm để phát triển thành một thành phố thông minh.
Đây là vinh dự cũng là thách thức để chúng tôi nhìn lại xem mình sẽ phát triển ở những lĩnh vực trọng điểm nào. Trong khi Phuket là thành phố du lịch nên ngành công nghiệp “không khói” được tập trung cao độ.
Mỗi năm, Phuket đóng góp vào ngân sách quốc gia khoảng 346 tỷ baht (khoảng 225.000 tỷ đồng). Ngoài ra, số lượng du khách đến thành phố này khoảng 15 triệu lượt người nhưng dân số ở Phuket chỉ có khoảng 400.000 người. Đây cũng là một khoảng mất cân đối lớn giữa nguồn nhân lực với số lượng khách hàng.
Xuất phát từ thực tế này, Phuket hướng đến việc cải tiến về công nghiệp số bên cạnh phát triển du lịch. Đây là chiến lược mà chúng tôi cho là phù hợp với Phuket vì không làm ảnh hưởng đến môi trường, nơi mà Phuket luôn giữ gìn để phát triển du lịch hiệu quả nhất. Khách du lịch khi đến Phuket sẽ tận hưởng được những dịch vụ tiện ích từ việc phát triển công nghiệp số.
PV: Đến thời điểm này Phuket đã thu được những kết quả gì từ việc triển khai Phuket Smart City, thưa ông?
Ông Pracha Assawatheera: Tính từ thời điểm Đoàn công tác của thành phố Phuket đến Văn phòng Chính phủ để nhận nhiệm vụ vào tháng 12/2015, đến nay sau khoảng 1 năm 7 tháng, kế hoạch triển khai Phuket Smart City cơ bản thực hiện được khoảng 50%-60% khối lượng công việc. Dự án bước đầu đã có những kết quả tích cực, khi Phuket được đánh giá là thành phố mô hình mẫu để những thành phố khác đến học hỏi kinh nghiệm.
Đầu tiên, Phuket đã phát triển du lịch thông minh. Du khách sẽ thuận tiện hơn trong việc di chuyển, ăn nghỉ và tham gia các hoạt động giải trí. Những người kinh doanh cũng có nhiều cơ hội để phát triển thu nhập. Chính quyền thành phố Phuket đang tiến hành lắp đặt 1.000 trạm phát sóng wifi miễn phí cho khách du lịch và người dân sử dụng. Việc này mất thời gian khoảng 4 tháng.
Vấn đề thứ hai là an toàn thông minh. Thành phố đã triển khai các biện pháp bảo vệ như hệ thống camera CCTV trên đường phố hay trên biển. Mỗi ngày có đến 20.000 lượt du khách du lịch ra các đảo nên thành phố phải đảm bảo an toàn một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba là môi trường thông minh. Phuket phát triển du lịch nhưng không thể xâm phạm hay xâm hại môi trường nên Phuket lắp đặt hệ thống cảm biến để đo được sự thay đổi về môi trường biển nhằm có những phải pháp phòng chống và ứng phó kịp thời.
Vấn đề thứ tư là kinh tế thông minh, từ chỗ chỉ tập trung vào công nghiệp du lịch, Phuket phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ để chuyển thành ngành công nghiệp sáng tạo và cách tân phù hợp với chính sách Thái Lan 4.0. Phuket tập trung đầu tư vào nhân lực phát triển công nghệ giúp Thái Lan không chỉ mua công nghệ mà còn sáng tạo cũng như nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ quốc gia.
Đây là 4 vấn đề chúng tôi đã thực hiện được. Ba vấn đề của thành phố thông minh còn lại mà chúng tôi đang nỗ lực tiến hành, đó là chăm sóc sức khỏe thông minh, giáo dục thông minh và quản trị thông minh.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc phát triển thành phố thông minh phải dựa vào năng lực của chính bản thân thành phố đó, xuất phát từ nhu cầu cần thiết của bản thân địa phương đó mới khả thi, chính sách của Chính phủ chỉ mang tính định hướng.
PV: Xây dựng Smart City dựa trên năng lực của mỗi thành phố nhưng không đồng nghĩa là thiếu sự hỗ trợ. Để đạt được những kết qua như trên, đề án đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào?
Ông Pracha Assawatheera: Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan là nơi hỗ trợ tích cực cho đề án này, từ việc thành lập Cục Quảng bá Công nghiệp Phần mềm (SiPA) để phụ trách về vấn đề thành phố thông minh. Văn phòng SiPA tại Phuket đóng vai trò điều phối giữa Bộ, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, tập đoàn viễn thông CAT, các trường Đại học cũng như các đơn vị tư nhân cũng hỗ trợ tích cực cho đề án này trong việc nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Tất cả những sự đóng góp hỗ trợ này được xem như là một hệ sinh thái tác động lẫn nhau để tạo ra một thành phố Phuket thông minh như hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu