Telemedicine – thách thức trong số hóa chẩn bệnh cứu người từ xa

VietTimes – Giới chuyên môn cho biết Telemedicine – ứng dụng số hóa, chẩn bệnh cứu người từ xa - chỉ khả dĩ đối với các nước phát triển, vẫn là giấc mơ ngoài tầm với ở các “vùng khó” về y tế.  
Hội chẩn trực tuyến - số hóa chẩn bệnh cứu người từ xa tại BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: HB)
Hội chẩn trực tuyến - số hóa chẩn bệnh cứu người từ xa tại BV Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: HB)

Telemedicine – số hóa y tế

Theo nhận định của giới chuyên môn, nhu cầu sử dụng Telemedicine tại các nước đang phát triển có thể nói còn cao hơn so với các nước phát triển khi mà số lượng bác sĩ chưa đủ so với dân số tương ứng, vùng nông thôn còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa và cần được hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, với những đặc thù đòi hỏi đạt chuẩn cao về khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số, Telemedicine – ứng dụng số hóa, chẩn bệnh cứu người từ xa chỉ khả dĩ đối với các nước phát triển, vẫn là giấc mơ ngoài tầm với ở các “vùng khó” về y tế.

Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đếm trên mạng thông tin có đến 104 định nghĩa khác nhau về “Telemedicine”. Trong đó, định nghĩa Telemedicine được nhiều người đồng tình nhất như sau: “Telemedicine là loại hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi khoảng cách là một trở ngại chính, khi đó các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông để trao đổi thông tin hợp lệ để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh và thương tích, để nghiên cứu và đánh giá, và để đào tạo liên tục về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tất cả vì lợi ích của việc nâng cao sức khỏe của các cá nhân và cộng đồng.”

Theo định nghĩa này, Telemedicine cũng có thể được gọi một cách chính xác là sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong y học.

Telemedicine không chỉ để chẩn đoán bệnh hoặc theo dõi người bệnh từ xa, mà còn là công nghệ học tập điện tử và là các dịch vụ y tế viễn thông (tư vấn từ xa) trên mạng hoặc liên kết video (Facetime, mạng nội bộ, Internet, Skype, v.v.) trái ngược với tư vấn trực tiếp. 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 (Ảnh: Thanh Hằng)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 (Ảnh: Thanh Hằng)

Các dự án Telemedicine tập trung vào một nhu cầu chính như khoa tim mạch, cấp cứu, X quang, nhãn khoa, thận... Tín hiệu, hình ảnh chẩn đoán và video được chuyển giữa các máy trạm dựa trên máy tính Intel được các chuyên gia cho biết có thể đạt được 750 lượt hội chẩn từ xa mỗi tháng.

Các chuyên gia Y tế tại TP.HCM, tham khảo lược dịch từ tạp chí chuyên ngành Applied Clinical Informatics cho biết Telemedicine bao gồm các ứng dụng và mục đích chính như sau.

Hệ thống chẩn đoán và tư vấn từ xa

Với loại hình chẩn đoán từ xa (Remote diagnosing), dữ liệu bao gồm tín hiệu và hình ảnh của bệnh nhân có được và lưu trữ, và sau đó được chuyển đến bệnh viện, nơi các bác sĩ chuyên khoa để phân tích những dữ liệu đó, sau đó sẽ gửi lại chẩn đoán. 

Chẩn đoán từ xa có thể được thực hiện ngay cả khi không có bác sĩ, chỉ có điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, tình huống như vậy thường xảy ra ở các vùng nông thôn của các nước đang phát triển, và trong một số trường hợp, chẩn đoán sơ bộ được thực hiện tại địa phương bởi sự trợ giúp của một hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS).

Với loại hình tư vấn từ xa (Teleconsulting), bác sĩ không chuyên khoa cần được tư vấn từ xa với một hoặc nhiều bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, tình huống này xảy ra ở các khoa cấp cứu ở các bệnh viện vùng nông thôn, hoặc ở các phòng khám chữa bệnh ban đầu, những nơi thường chỉ có bác sĩ thực hành tổng quát, không có bác sĩ chuyên khoa.

Hội chẩn 3 miền về điều trị bệnh nhân 91 - Ảnh- TTKT
Thời gian qua, đã diễn ra nhiều lần hội chẩn trực tuyến 3 miền về điều trị bệnh nhân 91 (Ảnh: TTKT)


Hệ thống theo dõi người bệnh từ xa

Bệnh nhân được theo dõi ở xa (Remote monitoring system), tín hiệu của bệnh nhân liên tục có được chuyển đến bệnh viện và có thể được phân tích tại chổ bởi một hệ thống hỗ trợ ra quyết định DSS. Báo động được phát hiện từ xa và truyền trở lại phía bệnh nhân. Hệ thống giám sát có thể được quản lý và kiểm soát tại địa phương bởi bác sĩ hoặc y tá.

Hệ thống can thiệp từ xa

Bệnh nhân vào phòng mổ, can thiệp được thực hiện thông qua một robot (phía bệnh nhân) được điều khiển từ xa bởi một bác sĩ trong phòng khám chính. Can thiệp từ xa (Remote intervention system) yêu cầu một số hỗ trợ tại địa phương được thực hiện bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng.

Hệ thống đào tạo từ xa

Học viên (chủ yếu là bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên) tham dự các lớp học được giảng dạy từ các tổ chức học thuật từ xa, và có thể bằng giao tiếp hai chiều tương tác với giáo viên bằng cách đặt câu hỏi.