Tất tần tật về ứng dụng ‘chuyển giới online’ FaceApp

VietTimes – Chuyên gia bảo mật cho rằng, người dùng cần đặc biệt lưu ý mức độ nhạy cảm của thông tin cá nhân được ứng dụng sử dụng và chia sẻ để tránh mọi rủi ro khi dùng FaceApp - ứng dụng AI chỉnh sửa ảnh gây tranh cãi năm ngoái - đang thịnh hành trở lại.
Tính năng “gender swap” cho phép người dùng tạo ra phiên bản khác giới như thật. Ảnh: Facebook Quang Anh.
Tính năng “gender swap” cho phép người dùng tạo ra phiên bản khác giới như thật. Ảnh: Facebook Quang Anh.

Nếu lướt mạng xã hội trong vài ngày qua, nhiều người hẳn bắt gặp những hình ảnh “chuyển giới ảo” bằng FaceApp. Tận dụng sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng cho phép người dùng thay đổi kiểu tóc, biểu cảm khuôn mặt, ngoại hình... qua một vài thao tác trên thiết bị di động.

FaceApp là ứng dụng miễn phí dành cho Android và iOS của hãng Wireless Lab (Nga). Để sử dụng tính năng “chuyển giới”, người dùng chỉ cần chụp ảnh chân dung hoặc lựa chọn trong thư viện có sẵn. Sau đó, ứng dụng tải hình ảnh lên đám mây để chỉnh sửa các chi tiết trên khuôn mặt. Hệ thống AI của FaceApp được cho là có khả năng học hỏi để cải thiện hiệu suất. Bên cạnh đó, nhà phát triển có trụ sở tại Nga cũng cung cấp thêm bộ lọc làm đẹp, mô phỏng nét mặt người nổi tiếng và một số tính năng trả phí khác.

“Mình biết tới FaceApp qua những hình ảnh chia sẻ trên Facebook”, Hồng Nhung, một nhân viên văn phòng làm việc tại Thanh Xuân chia sẻ. “Mình tải về dùng thử vì ứng dụng rất thú vị và sử dụng cũng đơn giản. Nhiều bạn bè của mình cũng sử dụng nó để làm meme trêu chọc nhau”.

Trước FaceApp, Snapchat trình làng tính năng tương tự và thường xuyên được cộng đồng mạng sử dụng để tạo ra phiên bản khác giới của người nổi tiếng.

Quá khứ đầy thị phi


Thực tế, FaceApp vốn không còn xa lạ với người dùng toàn cầu. Dù được đánh giá cao về hiệu suất thuật toán, ứng dụng lại vấp phải làn sóng chỉ trích vào năm 2017 vì bộ lọc thay đổi màu da mang tính phân biệt sắc tộc.

Tính năng
Tính năng "biến trẻ thành già" gây tranh cãi trên FaceApp. Ảnh: Facebook Khúc Dương.

FaceApp chỉ thực sự gây sốt khi giới thiệu tính năng “biến trẻ thành già” vào năm ngoái. Theo báo cáo của Apptopia công bố của hồi tháng 7/2019, lượng người tăng vọt giúp Wireless Lab kiếm về gần 80.000 USD mỗi ngày.

Tuy nhiên, FaceApp bị nghi ngờ thu thập dữ liệu người dùng. Theo mô tả trong điều khoản dịch vụ, người dùng phải cấp quyền truy cập hệ thống và “chia sẻ nội dung hợp pháp cho các doanh nghiệp cùng nhóm phát triển FaceApp”. Nói cách khác, Wireless Lab có thể tự ý sử dụng dữ liệu gương mặt trong tương lai mà không cần thông báo.

Fabio Assolini, nhà phân tích bảo mật cấp cao tại Kaspersky khẳng định FaceApp không chứa mã độc. Nhưng nhận dạng khuôn mặt là công nghệ xác thực mật khẩu thịnh hành, người dùng cần cẩn trọng khi chia sẻ hình ảnh với bên thứ ba.

“Chúng ta nên đối xử với việc nhận dạng khuôn mặt như mật khẩu bởi bất kỳ hệ thống nhận dạng phổ biến nào cũng có thể bị khai thác cho mục đích xấu” - Fabio Assolini nói.

“Ngoài ra, người dùng phải tính tới việc dữ liệu bị lưu trữ trên máy chủ của bên thứ ba (...) Dữ liệu có thể bị bị tin tặc đánh cắp để giả mạo danh tính” - Assolini nói thêm.

Nhiều chuyên gia bảo mật khác cũng tin rằng hãng có thể bán lại dữ liệu nhạy cảm đó cho các công ty quảng cáo, nghiên cứu AI hoặc nhận công nghệ diện gương mặt. Thậm chí, giới chức Mỹ kiến nghị Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Ủy ban Thương mại Thượng viện Liên bang (FTC) điều tra FaceApp vì lo ngại rò rỉ dữ liệu.

Bất chấp cảnh báo về rủi ro bảo mật, số lượt tải FaceApp vẫn tăng trưởng đều đặn theo thời gian. Cho đến nay, ứng dụng được tải xuống hơn 100 triệu lần chỉ tính riêng trên Google Play Store.

“Chúng tôi không bao giờ chuyển bất kỳ hình ảnh nào khác từ thiết bị người dùng lên đám mây. Chúng tôi có thể lưu trữ một bức ảnh tải lên đám mây. Lý do chính cho điều đó là để tăng hiệu suất và lưu lượng truy cập. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người dùng không tải ảnh liên tục cho mỗi thao tác chỉnh sửa” - Yaroslav Goncharov, Giám đốc điều hành FaceApp, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019.

Ông này cũng cho biết, hầu hết hình ảnh đều bị xóa khỏi máy chủ FaceApp sau 48 giờ kể từ khi tải lên.

Cẩn trọng không thừa


“Giãn cách xã hội và dành phần lớn thời gian ở nhà trong đại dịch khiến mọi người dùng mạng xã hội nhiều hơn. Do đó, việc chia sẻ hình ảnh và video bằng ứng dụng đi kèm bộ lọc hoán đổi giới tính đang thận trọng trở lại” - ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận định.

“Chúng tôi cho rằng việc dùng ứng dụng như vậy không gây hại. Tuy nhiên, người dùng cần đặc biệt lưu ý mức độ nhạy cảm của thông tin cá nhân được ứng dụng sử dụng và chia sẻ để tránh mọi rủi ro” - ông Yeo Siang Tiong nói.

Wireless Lab hiện vẫn chưa công khai chính sách bảo mật dành cho FaceApp. Nếu lo ngại về vấn đề này, người dùng có thể chặn quyền truy cập thư viện ảnh trong phần Setting nhưng vẫn cho phép ứng dụng dùng tính năng chụp ảnh.

Ngoài ra, người dùng có thể yêu cầu nhà phát triển xóa dữ liệu cá nhân lưu trữ trên máy chủ FaceApp thông qua tính năng “report a bug” trong chính ứng dụng. Cụ thể, người dùng vào “Setting”, tìm đến mục “Support” rồi chọn “Report”. TechCrunch cho biết, việc sử dụng từ khóa “quyền riêng tư” trong thư phản hồi giúp đẩy nhanh quá trình xóa dữ liệu.

Khuyến cáo từ Kaspersky khi tải FaceApp:

• Đảm bảo ứng dụng là đáng tin cậy và chỉ tải xuống từ các trang web chính thức.

• Đọc kỹ những điều khoản bảo mật để nắm rõ những thông tin nào đang được yêu cầu.

• Đối xử với nhận dạng khuôn mặt như một dạng mật khẩu, không sử dụng nó ở mọi nơi.

• Luôn kiểm tra các quyền được yêu cầu, chẳng hạn như đăng nhập được liên kết với một tài khoản mạng xã hội hiện có.