Ngày 9/5, vào lúc cử tri Philippines bỏ phiếu chọn lựa người lãnh đạo vận mệnh quốc gia cho 6 năm tới, từ Davao, ứng cử viên Rodrigo Duterte tuyên bố với báo chí quốc tế: "Nếu đắc cử tổng thống thì tôi sẽ giải quyết tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc thông qua «đàm phán đa phương» trong đó các đồng minh của Philippines là Mỹ, Nhật, Úc và các nước tranh chấp tham gia."
Bác bỏ lập trường của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển theo quy định của công pháp quốc tế. Bắc Kinh không có quyền đòi hỏi gì cả mà nên hợp tác khai thác dầu khí với Manila. Vài giờ sau, kết quả kiểm phiếu xác nhận Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines.
Theo Reuters, giới ngoại giao quốc tế thắc mắc về lập trường mâu thuẩn của ông Rodrigo Duterte. Lúc thì thế này khi thì thế nọ. Lúc đầu chiến dịch tranh cử, trong một cuộc tranh luận với các đối thủ, ông tuyên bố sẽ «một mình ra Trường Sa cấm cờ Philippines trên các đảo bị Trung Quốc lấn chiếm xây căn cứ quân sự và sẵn sàng chết như một anh hùng».
Nhưng sau đó, nhân vật có lối tuyên bố bốc đồng này lại tuyên bố: «Nếu trong hai năm tới đây chiến lược tìm kiếm một giải pháp đa phương như hiện nay không mang lại kết quả thì, nếu là tổng thống, tôi sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc». Lập trường này bị giới phân tích chiến lược gọi là ngây thơ và nguy hiểm.
Trên tạp chí The Diplomat, John Ford, một luật gia của hải quân Mỹ cho biết, trong quá trình hoạt động, nhà chính trị 71 tuổi này đã nhiều lần chứng tỏ ông ngây thơ, không biết gì về thủ đoạn của Bắc Kinh.
Đem biển Đông ra xử lý tay đôi với Trung Quốc là trúng kế đối phương và cầm bằng từ thua đến thua. Một khi ngồi vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc, Manila bị trói tay, lấy sức ở đâu để mặc cả với Bắc Kinh. Hành động khôn ngoan nhất là phải tay trong tay với các đối tác khác trong ASEAN cùng bị Trung Quốc bức hiếp. Thêm vào đó, khi ông Duterte đàm phán song phương với Bắc Kinh, thì mặt trận ngoại giao thống nhất đương đầu với tham vọng của Trung Quốc sẽ tan vỡ.
Sự kiện mới nhất gây tiếng vang hôm 8/5 là phe ông Duterte đe dọa kiện tổng thống mãn nhiệm Aquino và thượng nghị sĩ Antonio Trillannes ra tòa về tội phản quốc, do đã làm mất bãi cạn Scarborough. Họ tố Thượng nghị sĩ Antonio Trillannes, nhận lệnh của tổng thống Aquino «mật đàm» với Bắc Kinh 16 lần và thổ lộ với phía Trung Quốc là Philippines «không đủ sức» bảo vệ biển đảo.
Bình luận về những lời tuyên bố bốc lửa về chính trị, ngoại giao và nhân quyền của thị trưởng Davao, nhà phân tích chính trị Earl Parreno, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cải cách Chính trị và Kinh tế ở Manila, cho rằng Duterte không dại gì gây thêm bất ổn cho Philippines. Vận động tranh cử là diễn kịch, phải phóng đại để loan tải thông điệp. Một khi trở thành tổng thống, ông sẽ xuống thang.
Một nhân vật từng trải chính trường ở Mindanao vừa đánh bại các đối thủ của tầng lớp ưu tú tại Manila khó có thể là một kẻ ngây thơ và bốc đồng, cho dù có những lời tuyên bố văng mạng theo kiểu Donald Trump.
Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể kết luận là tổng thống tương lai của Philippines sẽ là người góp phần củng cố hay trái lại phá thế liên kết đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.