Tại sao Trung Quốc quyết "không sống chung với COVID" dù gặp nhiều thách thức?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi nhiều nước trong khu vực đang chuyển sang “sống chung với COVID”, Trung Quốc vẫn quyết tâm bám trụ chính sách “zero COVID”.
Trung Quốc vẫn cố gắng bám trụ với chính sách "zero COVID" (Ảnh: SCMP)
Trung Quốc vẫn cố gắng bám trụ với chính sách "zero COVID" (Ảnh: SCMP)

Làm chặt như Trung Quốc

Cuối tuần trước, một cặp vợ chồng già ở Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong lúc đang đi du lịch ở miền Bắc nước này. Sự việc làm dấy lên một cuộc chạy đua truy vết khắp nhiều tỉnh và khu vực, và trở thành ví dụ mới nhất về những thách thức mà Bắc Kinh phải đối diện khi duy trì chính sách “zero COVID”.

Trong vòng 3 ngày kể từ khi phát hiện cặp đôi dương tính ở tỉnh Tây An, hàng trăm người tiếp xúc gần cùng 5 bạn đồng hành của cặp đôi này – sau cũng dương tính với COVID-19 – đã được xác nhận. Trong vòng 72 giờ đồng hồ đó, nhiều thành phố phải thực hiện xét nghiệm diện rộng, nhiều điểm du lịch hút khách mà cặp đôi từng đi qua cũng phải đóng cửa để khử khuẩn.

Thông tin chi tiết về những chuyến bay nội địa mà cặp đôi từng đi, khách sạn mà họ từng ở, cả những nhà hàng vịt quay, tiệm mỳ mà họ từng ghé qua trên hành trình đều được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải. Người dân còn được yêu cầu thông báo xem những nơi họ đến có trùng lặp với cặp đôi nọ hay không.

Tất cả đều là một phần trong chiến dịch khẩn cấp của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhưng việc áp dụng những biện pháp mạnh tay như vậy đã trở thành điều thường thấy trong những tháng gần đây, bởi các đợt bùng phát dịch và ca nhiễm lác đác – thường là do chủng Delta – cũng thường xuyên xuất hiện.

“Những đợt bùng phát ngày càng xảy ra nhiều hơn và bất ổn hơn” – Jin Dongyan, Giáo sư đến từ khoa Y trường ĐH Hong Kong, nói – “Vấn đề là liệu những đợt bùng phát nhỏ này có khả năng trở thành đợt bùng phát lớn hay không.”

Tính đến nay thì kiểu phản ứng “đồ sộ” của Trung Quốc dường như có tác dụng, khi cuối cùng đã ngăn chặn được dịch lây lan và trở lại con số “zero” ca nhiễm COVID-19 – đây cũng là mục tiêu cuối cùng của chính phủ Trung Quốc, trong khi họ đang phản đối việc áp dụng chính sách mà ngày càng nhiều quốc gia đang áp dụng: “Sống chung với COVID”.

Nhưng vụ việc về cặp vợ chồng già nhiễm COVID-19 mới nhất – mà đến nay vẫn chưa tra ra được nguồn lây – đã cho thấy việc ngăn chặn nhanh chóng các đợt bùng phát dịch khó khăn đến mức nào, tầm ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế khi mà mỗi lần có dịch, nhiều thành phố lại phải tổ chức xét nghiệm quy mô lớn. Trung Quốc cũng không gom các ca nhiễm không triệu chứng trong bản báo cáo số ca nhiễm hàng ngày, mặc dù vẫn ghi nhận chúng.

Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy họ đang thay đổi chính sách chống dịch trong ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng thách thức gắn liền với chính sách “zero COVID” là rất lớn: Những chuyến bay từ những nơi có diễn biến dịch nghiêm trọng tiếp tục đến Trung Quốc mặc dù đã được kiểm soát chặt, đường biên giới trên đất liền dài cũng khiến nước này gặp nhiều rủi ro, đó là còn chưa kể các biến chủng mới, sự bảo vệ giảm dần của vaccine và cả những ca nhiễm bị lọt…

“May mắn là tính đến nay họ vẫn giữ nó trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ thì vẫn luôn còn đó” – ông Jin nói.

Giữ vững mặt trận

Để duy trì chính sách “zero COVID”, Trung Quốc coi việc đảm bảo an toàn tại sân bay và cửa khẩu như “tiền tuyến” trong cuộc chiến chống các ca nhiễm nhập khẩu.

“Do Trung Quốc duy trì chính sách zero COVID, nên bất cứ điểm yếu nào cũng có thể trở thành một đợt bùng phát dịch ở mức độ toàn quốc” – Chen Xi, Giáo sư đến từ trường Y tế công, ĐH Yale, nói – “Điều này khiến nhiệm vụ của họ thêm khó khăn. Sẽ có nhiều sân bay và trung tâm giao thông cỡ nhỏ có ít kinh nghiệm hơn trong việc chống dịch.”

Ông thêm rằng nhiều quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc cũng từng là điểm nóng COVID-19. Ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, nhiều ca nhiễm cộng đồng và nhiều đợt bùng phát dịch lớn hơn đã được phát hiện ở các thành phố sát biên giới với Myanmar.

Ông Chen chỉ ra một đợt bùng phát dịch vào mùa Hè năm nay – đợt bùng phát lớn nhất Trung Quốc kể từ sau đợt dịch đầu tiên ở Vũ Hán – chính là do nguyên nhân này, trong đó những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên có liên quan tới đội ngũ nhân viên sân bay ở thành phố Nam Kinh.

Nhân viên sân bay được tin là nhiễm COVID-19 trong lúc đang lau dọn khoang máy bay của một chuyến bay đến từ Moscow, Nga, trong đó chở một hành khách bị nhiễm bệnh.

Các chuyến bay quốc tế và du khách nước ngoài đến Trung Quốc vốn đã bị hạn chế, nhưng chính quyền càng thắt chặt hơn quản lý kể từ sau đợt bùng phát nghiêm trọng đó – lây sang 38 thành phố và khoảng 1.000 người nhiễm. Một số ít các ca nhiễm ở Thượng Hải và Hạ Môn cũng được cho là có liên quan tới đội ngũ nhân viên sân bay hoặc các chuyến bay.

Trong những tuần gần đây, những biên bản hướng dẫn và khuyến cáo được cập nhật mới đã được công bố, trong đó bao gồm quy trình tẩy rửa máy bay và hàng hóa, xử lý rác thải máy bay và hệ thống thông khí ở sân bay. Bản hướng dẫn chi tiết đến cả mặt nạ, đồ bảo hộ mà đội ngũ nhân viên sân bay cần phải mang, hay xe chở hàng hóa nhập khẩu cần được lau rửa thường xuyên như thế nào…

Cơ quan y tế Trung Quốc cũng nói rằng một số ca nhiễm đến từ việc xử lý hàng hóa bị nhiễm virus – một dạng truyền nhiễm được cho là hiếm khi xảy ra.

Ngoài biện pháp cách ly thường thấy đối với đội ngũ nhân viên sân bay, họ cũng trở thành một phần của cái gọi là kiểm soát vòng kín, để hạn chế sự tiếp xúc với những người cả bên trong và bên ngoài sân bay trong khoảng thời gian làm việc; theo hướng dẫn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc, công bố tháng trước.

Những nhân viên có nguy cơ cao nên sống ở khu nhà tập trung trong khoảng thời gian làm việc và theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày trong lúc xuất hiện đợt bùng phát dịch. Một số nhân viên cũng cần phải sử dụng khu vực nghỉ ngơi và phương tiện tách biệt khi làm việc.

Tại sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải – nơi tiếp nhận khoảng một nửa lượng hàng hóa và thư tín của Trung Quốc – các nhân viên tuyến đầu cần làm việc trong 14 ngày, cách ly trong 7 ngày sau đó lại thêm 7 ngày cách ly tại nhà.

“Nếu như quản lý vòng kín không được thực thi đối với đội ngũ nhân viên dịch vụ hàng hóa nước ngoài, các nhân viên vận chuyển, các tài xế phương tiện đặc biệt, và các nhân sự khác ở sân bay…sự lây lan sẽ còn tiếp tục” – một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc CDC Trung Quốc viết trong tháng này.

Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng với nhân viên tại một cơ sở cách ly mới được xây dựng ở Quảng Châu, trung tâm đầu tiên mà cơ quan y tế Trung Quốc hy vọng rằng sẽ thay thế các khách sạn làm nơi cách ly 14 ngày cho những người từ nước ngoài đến/trở về Trung Quốc.

Các loại drone và robot sẽ xử lý những nhiệm vụ như phân phát bữa ăn, nhưng con người vẫn phải túc trực ở trung tâm và làm việc trong vòng 28 ngày, tiếp đến là 7 ngày cách ly và thêm 14 ngày cách ly tại nhà…tất cả đều được thực hiện rất nghiêm ngặt.

Theo ông Jin, mặc dù các biện pháp mạnh mẽ này giúp giảm số lượng ca nhiễm COVID-19, nhưng đi kèm cái giá.

“Sau đợt bùng phát ở Nam Kinh, họ đã nâng cao thêm những quy định này, nhưng các nhân viên phải hứng chịu. Họ ngày càng làm chặt chẽ hơn, nhưng vẫn chưa rõ nó có thực sự hiệu quả hay không” – ông Jin nói, thêm rằng vẫn có nhiều câu hỏi về nguồn của các đợt bùng phát dịch mới đây, bởi vậy mà cần phải xét nghiệm thêm để xem có ca nào bị bỏ sót không.

Tuy nhiên, Kwok Kin-on, Giáo sư đến từ Trường Y tế công và Chăm sóc ban đầu thuộc ĐH Hong Kong, nói rằng càng lấp được lỗ hổng ở biên giới bao nhiêu thì chi phí và đội ngũ nhân viên cần có để phục vụ cho phong tỏa, truy vết và tìm ca nhiễm càng giảm.

“Chúng ta không thể đảm bảo được rằng hệ thống hiện hành là hoàn hảo, 100% ngăn chặn được các ca nhiễm nhập khẩu” – ông nói – “Ngay cả 0,1% bị bỏ sót cũng là đủ để dẫn tới một đợt dịch bùng phát trong cộng đồng.”

Viễn cảnh tương lai

Bất chấp những thách thức như trên, giới chuyên gia nhất trí rằng ít nhất thì trong vài tháng tới, trước khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông, rất có khả năng chính sách kiểm soát dịch sẽ không có sự thay đổi quá lớn.

Giới chức y tế Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phát ngôn nào mang tính cam kết, trong khi Giám đốc CDC Gao Fu trong tháng này đã mô tả quan điểm chống dịch của Trung Quốc là “chờ đợi và quan sát”, ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine đã vượt qua 80%.

Nhưng sự bảo vệ của vaccine và vai trò của nó trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 cũng đang được đem ra tranh luận, theo ông Kwok, bởi nhiều nghiên cứu mới cho thấy mức độ kháng thể suy giảm đáng kể sau khi tiêm vaccine được 6 tháng, với loại vaccine của Sinovac đang được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

“Nếu chúng ta bám trụ chính sách zero COVID, chúng ta cần phải tính đến kháng thể suy giảm dần và tầm ảnh hưởng của biến chủng Delta hoặc các chủng mới trong tương lai gây ra những ca nhiễm đột phá” – ông Kwok nói.

Ông Chen cho rằng, sự thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn COVID-19 cũng có thể gây cản trở cho việc nới lỏng các biện pháp cách ly và biên giới.

“Do họ đã rất thành công trong việc ngăn chặn virus, không có dữ liệu nào có thể chỉ ra được là nếu họ mở cửa, tốc độ truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong sẽ ở mức nào?” – ông Chen nói – “Ngay cả khi Trung Quốc muốn mở cửa, họ cũng không có dữ liệu để mở cửa”.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng bởi có nhiều nhân tố - như đợt dịch cúm mùa Đông và số giường bệnh chăm sóc tích cực ở Trung Quốc khá hạn chế nếu so với những nước như Mỹ; theo ông Chen.

“Chỉ cần một phần rất nhỏ (trong tổng dân số 1,4 tỉ dân của Trung Quốc) nhập viện, nó đã đủ khiến hệ thống nước này vỡ toang” – ông nói.

Và trong mùa cúm, sự cảnh giác cao độ của người dân là rất quan trọng, như cơ quan y tế Trung Quốc đã cảnh báo. Và họ cũng nói rằng việc truy vết và nguồn lây là điều cấp thiết. Thực hiện thêm các cuộc xét nghiệm diện rộng có thể là biện pháp sẽ được áp dụng, theo ông Jin.