Một tuần đầy kịch tính làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mọi chuyện bắt đầu bằng một động thái hòa bình và kết thúc bằng một đòn tấn công tên lửa thử nghiệm hiếm hoi, Moscow đã báo trước cho Washington 30 phút.

Cuộc xung đột ở Ukraine trong tuần qua xuất hiện nhiều diễn biến leo thang đáng chú ý. Ảnh: Bloomberg
Cuộc xung đột ở Ukraine trong tuần qua xuất hiện nhiều diễn biến leo thang đáng chú ý. Ảnh: Bloomberg

Bảy ngày qua về cơ bản đã thay đổi cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine với tốc độ chóng mặt trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào tháng 1/2025. Tuần này đánh dấu một sự leo thang đáng kể nhưng có thể sẽ lắng xuống nhanh chóng trong khoảng thời gian sau đó.

Nhà Trắng hôm 17/11 đã công khai cho phép Ukraine bắn tên lửa mà nước này cung cấp vào lãnh thổ Nga, và Ukraine nhanh chóng khai hỏa trong hôm 18/11. Moscow đáp trả bằng cách sử dụng một tên lửa tầm trung thử nghiệm với tốc độ siêu thanh và công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) để tấn công Dnipro hôm 21/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tên lửa Oreshnik có thể né mọi hệ thống phòng không của phương Tây.

Cả hai bên đều cáo buộc nhau là liều lĩnh. Washington đang tìm cách thay đổi vị thế của Ukraine trên chiến trường, trong khi Kiev đang liên tục bị đẩy lùi; trong khi Nga muốn tăng cường sức mạnh răn đe của mình.

Cả Mỹ và Nga đều không có khả năng xung đột trực tiếp với nhau mà thay vào đó lại tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến ngày càng có xu hướng lan ra toàn cầu.

Đáng chú ý là chỉ trước đó 7 ngày, đã có một động thái hòa bình xuất hiện.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đơn phương gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, chấm dứt 2 năm cô lập người đứng đầu Điện Kremlin với các nhà lãnh đạo lớn của phương Tây. Ông Scholz đang tìm cách lấy lòng các cử tri thân Nga ở miền đông nước Đức trước cuộc tổng tuyển cử, nhưng ông khẳng định nếu ông Trump định nói chuyện với Moscow thì châu Âu cũng nên làm như vậy. Ukraine và Ba Lan công khai chỉ trích; Pháp và Anh thì lặng lẽ hơn.

Mỹ quyết định cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga không phải do cú điện đàm của ông Schol, mà là do binh sĩ Triều Tiên xuất hiện trong hàng ngũ Nga. Tương tự, quyết định phóng tên lửa Oreshnik của Nga dường như là một hành động đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Moscow và Washington đã thông báo về những động thái này trong nhiều tháng, mặc dù họ vẫn hơi ngạc nhiên về việc phe còn lại thực sự đã thực hiện chúng trong tuần này.

Các chi tiết cụ thể về Oreshnik dường như là chìa khóa cho thông điệp của Tổng thống Putin. Nhiều điều vẫn chưa rõ ràng, nhưng hầu hết các nhận xét của ông Putin đều chỉ ra rằng đây là một tên lửa mới, có khả năng siêu thanh, phi hạt nhân (trong lần này), nhưng có thể mang nhiều đầu đạn – theo kiểu thường dành cho đầu đạn hạt nhân.

1.png
Lực lượng Ukraine hiện đang được cung cấp mìn bộ binh do Mỹ sản xuất. Ảnh: Reuters.

Ông Putin cho rằng với tốc độ 3 km/giây, tất cả hệ thống phòng không của phương Tây đều vô dụng với Oreshnik. Các quan chức Mỹ và NATO gọi thiết bị này là tên lửa tầm trung và đang “thử nghiệm” – những bình luận nghe có vẻ như đang tìm cách hạ thấp tên lửa này, nhưng thực tế cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng với Moscow.

Năm 2019, Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) hạn chế việc phát triển các loại vũ khí như vậy, cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Việc các quan chức phương Tây nhấn mạnh rằng tên lửa này - dường như có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - có tầm bắn "trung bình", dường như là chấp nhận việc Nga tiếp tục theo đuổi vũ khí như vậy, mà trước đây theo INF là không thể.

Ukraine ban đầu gọi tên lửa này là “Kedr”, như truyền thông nhà nước Nga đưa ra lần đầu tiên vào năm 2021. Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, cho biết hôm 22/11 rằng đây là một “tên lửa đạn đạo tầm trung, có khả năng mang vũ khí hạt nhân”. Ông Budanov cho biết Ukraine đánh giá rằng hai nguyên mẫu của Kedr đã được sản xuất vào tháng 10, nhưng khẳng định “đó không phải là sản phẩm sản xuất hàng loạt”.

Những tuần tới sẽ cho thấy rõ hơn Oreshnik chỉ là một thông điệp đơn lẻ hay một chiến thuật mới. Việc sử dụng nó rõ ràng đã gây ra quan ngại lớn hơn ở Kiev, sau khi Đại sứ quán Mỹ đóng cửa đột ngột trong hôm 20/11 với lý do có mối đe dọa từ trên không, làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng Moscow đang sử dụng các công cụ mà họ lưu giữ cho cuộc chiến cuối cùng với một cường quốc.

Tuy nhiên, tin tức đáng chú ý nhất trong tuần có lẽ không phải là những tranh cãi xung quanh vấn đề địa chính trị, mà là đòn tấn công nhằm vào Dnipro.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Vương quốc Anh, thường là cơ quan ủng hộ trung thành của quân đội Ukraine, hôm 21/11 nói rằng chiến tuyến đang “bất ổn” hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ. Họ ám chỉ rằng các lực lượng của Kiev đang gặp khó khăn trên khắp mặt trận.

Ở phía nam Kharkov, Nga đang tiến gần thành phố Kupiansk. Các đường tiếp tế của Ukraine đang bị đe dọa xung quanh khu vực Donbass. Ngay cả phía nam, Zaporizhzhia dường như cũng chịu áp lực lớn hơn và Moscow đang liên tục cố gắng đẩy Ukraine ra khỏi khu vực biên giới Kursk. Những diễn biến này có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden vội vàng triển khai mìn bộ binh và thêm đạn dược cho Ukraine.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn tới đẩy nhanh đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây lại làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, trước khi nó có thể được “đóng băng”.