Từ tâm dịch đến kiềm chế hiệu quả: Bài học chặn dịch COVID-19 hiệu quả từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mike Toole, Giáo sư chuyên ngành Y tế Quốc tế đến từ Viện Burnet (Australia), đã có bài viết về Trung Quốc, từ chỗ một tâm dịch COVID-19 của thế giới nhanh chóng kiềm chế được dịch một cách hiệu quả.
Xét nghiệm diện rộng, cùng các biện pháp khác, mà Trung Quốc áp dụng được xem là cực kỳ hiệu quả (Ảnh: SCMP)
Xét nghiệm diện rộng, cùng các biện pháp khác, mà Trung Quốc áp dụng được xem là cực kỳ hiệu quả (Ảnh: SCMP)

Vào ngày 5/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một tuyên bố nói rằng vào thời điểm 5 ngày trước, họ nhận được thông tin về nhiều trường hợp mắc bệnh phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến ngày 3/1/2020, có tổng cộng 44 ca nhiễm đã được phát hiện. Theo chính quyền Trung Quốc, một số bệnh nhân là tiểu thương và khách hàng tại khu chợ hải sản Hoa Nam.

Làn sóng dịch bắt đầu càn quét

Vào thời điểm bấy giờ, đợt bùng phát dịch không được loan tin rộng rãi, mặc dù hãng BBC của Anh đăng tải một bài viết về vấn đề này vào thời điểm 2 ngày trước khi WHO ra tuyên bố. Tôi đọc được thông tin này vào ngày 8/1 trên tờ The New York Times. Do từng tham gia vào nhiều cuộc phản ứng trước dịch bệnh và cũng hiểu về nhiều dịch bệnh do virus – như SARS và cúm gia cầm – bắt nguồn từ Trung Quốc, nên câu chuyện này rất thu hút tôi.

Lúc bấy giờ, thủ phạm của dịch đã được xác nhận – một chủng virus corona mới có tên SARS-CoV-2. Các nhà điều tra vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy nó lây lan từ người sang người.

Và virus này đến từ đâu? Chúng ta cũng không nắm được. Đội điều tra của WHO sau đó đưa ra kết luận: Vào thời điểm này, không thể biết chính xác làm thế nào mà nhiều người ở Trung Quốc bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tất cả bằng chứng sẵn có cho thấy rằng nó có nguồn gốc tự nhiên từ động vật và không phải một chủng virus được chỉnh sửa hay thao túng. SARS-CoV-2 có vật chủ là loài dơi.

Trung Quốc phản ứng với đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán

Trong khoảng đầu tháng 1/2020, một nhóm bác sĩ ở Vũ Hán đã cố gắng cảnh báo cho các đồng nghiệp về sự nguy hiểm của đợt bùng phát dịch này, trong lúc thông tin về nó bị che đậy bởi lực lượng an ninh. Nhóm bác sĩ này bị buộc phải ký vào một bản tuyên bố bác bỏ cảnh báo mà họ đưa ra. Một trong số họ, bác sĩ Lý Văn Lượng, qua đời do nhiễm virus corona chủng mới.

Ngày 23/1, chính quyền Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân. Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố này ước tính có tới 5 triệu người đã rời khỏi đây trước khi biện pháp được áp dụng, và điều này khiến virus lây lan sang các khu vực khác.

Đến lúc này thì khả năng truyền nhiễm từ người sang người đã được xác nhận chính thức.

Ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp. Vào thời điểm này, Trung Quốc đã báo cáo 9.692 ca nhiễm và 213 ca tử vong do SARS-CoV-2. Trong số các bệnh nhân, khoảng 20% bị bệnh nặng và phần còn lại bị nhẹ, theo WHO.

Ngày 11/2, WHO tuyên bố tên chính thức của bệnh do virus corona chủng mới gây ra: COVID-19. Mặc dù virus đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia, nhưng phần lớn số ca nhiễm là ở Trung Quốc.

Đến trung tuần tháng 2/2020, Trung Quốc đã báo cáo hơn 66.000 ca nhiễm và 1.600 ca tử vong. Hệ thống y tế nước này nhanh chóng bị quá tải, và nhiều biện pháp được áp dụng lập tức như xây dựng 2 bệnh viện lớn ở Vũ Hán với tổng số 2.500 giường bệnh chỉ trong vòng 2 tuần lễ.

Và rồi đợt dịch chấm dứt

Giai đoạn dịch diễn biến nghiêm trọng, số ca nhiễm COVID-19 trung bình ghi nhận trong ngày ở Trung Quốc rất cao, đỉnh điểm là 4.670 vào ngày 13/2. Nhưng chỉ 30 ngày sau đó, con số này giảm xuống chỉ còn 19. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chỉ báo cáo các ca mắc COVID-19 có triệu chứng, chứ không tính các ca không có triệu chứng.

Mặc dù vậy thì đây rõ ràng là một chiến dịch ngăn chặn COVID-19 thần tốc và hiệu quả nhất thế giới, trong suốt khoảng thời gian diễn ra đại dịch.

Kể từ làn sóng dịch đầu tiên, Trung Quốc đã quyết tâm duy trì mục tiêu “không COVID”, với chỉ có duy nhất 1 ổ dịch xuất hiện. Nhìn theo mọi khía cạnh, Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc kiềm chế SARS-CoV-2.

Kể từ ngày 1/4/2020, Trung Quốc chỉ báo cáo hơn 12.800 ca nhiễm mới COVID-19, một con số rất nhỏ nếu so sánh với dân số 1,4 tỉ người. Trong khi ở Timor-Leste, họ cũng ghi nhận con số ca nhiễm tương tự, nhưng trên dân số chỉ bằng 1/1.000 của Trung Quốc.

Xét tổng thể, Trung Quốc ghi nhận 66 ca/1 triệu dân, so sánh với 112.362 ca/1 triệu dân ở Mỹ. Con số thấp này đạt được chủ yếu là nhờ sự kết hợp giữa phản ứng nhanh, áp dụng sớm các lệnh phong tỏa, tổ chức xét nghiệm diện rộng và đôi lúc là áp dụng các biện pháp hạn chế hà khắc đối với sự di chuyển của người dân – biện pháp từng bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích, nhưng rõ ràng có hiệu quả.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng dần tăng tốc, và 1,8 tỉ liều vaccine của CoronaVac và Sinopharm, cả hai đều được sản xuất tại Trung Quốc, đã được phân phối, đủ để tiêm cho 66% dân số nước này.

Mặc dù có nhiều quan ngại về các chủng vaccine này, nhưng dữ liệu thử nghiệm ở Chile chỉ ra rằng CoronaVac có hiệu quả 67% trong việc chống lại khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2 và 85% hiệu quả không phải nhập viện. Một nghiên cứu ở Bahrain cho thấy vaccine Sinopharm đạt hiệu quả 90% với cả hai tiêu chí trên.

Kể từ cuối tháng 7/2021, Trung Quốc lại phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ làn sóng dịch đầu tiên ở Vũ Hán. Một đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta gây nên, bắt đầu tại sân bay Nam Kinh, khiến cho 526 ca nhiễm COVID-19 xuất hiện ở tỉnh Giang Tô chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 8 và lan tới 12 thành phố, bao gồm cả Vũ Hán.

Chính quyền Trung Quốc một lần nữa kích hoạt công thức chống dịch hiệu quả, bao gồm xét nghiệm diện rộng, phân vùng các khu dân cư rủi ro và hạn chế sự di chuyển của người dân ở những thành phố bị ảnh hưởng.

Và chiến lược này một lần nữa chứng minh được hiệu quả: Tính đến ngày 15/8 vừa qua, số ca nhiễm ghi nhận mỗi ngày đã giảm liên tục trong 5 ngày.

Thế giới học được gì từ Trung Quốc?

Rất khó để so sánh Trung Quốc với bất cứ quốc gia nào khác. Chiến lược xét nghiệm diện rộng ở vùng đô thị của họ, như một ví dụ, khó có thể được áp dụng ở phần lớn các nước khác.

Nhưng điều mà Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng nhất, chính là sự quyết tâm và không khoan nhượng của họ đối với COVID-19 cuối cùng đã mang lại lợi ích về sức khỏe và kinh tế. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc thu hẹp 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020, thì đến quý đầu tiên của năm 2021, đã tăng trưởng kỷ lục 18,3%.

Ngược lại, nền kinh tế ở khu vực Eurozone đã giảm 0,6% và nền kinh tế Anh thu hẹp 1,5% trong cùng quý.

Đây có lẽ sẽ là một thông tin hữu ích cho những nước đang hướng đến việc “chung sống với COVID-19”.

Theo The Conversation