Tổ chức Y tế Thế giới lập nhóm tư vấn điều tra về nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc vẫn từ chối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới hôm 13/10 đã đề xuất chọn 26 chuyên gia để thành lập một nhóm chuyên gia mới điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2. WHO hy vọng nhóm chuyên gia này có thể đến Trung Quốc để điều tra lại... 
 Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom (giữa), ông Michael Ryan (trái) và bà Van Kelkhoff tại cuộc họp báo về thành lập SAGO (Ảnh: WHO).
Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom (giữa), ông Michael Ryan (trái) và bà Van Kelkhoff tại cuộc họp báo về thành lập SAGO (Ảnh: WHO).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 14/10, nhóm điều tra mà WHO đề xuất thành lập có tên là "Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh” (Scientific Advisory Group for Origins of Novel Pathogens,SAGO) với 26 thành viên là các chuyên gia quốc tế, một số người trong số họ đã đến Vũ Hán, Trung Quốc để điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 vào đầu năm nay; trong đó có nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans, nhà dịch tễ học người Đan Mạch Thea Fischer, nhà sinh vật học người Việt Nam Nguyễn Hùng (Hung Nguyen) và Dương Hồng Quế (Yang Yungui), Phó giám đốc Viện Genomics Bắc Kinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nhóm chuyên gia sẽ điều tra cách thức mà loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) lây nhiễm sang người như thế nào lúc đầu và sẽ thiết lập một khuôn khổ điều tra cho những đợt bùng phát bệnh mới trong tương lai. WHO sẽ xin ý kiến tư vấn của công chúng về danh sách các thành viên của nhóm điều tra này trong vòng 2 tuần.

SARS-CoV-2 đã gây nên đại dịch toàn cầu khiến gần 239 triệu người nhiễm bệnh, 4,9 triệu người chết mà vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của nó (Ảnh: Vetline).
SARS-CoV-2 đã gây nên đại dịch toàn cầu khiến gần 239 triệu người nhiễm bệnh, 4,9 triệu người chết mà vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của nó (Ảnh: Vetline).

Ông Tedros Adhanom, Tổng giám đốc WHO cho biết trong một tuyên bố: "Biết được nguồn gốc của các mầm bệnh mới là rất quan trọng đối với việc ngăn chặn một đại dịch có thể xảy ra trong tương lai và đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng. Chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về các chuyên gia tài năng được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới tham gia SAGO".

Ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành WHO các trường hợp khẩn cấp về y tế, cho rằng nhóm chuyên gia mới có thể là cơ hội cuối cùng để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2. Bà Van Kelkhoff, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học của WHO bày tỏ hy vọng nhóm chuyên gia có thể đến Trung Quốc để điều tra và nhận được sự hợp tác của Trung Quốc. Bà nói rằng vẫn cần tiến hành hơn 30 nghiên cứu để xác định cách thức lây truyền SARS-CoV-2 từ động vật sang người như thế nào. Đối với các thông tin nói rằng Trung Quốc đã xét nghiệm kháng thể cho cư dân Vũ Hán vào năm 2019, bà Van Kelkhoff cho rằng điều đó rất quan trọng để tìm hiểu nguồn gốc của virus.

Có ý kiến nghi ngờ Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán là nơi rò rỉ SARS-CoV-2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Có ý kiến nghi ngờ Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán là nơi rò rỉ SARS-CoV-2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn phản đối nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc vào Trung Quốc để điều tra. Trần Húc (Chen Xu), Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, cho biết trong một cuộc họp báo khác rằng “kết luận của cuộc điều tra chung trước đây về nguồn vi rút là rất rõ ràng”. Ông nói các chuyên gia quốc tế đã hai lần tới Trung Quốc, vì vậy lần này cần đi đến các quốc gia khác điều tra. Trần Húc cũng nói, việc tiếp tục nghiên cứu khoa học phải dựa trên cơ sở khoa học, chứ không do cơ quan tình báo điều tra.

Trước đó, ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc cũng đã nhiều lần cự tuyệt việc các chuyên gia của WHO đến Trung Quốc để tiến hành giai đoạn hai của cuộc điều tra.

Theo CNA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/10 chỉ ra rằng nhóm tư vấn mới do WHO thành lập về các mầm bệnh nguy hiểm có thể là "cơ hội cuối cùng" để xác định nguồn gốc của dịch COVID-19 và thúc giục Trung Quốc cung cấp thông tin về các ca nhiễm bệnh đầu tiên.

CNA nói, WHO ngày 13/10 đã công bố đề xuất thành lập "Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh" (SAGO), có các nhiệm vụ bao gồm nghiên cứu về các mầm bệnh mới, ngăn ngừa bùng phát các đại dịch toàn cầu trong tương lai và khởi động lại cuộc điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 đã bị đình trệ.

Nhóm điều tra giai đoạn 1 của WHO bị cho là bị Trung Quốc ngăn cản và không tiếp cận được các tư liệu gốc ban đầu (Ảnh: AP).

Nhóm điều tra giai đoạn 1 của WHO bị cho là bị Trung Quốc ngăn cản và không tiếp cận được các tư liệu gốc ban đầu (Ảnh: AP).

CNA dẫn lời ông Michael Ryan, chuyên gia hàng đầu về các trường hợp y tế khẩn cấp đề cập rằng WHO đang cố gắng "thoát ra ngoài vòng tròn vốn có ban đầu để xem xét vấn đề và tạo ra một môi trường để chúng ta có thể xem xét lại vấn đề khoa học này". Ông cũng nói: "Đây là cơ hội tốt nhất của chúng ta, và nó cũng có thể là cơ hội cuối cùng để hiểu được nguồn gốc của dịch bệnh".

Bình luận về động thái này của WHO, VOA ngày 14/10 cho rằng, việc thành lập nhóm chuyên gia này là một nỗ lực mới của WHO nhằm truy tìm nguồn gốc của virus. Cách đây 9 tháng, nhóm chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán, nơi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên, để điều tra nguồn gốc của virus, nhưng công tác điều tra không thể nhận được các tư liệu gốc và bị ảnh hưởng bới sự đối kháng về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo điều tra của nhóm công tác đã bị dư luận chỉ trích dữ dội, cho rằng báo cáo này rõ ràng đã nói theo tuyên truyền của Trung Quốc.

Theo tin của CNN, một quan chức của Ủy ban Y tế và sức khỏe Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xét nghiệm 200.000 mẫu máu được lưu trữ tại Trung tâm Huyết học Vũ Hán để xem liệu họ có thể tìm thấy bằng chứng hữu ích cho việc truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 hay không.

Chuyên gia này nói rằng một số mẫu máu trong số này được thu thập vào vài tháng cuối năm 2019 và có thể giúp xác định thời gian và địa điểm SARS-CoV-2 lây lan sang người lần đầu tiên. Nhóm chuyên gia trong cuộc điều tra lần trước của WHO đã nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc cho họ tiến hành phân tích các mẫu này, nhưng đã bị từ chối.

Ủy ban Y tế và sức khỏe Quốc gia Trung Quốc quy định các mẫu máu phải được lưu giữ trong vòng hai năm để phòng trường hợp tòa án cần. Các mẫu này còn gần hai năm nữa mới hết hạn sử dụng nên nhiệm vụ xét nghiệm các mẫu này không thể chậm trễ.

CNN cho biết, các chuyên gia đã yêu cầu Trung Quốc cho phép các chuyên gia bên ngoài tham gia hoặc quan sát công việc thử nghiệm có liên quan. Nếu không có sự tham gia của giới chuyên môn bên ngoài, kết quả nghiên cứu cho Trung Quốc đơn độc tiến hành sẽ mất đi độ tin cậy.

CNN dẫn lời bà Maureen Miller, Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói rằng những mẫu này "chắc chắn sẽ chứa những manh mối quan trọng". Bà thúc giục Trung Quốc cho phép các chuyên gia nước ngoài theo dõi toàn bộ quá trình. Bà nói, "Trừ khi có ít nhất là các quan sát viên đủ trình độ chứng kiến, nếu không, chẳng ai tin vào bất kỳ kết quả nào được phía Trung Quốc báo cáo".

William Schaffner, một bác sĩ tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Khoa Y, Đại học Vanderbilt (VU), Tennessee, cho rằng những mẫu này cung cấp "cơ hội tuyệt vời để mọi người nhìn lại và xem xem rốt cuộc vào tháng nào thì loại virus này bắt đầu lây nhiễm sang người Trung Quốc".

Ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc từ chối hợp tác với WHO điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn 2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc từ chối hợp tác với WHO điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn 2 (Ảnh: Deutsche Welle).

VOA cho rằng, Trung Quốc đã rất lo lắng về các cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2. Mặc dù họ luôn tuyên bố rằng việc truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2 là một “vấn đề khoa học” và cần được các nhà khoa học kết luận thông qua các cuộc điều tra, nhưng lại cự tuyệt cuộc điều tra của WHO về Vũ Hán, nơi bùng phát sớm nhất của đại dịch COVID-19 và dịch chuyển sự chú ý của bên ngoài về Vũ Hán thông qua nhiều phương thức khác nhau, như tuyên bố SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Mỹ, Ấn Độ, Na Uy, Italy, v.v. với ý đồ coi đại dịch đã gây họa khắp thế giới này là một dịch bệnh bùng phát đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới .

Trung Quốc đã tiến hành trả thù kinh tế dữ dội đối với Australia, quốc gia đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế truy xuất nguồn gốc virus, tiến hành tẩy chay nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia.

Đối với nỗ lực của WHO trong việc tới Vũ Hán tiến hành điều tra, trước tiên Trung Quốc đã chặn việc nhập cảnh của nhóm chuyên gia bằng cách hạn chế thị thực. Sau đó khi họ đã nhập cảnh lại tiến hành khống chế toàn bộ quá trình hoạt động của các chuyên gia, thậm chí cưỡng ép nhóm chuyên gia viết báo cáo điều tra phù hợp với ý kiến ​​của Trung Quốc.