Cử tri đã đáp lại với một thông điệp rõ ràng, nhưng gây tổn thất nặng nề cho đảng của ông và tạo ra một Quốc hội treo. Chỉ sau 3 tháng, Quốc hội Pháp đã “lật đổ” Thủ tướng được ông Macron lựa chọn, ông Michel Barnier, liên quan tới một ngân sách cắt giảm thâm hụt.
Hiện tại, Tổng thống Macron không có nhiều lựa chọn dễ dàng để thoát khỏi tình trạng rối ren này, điều mà cả các đối thủ lẫn một số đồng minh đều cho là do chính ông gây ra.
“Thật khó để tìm ra con đường dẫn đến sự ổn định”, ông François Patriat, một thượng nghị sĩ ủng hộ Macron, thừa nhận.
Khi đảng của ông Macron không còn giữ được thế đa số tại Quốc hội, ông bị gạt ra khỏi các vấn đề đối nội trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông Barnier làm Thủ tướng. Tuy nhiên, việc ông Barnier thất bại lại tạm thời đưa Tổng thống trở lại vị trí nắm quyền.
Ông Macron giờ đây phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới, người mà ông hy vọng sẽ duy trì được vị trí lâu hơn ông Barnier, bất chấp việc phải đối mặt với tình thế khó khăn trong Quốc hội, nơi mà ba đảng – không đảng nào chiếm đa số – đang tranh giành quyền kiểm soát.
Thời hạn chót cuối năm để thông qua ngân sách năm 2025 cũng đang đến gần, đặt ông Macron trước áp lực phải hành động nhanh chóng, mặc dù các biện pháp tạm thời có thể được áp dụng để tránh khỏi tình trạng chính phủ tê liệt như ở Mỹ.
Trong khi mất đến 2 tháng để bổ nhiệm ông Barnier, lần này ông Macron sẽ phải tìm người thay thế nhanh hơn. Sự chậm trễ có nguy cơ khiến ông trông yếu kém hơn và làm bất ổn thêm thị trường tài chính – chi phí vay của Pháp đã tăng mạnh vào tuần trước do lo ngại rằng kế hoạch ngân sách của ông Barnier sẽ thất bại.
Tình trạng bế tắc kéo dài cũng có thể làm gia tăng áp lực buộc ông Macron phải từ chức và kêu gọi bầu cử Tổng thống sớm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2027.
Ông Macron dự kiến sẽ phát biểu trước toàn dân vào tối ngày 5/12 để trình bày kế hoạch tiếp theo. Ông đã bắt đầu tìm kiếm các ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng và được cho là muốn đưa ra quyết định trong vài ngày tới.
Sức ép đè nặng lên vai ông Macron
Những cái tên đang được truyền thông Pháp nhắc đến bao gồm ông Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Quân đội; ông François Bayrou, một đồng minh và nhà chính trị ôn hòa kỳ cựu và ông Bernard Cazeneuve, cựu Thủ tướng thuộc đảng Xã hội. Một chính phủ kỹ trị do một công chức hoặc nhân vật phi chính trị đứng đầu cũng có thể xảy ra.
Điều khiến ông Macron lo lắng nhất chính là cứu vãn phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai của ông, đồng thời bảo vệ những thành tựu mà ông đã đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, nơi ông đã thực hiện hàng loạt cải cách thân thiện với doanh nghiệp và cắt giảm thuế.
Tuy nhiên, khả năng áp đặt các giải pháp của Tổng thống đã bị suy yếu bởi sự thu hẹp của đảng trung dung Renaissance (RE) của ông sau cuộc bầu cử sớm vào tháng 7, với số nghị sĩ còn lại không đủ để áp đặt điều kiện với các đối tác tiềm năng.
Do nước Pháp vốn có truyền thống xây dựng liên minh yếu kém, ông Macron hiện chỉ có thể kêu gọi các đảng đối lập hợp tác để mang lại sự ổn định và ít nhất thông qua được kế hoạch ngân sách.
Nhiệm vụ của ông trở nên khó khăn hơn khi lãnh đạo cực hữu, bà Marine Le Pen, cùng đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất (France Unbowed) đã mạnh mẽ hơn sau thành công chung của họ trong việc lật đổ ông Barnier.
Tín hiệu cứng rắn từ các đảng
Ông Franck Allisio, một nghị sĩ cấp cao của RN, cho biết đảng này sẽ tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên của mình như cải thiện sức mua của người dân Pháp và cắt giảm nhập cư.
“Đương nhiên, các yêu cầu của chúng tôi vẫn không thay đổi, bất kể ai làm Thủ tướng, vì kỳ vọng của cử tri chúng tôi vẫn như cũ,” ông Allisio nói, không loại trừ khả năng đảng này sẽ tiếp tục lật đổ chính phủ.
Việc xây dựng liên minh còn trở nên phức tạp hơn do các nhân vật nặng ký đứng đầu các đảng và phe phái trong Quốc hội đều tranh giành cơ hội kế nhiệm ông Macron.
“Họ đều bị ám ảnh bởi cuộc bầu cử năm 2027, điều này đang định hình hành vi của các lãnh đạo đảng như bà Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon”, ông Jean Garrigues, một nhà sử học chuyên về Quốc hội và Hiến pháp Pháp, nhận định. “Đó là lý do khiến việc đạt được thỏa hiệp trong Quốc hội trở nên khó khăn”.
Một số nhân vật chủ chốt đã kêu gọi cách tiếp cận khác để chọn Thủ tướng, đề xuất rằng các nghị sĩ nên thương lượng một dạng hiệp ước không xâm lấn lẫn nhau giữa các đảng sẵn sàng hợp tác, bao gồm một số chính sách trọng tâm để thực hiện đổi lấy cam kết không làm sụp đổ chính phủ.
Ông Boris Vallaud, lãnh đạo nhóm Xã hội trong Quốc hội, cho biết ông sẽ sẵn sàng ủng hộ một sáng kiến như vậy, nhưng không làm rõ liệu nhóm của ông có tách biệt hoàn toàn khỏi các đồng minh cực tả hiện tại hay không. Các lãnh đạo phe cánh tả đã báo hiệu rằng họ sẽ đòi quyền kiểm soát văn phòng Thủ tướng để đổi lấy sự hợp tác, điều có thể bị RN phản đối.
Ông Gabriel Attal, cựu Thủ tướng dưới thời ông Macron, kêu gọi một liên minh kéo dài từ cánh tả ôn hòa đến cánh hữu ôn hòa, nhưng loại trừ cái mà ông gọi là “các phe cực đoan”.
“Điều này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng chính phủ bị bà Marine Le Pen khống chế”, ông nói, dù thừa nhận không biết liệu việc này có khả thi hay không.
Hậu quả có thể xảy ra
Giữa bối cảnh chính trị đang nóng lên, ngân sách năm 2025 thay thế ngân sách đã bị bác bỏ hôm thứ 4/12 – vốn nhằm giải quyết tình trạng tài chính công xuống cấp của Pháp – vẫn phải được thông qua.
Nếu Quốc hội và chính phủ không đáp ứng thời hạn chót để thông qua – điều mới chỉ xảy ra hai lần trong lịch sử hiện đại của Pháp – các biện pháp tạm thời như ban hành luật khẩn cấp hoặc thực hiện các biện pháp hành pháp để gia hạn quy định thuế và chi tiêu từ năm trước có thể được áp dụng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, những người tin rằng đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, cho biết điều này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách năm 2025 lên 6,3% – từ mức khoảng 6,1% năm nay – so với mức 5,6% dự kiến theo kế hoạch thắt chặt ngân sách của ông Barnier.
Kịch bản xấu nhất sẽ là việc không thông qua được ngân sách hoàn chỉnh năm 2025 khi chính phủ mới được thành lập.
“Đây là lúc chúng ta bước vào vùng bất định”, ông Denis Baranger, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Paris-Panthéon-Assas, nhận định. “Đây là một tình huống không thực sự được tiên liệu trong Hiến pháp”.
Pháp rơi vào tình trạng bất ổn sau khi Thủ tướng từ chức
Ông Trump lại gây tranh cãi khi đề cử thông gia làm Đại sứ tại Pháp
Pam Bondi, người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, là ai?
Theo Financial Times
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu