Tại sao thanh toán di động phổ biến ở Trung Quốc thay vì các nước phát triển như Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc đã sớm bước vào kỷ nguyên tiêu dùng không dùng tiền mặt mà chỉ cần điện thoại di động, tuy nhiên, các nước phát triển ở châu Âu và châu Mỹ lại không thực sự phổ biến thanh toán di động. 
Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, "cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại" của con người đã có những thay đổi to lớn. Tại Trung Quốc, hai công cụ thanh toán chính là Alipay và WeChat đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của nhiều người.

Theo số liệu trong quý đầu tiên của năm 2021, quy mô giao dịch di động thông qua bên thứ ba của Trung Quốc đã tăng lên 74 nghìn tỉ NDT, mỗi năm tăng 39,1% và số người sử dụng WeChat đã đạt 1,15 tỉ trong khi có hơn 1,2 tỉ người sử dụng Alipay (dân số Trung Quốc ước tính đạt khoảng 1,44 tỉ người năm 2021)

Người dân Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên tiêu dùng không dùng tiền mặt, chỉ cần mang theo điện thoại di động là có thể hoàn thành các khoản thanh toán tiêu dùng.

Tuy nhiên, thanh toán di động chưa phổ biến ở các quốc gia khác trên thế giới. Các nước càng phát triển thì việc sử dụng thanh toán di động càng ít và thậm chí các nước này còn không khuyến khích người dân sử dụng. Nguyên nhân có phải vì sự bất an trong "thời đại không tiền mặt"?

"Kỷ nguyên không tiền mặt" có an toàn không?

Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường thanh toán di động tại quốc gia đang phát triển như Trung Quốc không có nghĩa là các quốc gia khác cũng tích cực với thị trường này.

Theo số liệu khảo sát, đất nước càng phát triển thì khả năng chấp nhận thanh toán di động càng yếu. Mặc dù thanh toán di động đã phát triển tương đối sớm ở Mỹ nhưng nó vẫn chưa được công chúng chấp nhận. Cụ thể, dịch vụ thanh toán di động của Apple ra mắt người dùng từ 7 năm trước nhưng đến nay, số lượng người dùng chỉ như muối bỏ biển và thậm chí dậm chân tại chỗ.

Tại sao việc phát triển thanh toán di động ở các nước phát triển lại chậm chạm như vậy? Thực tế, điều này liên quan đến quan niệm ăn sâu trong tư tưởng của người dân. Người dân ở các nước châu Âu và châu Mỹ tương đối giàu có. Họ nhấn mạnh đến an ninh tài chính và quyền riêng tư cá nhân. Mặc dù thanh toán di động rất tiện lợi nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Trước hết, thanh toán di động cần xây dựng cầu nối với các nền tảng thanh toán của bên thứ ba và hợp tác với các ngân hàng để cho phép tiền kỹ thuật số lưu thông giữa người dùng, người bán, ngân hàng và các bên thứ ba. Việc bổ sung các nền tảng của bên thứ ba làm tăng rủi ro của toàn bộ chuỗi thanh toán.

Thứ hai, tất cả thông tin cá nhân của người dùng đều nằm trong phần mềm thanh toán, nếu bên thứ ba vận hành không đúng cách có thể dẫn đến rò rỉ thông tin cá nhân. Người dân các nước Âu Mỹ rất coi trọng quyền riêng tư cá nhân nên họ không thích sử dụng phương thức thanh toán di động. Trong khi đó, người dân Trung Quốc chỉ chú ý đến sự tiện lợi và nhanh chóng mà ít khi quan tâm đến tính bảo mật của tài khoản và bí mật thông tin cá nhân.

Tín hiệu thanh toán di động kém

Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Khi sử dụng thanh toán di động, việc thanh toán chỉ hoàn tất khi có tín hiệu mạng. Tuy nhiên, một số quốc gia phát triển lại thiếu vùng phủ sóng tín hiệu trầm trọng. Lấy Mỹ làm ví dụ, trong số 6 triệu trạm thông tin di động trên thế giới, Trung Quốc đã chiếm 4 triệu. Ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ cũng chỉ có 300.000 trạm gốc.

Ở các nước phát triển, mục đích thiết lập các trạm tín hiệu chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực thương mại, các trạm thu phát sóng không bao phủ toàn bộ lãnh thổ, đa số là ở các thành phố lớn và các khu vực lân cận, những nơi tương đối xa và dân cư thưa thớt thường không thể thực hiện cuộc gọi chứ đừng nói đến có tín hiệu thanh toán di động.

Do không có vùng phủ sóng toàn diện, các quốc gia này thiếu điều kiện cơ bản của thanh toán di động. Nói một cách tương đối, vùng phủ sóng tín hiệu của Trung Quốc rất rộng, ngay cả ở những nơi thưa thớt dân cư hay vùng núi sâu, mọi người vẫn có thể tận hưởng mạng Internet.

Việc sử dụng và phổ biến thẻ tín dụng

Trên thực tế, trước khi Trung Quốc bước vào kỷ nguyên thanh toán di động, khi người Trung Quốc vẫn đang sử dụng tiền mặt thì Mỹ đã bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng và phổ biến nó trong nhiều thập kỷ, cả thói quen sử dụng và hệ thống thanh toán cũng đã tương đối trưởng thành.

Chính phủ Mỹ cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng thẻ tín dụng và kết hợp chặt chẽ việc sử dụng thẻ tín dụng với báo cáo tín dụng cá nhân. Người dân Mỹ thích gửi tiền mặt vào vào các tài khoản mới mở, họ có thể được tích điểm khi mua sắm hoặc thanh toán hóa đơn, số điểm thậm chí còn cao hơn cả lãi suất tiền gửi. Theo thống kê, trung bình một người Mỹ có 2,9 thẻ tín dụng, và gần 80% người dân thích thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Đối với hiện tượng trên, ông Châu Tiểu Xuyên, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, từng nói: "Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn với các nước phát triển trên một số khía cạnh, nhưng Trung Quốc có thể dẫn đầu về nhiều mặt trong tương lai, đặc biệt là về công nghệ mới và sản phẩm mới".

Internet của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, kỷ nguyên 2G đến 4G trước đây do các nước phát triển như Mỹ thống trị nhưng Trung Quốc lại đi đầu trong kỷ nguyên 5G.

Ảnh: QQ
Ảnh: QQ

Không thể phủ nhận rằng sự tiện lợi của thanh toán di động thực sự cao hơn so với thẻ tín dụng, và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán di động.

Tuy nhiên, "kỷ nguyên không dùng tiền mặt" của Trung Quốc vẫn còn tương đối "non trẻ" và tồn tại một số vấn đề, nhưng không thể không kể đến những ưu điểm của thanh toán di động. Phương thức này đã ngăn chặn sự xuất hiện của tiền giả ở một mức độ nhất định và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Với việc phát hành và phổ biến "tiền kỹ thuật số" của ngân hàng trung ương Trung Quốc, "kỷ nguyên không dùng tiền mặt" của Trung Quốc sẽ ngày càng đến gần hơn.

Theo QQ