'Súng đo thân nhiệt' không còn hiệu quả trong cuộc chiến virus corona

Việc sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt nhằm sàng lọc những người bị sốt được cho là không hiệu quả vì sử dụng sai, thiết bị kém chất lượng và không ngăn được sự lây lan của virus.

Máy đo thân nhiệt đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng ở Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới, trong cuộc chiến với virus corona chết người. Trong nhiều tuần, thiết bị trông đáng ngại này đã được triển khai tại các trạm kiểm soát trên khắp Trung Quốc.

Từ trạm thu phí, tổ hợp căn hộ, khách sạn, cửa hàng tạp hóa và nhà ga khi chính phủ đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, News York Times cho biết.

Máy đo thân nhiệt, đôi khi được mô tả là súng nhiệt kế, được trang bị cảm biến hồng ngoại có thể nhanh chóng đo nhiệt độ bề mặt mà không cần tiếp xúc với da người. Trong những năm gần đây, nó đã trở thành công cụ quan trọng cho các quốc gia chiến đấu với virus.

Nó được sử dụng rộng rãi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh SARS ở Trung Quốc vào năm 2002, ngăn chặn sự bùng phát của Ebola ở châu Phi một thập kỷ sau đó.

Kết quả không chính xác

Dù được trang bị các công nghệ cảm biến tiên tiến, nhiệt kế cuối cùng đã chứng minh là một cơ chế phòng ngừa không hiệu quả, theo các quan chức y tế và chuyên gia về thiết bị hồng ngoại. Tương tự như khẩu trang đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nước khác, súng nhiệt kế có xu hướng không đáng tin cậy khi được sử dụng bên ngoài các cơ sở chăm sóc y tế.

Các đặt súng nhiệt kế cầm tay ở khoảng cách khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Ảnh: AFP/Reuters.

Nhiệt kế xác định nhiệt độ bằng cách đo nhiệt lượng tỏa ra từ bề mặt cơ thể người. Tuy nhiên, thông thường, người sử dụng công cụ này không giữ chúng đủ gần với trán của người được kiểm tra, tạo ra các số đo quá thấp hoặc quá cao khi để chúng quá gần da người.

Máy cũng cho kết quả không chính xác trong một số môi trường nhất định, như lề đường bụi bặm, hoặc khi ai đó đã uống thuốc hạ sốt. “Loại thiết bị này nổi tiếng là không chính xác và kém tin cậy”, bác sĩ James Lawler, chuyên gia y tế tại Trung tâm an ninh y tế toàn cầu, Đại học Nebraska, bang Nebraska, Mỹ nói.

Khi đi công tác ở Tây Phi trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola, bác sĩ Lawler thường xuyên được kiểm tra thân nhiệt bên ngoài bệnh viện hoặc tại các trạm kiểm soát trên đường. Nhưng thật hài hước khi kết quả cho thấy ông sắp chết vì hạ thân nhiệt.

Bác sĩ Lawler cho biết thân nhiệt của ông luôn được báo ở mức 35 độ C hoặc thấp hơn, đây là chỉ số của một người sắp rời xa cuộc sống. Do đó, ông kết luận thiết bị này cho kết quả không chính xác.

Ngay ở Trung Quốc, người dùng mạng xã hội nước này đã phàn nàn về các trường hợp súng nhiệt kế báo kết quả không chính xác khi họ đi qua các trạm kiểm soát.

“Bạn có biết là súng nhiệt kế không chính xác. Tôi biết là nó không chính xác. Người bảo vệ sử dụng nó cũng biết điều đó, nhưng không ai nói gì, vì đó là một phần của quy trình. Chủ nghĩa hình thức là vậy đó”, một người dùng viết trên Weibo.

Nếu máy đo thân nhiệt báo rằng ai đó có nhiệt độ cao không có nghĩa là người đó bị bệnh, người đó mang virus. Jim Seffrin, chuyên gia về thiết bị hồng ngoại tại Viện Infraspection ở New Jersey, cho biết họ có thể đã tập thể dục, dùng một số loại thuốc, họ đang cố bắt kịp chuyến bay mà họ đến trễ. Điều đó kéo theo sự tăng thân nhiệt không phải do mắc bệnh.

Cơn sốt nguồn cung trên toàn cầu

Về lý thuyết, súng nhiệt kế cầm tay, hay các máy ảnh hồng ngoại tiên tiến lắp đặt ở các sân bay có thể đo nhiệt lượng tỏa ra từ cơ thể con người, cho phép nhanh chóng xác định ai đó có thể bị sốt, sau đó cách ly người này để xét nghiệm thêm.

Nhu cầu cao về các sản phẩm đo thân nhiệt kéo theo khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Tháng trước, WHO cho biết sàng lọc thân nhiệt có thể làm giảm nguy cơ lây lan virus corona chết người. Điều đó đã làm tăng nhu cầu về súng nhiệt kế cầm tay và máy ảnh hồng ngoại để kiểm tra thân nhiệt, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới.

Máy đo thân nhiệt đã trở nên đắt đỏ và khan hiếm, tương tự khẩu trang, khi nhu cầu tăng cao từ khách hàng chính phủ, tư nhân, trường học và nhà máy.

Alicn Medical, một nhà sản xuất súng nhiệt kế cầm tay ở Thâm Quyến có thể sản xuất 2,5 triệu máy mỗi năm, là một trong số ít những nhà sản xuất có thể duy trì sản lượng. Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu ngày càng tăng và nhiều công nhân không thể trở lại nhà máy, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ.

Điều đó dẫn đến việc công ty không thể tăng công suất, Mo Yingchun, giám đốc công ty cho biết.

Ngay cả chính phủ cũng đang đấu tranh để có được sản phẩm. Ông Mo cho biết giá sản phẩm đã tăng lên gấp 3-5 lần so với trước, trong khi chính quyền địa phương nơi nhà máy tọa lạc muốn đáp ứng nhu cầu của họ trước.

Ông Mo cho biết thêm, súng nhiệt kế cầm tay mà công ty ông sản xuất thường được sử dụng để kiểm tra thân nhiệt trẻ sơ sinh tại nhà. Nó được thiết kế cho mục đích sàng lọc nhanh và không chính xác như nhiệt kế truyền thống.

Cách hàng nghìn km từ tâm dịch bệnh, một nhà sản xuất nhỏ ở Beaumont, Texas đang làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Bình thường công ty này chỉ bán khoảng 100 máy ảnh hồng ngoại mỗi tháng, nhưng từ tháng 1, họ đã bán hơn 1.000 chiếc cho các khách hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Gary Strahan, giám đốc điều hành công ty, cho biết các công nhân phải làm việc từ 4h đến 22h để theo kịp các đơn hàng. Ông Strahan cho biết thiết bị mà công ty ông cung cấp có sai số chỉ từ 0,1 đến 0,2 độ C, nhưng nhiều sản phẩm khác trên thị trường không đáng tin cậy.

Trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, một số trạm kiểm soát đã sử dụng súng nhiệt kế và máy ảnh hồng ngoại sử dụng cho mục đích công nghiệp, thay vì các dụng cụ được thiết kế theo tiêu chuẩn y tế, dẫn đến kết quả không chính xác.

Ông Strahan hy vọng sản phẩm do công ty sản xuất sẽ làm chậm sự lây lan của virus corona, ngay cả khi sàng lọc nhiệt độ không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus. Ông cho rằng việc sử dụng các máy đo thân nhiệt kém chính xác có thể bỏ sót đối tượng tình nghi nào đó.

Theo Zing