Đã có những hoài nghi về việc thao túng vaccine. Một số tài khoản facebook dẫn nguồn một bài báo đưa tin “Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) hiện là đơn vị duy nhất được nhập khẩu và phân phối vaccine AstraZeneca tại Việt Nam. 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam, ngày 8/3 bắt đầu tiêm chủng ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 tại 13 tỉnh thành” rồi băn khoăn, lo lắng có sự “thao túng thị trường vaccine ở Việt Nam”, cũng như khẳng định rằng AstraZeneca không bán cho công ty tư nhân, mà chỉ bán cho COVAX (Chương trình COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) do GAVI, WHO sáng lập.)
Theo tìm hiểu của VietTimes, trên thực tế, vaccine AstraZeneca được nhập về Việt Nam với 2 nguồn: Một nguồn vaccine thương mại do VNVC nhập và nguồn thứ hai là do Chương trình COVAX Facility cung cấp.
Vaccine AstraZeneca đã được nhập về và tiêm ở Việt Nam |
Trước đó, để sớm đưa vaccine về Việt Nam, ngay từ khi vaccine AstraZeneca còn ở giai đoạn nghiên cứu, Công ty VNVC đã đàm phán và đầu tư đặt hàng. Được biết, VNVC đã đầu tư 631 tỉ đồng cho AstraZeneca. Đây là việc đầu tư mạo hiểm bởi nếu dự án nghiên cứu này của AstraZeneca thất bại, thì VNVC cũng sẽ mất trắng khoản tiền này. May mắn là nghiên cứu đã thành công và Công ty VNVC được mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Đợt đầu tiên, Công ty VNVC đã được nhận 117.600 liều vaccine AstraZeneca và đưa về Việt Nam.
Còn về nguồn Covax Facility, mặc dù dự kiến sẽ cung cấp miễn phí cho Việt Nam khoảng 4,1 triệu liều vaccine của AstraZenecca từ tháng 2 đến tháng 5/2021, song đến nay Chương trình COVAX Facility vẫn chưa cung cấp được liều nào.
Theo Bộ Y tế, dự kiến, nguồn vaccine từ Chương trình COVAX Facility đến ngày 25/3 mới về Việt Nam lô đầu tiên với 1,37 triệu liều. Các lô kế tiếp của nguồn này dự kiến sẽ về Việt Nam lần lượt: ngày 25/4 về lô thứ hai có 2,8 triệu liều, lô thứ ba cũng trong tháng 4 là 1,48 triệu liều, tháng 5 là 2,76 triệu liều, tháng 6 là 5,04 triệu liều, tháng 7: 7,32 triệu và tháng 8: 13,27 triệu.
Trước tình hình dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp thời gian qua, để người dân Việt Nam – nhất là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch – sớm được tiếp cận vaccine, Bộ Y tế đã đề nghị Công ty VNVC nhượng lại toàn bộ 30 triệu liều vaccine AstraZeneca mà Công ty VNVC được mua, với giá đúng bằng giá mà AstraZeneca đã bán cho VNVC.
Không chỉ nhượng lại bằng giá mua từ AstraZeneca, VNVC cũng không lấy tiền lãi vay đối với khoản hơn 630 tỉ đồng mà VNVC đã vay lãi ngân hàng để đặt cọc với AstraZeneca từ năm 2020.
Thư của AstraZeneca gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 1/3/2021 khẳng định trước mắt chỉ giao hàng theo cam kết toàn cầu cho các chính phủ và các tổ chức y tế quốc tế; đồng thời khẳng định chỉ có Covax, Unicef, và VNVC là các đối tác được chỉ định đưa vaccine vào Việt Nam. |
Còn VNVC có phải là đơn vị độc quyền ở Việt Nam của AstraZeneca hay không, thì trong thư gửi lãnh đạo Bộ Y tế ngày 1/3/2021, AstraZeneca cũng “xin nói rõ rằng chỉ có COVAX, UNICEF và VNVC là đối tác được chỉ định của chúng tôi để cung cấp vaccine này tại Việt Nam. Các đối tác khác như Viện Huyết thanh của Ấn Độ và Rpharm đang sản xuất vaccine theo giấy phép phụ từ AstraZeneca, nhưng lãnh thổ được cấp phép của họ không bao gồm Việt Nam”.