Sự khác biệt giữa quán Internet hiện nay và 15 năm trước

Mức giá, phong cách, trải nghiệm, kiểu cách phục vụ của các quán Internet cho tới cảm nhận của người chơi đã thay đổi theo năm tháng.
Các quán game sử dụng màn hình CRT đã hoàn toàn biến mất.
Các quán game sử dụng màn hình CRT đã hoàn toàn biến mất.
Với nhiều người, các quán Internet gợi lại rất nhiều ấn tượng. Đó có thể là nơi khởi nguồn cho một tình bạn, mối tình đầu, nơi bạn gặp người yêu hay vợ (chồng) hiện tại. Đây cũng là nơi có thể dung nạp mọi dạng người, dù giàu sang hay nghèo hèn, chỉ cần bạn cầm vài tờ tiền lẻ trong tay là đã có thể ngồi đúng với số thời gian theo quy đinh.

Tuy nhiên, thời gian và dòng chảy công nghệ đã khiến cho các quán game, Internet thay đổi đi diện mạo, hình ảnh và rất nhiều thứ khác.

15 năm trước, đại đa số các quán Internet sử dụng màn hình CRT, trông rất vướng víu và lạc hậu. Còn hiện nay, gần như mọi quán game đều đã trang bị màn hình LCD, thậm chí có nơi là màn hình cong 27-32 inch vô cùng đắt tiền.

15 năm trước, chi phí một giờ chơi game chỉ 2.000 đồng, có nơi sẵn sàng phục vụ các game thủ chỉ chơi nửa giờ. Còn giờ đây, mức giá tăng lên gấp 4-5 lần, tùy vào địa điểm và cấu hình máy. Có khu vực ghế VIP tại phòng máy lớn, game thủ cần trả 15.000 tới 20.000 đồng cho mỗi giờ trải nghiệm.

Trước đây, các quán game thường chung với nhà dân nên nhà vệ sinh rất hôi và bẩn. Hiện nay, game thủ đã được tận hưởng dịch vụ tốt hơn rất nhiều với những nhà vệ sinh sạch sẽ, bóng loáng và thơm tho. Nhiều nơi thậm chí thuê người tới dọn dẹp làm vệ sinh theo giờ.

AOE, Võ lâm truyền kỳ... là các game từng làm mưa làm gió tại các quán game cách đây hơn một thập kỷ.

AOE, Võ Lâm Truyền Kỳ... "làm mưa làm gió" tại các quán game cách đây hơn một thập kỷ.

Các game phổ biến được chơi trong quán Internet thời bấy giờ là AOE, Counter Strike còn game online là MU, Võ lâm truyền kỳ, Gunbound…. Còn bây giờ, giới trẻ ra quán game để trải nghiệm các trò chơi thuộc thể loại eSport như DOTA 2hay Liên Minh Huyền Thoại.

Chuyện game thủ phải xếp hàng cả tiếng hay tranh đoạt với nhau để có một chỗ ngồi trong quán game từng là chuyện khá bình thường. Nhiều người còn lấy việc ra đứng xem người khác chơi game làm thú vui. Giờ đây, game thủ rất ít khi chấp nhận việc phải chờ đợi hay đứng xem người khác chơi game. Số lượng các quán Internet cũng khá lớn khiến cho người chơi có nhiều lựa chọn để cân nhắc, thay vì đứng đợi máy trống sau khi người khác chơi xong.

Bạn cũng từng dễ dàng bắt gặp cảnh các cô gái trẻ ra quán Internet để ngồi gác chân xem TV, xem phim, chơi các game đơn giản như Pikachu, Line 98… Bây giờ những “bóng hồng” gần như đã biến mất khỏi các quán Internet. Nữ giới chơi game, nhưng họ ít ra quán Internet hơn, một phần do chuyển sang chơi game trên điện thoại, lý do khác bởi môi trường quán game giờ đã không còn phù hợp cho phái nữ.

15 năm trước, các quán Internet tràn ngập những người chờ đợi để được xem người khác chơi rồi đứng ngoài bình luận. 15 năm sau, các game thủ thường ở nhà, tự lên mạng live stream để chơi cho những người khác theo dõi.

Thời gian trước, các chàng trai cô gái ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc bóng mượt để ra quán Internet trò chuyện với bạn bè ở xa qua webcam mờ tịt. Còn bây giờ, mọi chuyện được giải quyết dễ dàng qua smartphone với các phần mềm chỉnh sửa ảo diệu.

su-khac-biet-giua-quan-internet-hien-nay-va-15-nam-truoc-2

Những cuộc trò chuyện qua webcam mờ ảo từng là niềm vui của nhiều người.

Nếu trước đây, các chủ quán game thường xuyên phải đi đi lại lại để kiểm tra, canh chừng và bảo vệ tài sản của bản thân cũng như các khách hàng của mình. Thì nay, các quán Internet đã có hệ thống camera dày đặc và chủ quán chỉ cần ngồi một chỗ cũng đủ để chi phối và bao quát hoạt động ở khắp nơi.

15 năm trước, các quán game luôn ồn ào với đủ loại âm thanh la hét, nói chuyện, tâm sự… Nhiều người thích tới quán Internet đôi khi chỉ vì đó là nơi được tự do trải lòng mình ra hoặc văng tục nói bậy cùng với những người xa lạ. Còn bây giờ, nhiều quán game luôn chìm trong sự im lặng khi người chơi chỉ giao tiếp với nhau qua bàn phím hay micro. Họ cũng không hề quan tâm tới người bên cạnh là ai, càng không có nhu cầu làm quen hay trò chuyện.

15 năm trước, một game thủ có thể thường xuyên bỏ học để đi chơi game. 15 năm sau, những người này không còn đủ tự tin để trả lời câu hỏi: "Bạn có dám bỏ việc để đi chơi game không?"

Theo VnExpress
http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/lang-game/su-khac-biet-giua-quan-internet-hien-nay-va-15-nam-truoc-3631190.html