Thi cử - nỗi căng thẳng của học sinh
Giai đoạn học sinh trung học phổ thông rất quan trọng, khi các em phải đứng trước những thách thức, sự thay đổi và những quyết định lớn, xác định kế hoạch cho tương lai, như học tiếp đại học, hay chuyển sang học nghề hoặc sẽ bắt đầu lao động? Với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, cần có những người trẻ đủ tài trí, sự năng động, và chịu áp lực thay đổi nhanh chóng của xã hội, đảm nhiệm những vai trò trong xã hội và kinh tế.
Đây cũng là giai đoạn thanh thiếu niên có sự thay đổi rất lớn về thể chất, sinh lý, tâm lý, với sự đánh dấu của tuổi dậy thì và được mô tả với với nhiều tên gọi khác nhau như “giai đoạn bão táp và căng thẳng”; “thời kỳ thanh thiếu niên khủng hoảng”…
Trường học là nơi học sinh có nhiều mối quan hệ quan trọng như quan hệ với bạn bè, với thầy cô giáo. Trong quá trình học tập, nếu học sinh có các thành tựu sẽ được bạn bè, thầy cô, gia đình ghi nhận, ngược lại họ phải đối mặt với thất bại, đổ vỡ, đau khổ, cô đơn.
Trong một nghiên cứu năm 2011 đã cho thấy khoảng 26,1% học sinh lớp 11, 12 có căng thẳng, trong đó, thi cử chiếm tỉ lệ cao trong các em. Sự căng thẳng trong thi cử đến từ ngoại cảnh là áp lực từ kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ và áp lực từ chính học sinh như sự tự kỳ vọng đạt mục tiêu cho bản thân.
Cơ chế đối phó
Đứng trước các áp lực thi cử như vậy, mỗi học sinh sẽ có cách đối phó khác nhau. Nếu áp lực vừa đủ và cơ chế đối phó thích hợp thì stress đó trở thành động lực giúp cho học sinh hoàn thành tốt ngược lại nếu áp lực quá mức, quá nhiều áp lực một lúc và cơ chế đối phó không hiệu quả có thể gây cho học sinh sự lo lắng quá mức, chán nản, mệt mỏi, bỏ cuộc…
Có nhiều chiến lược đối phó khác nhau khi đối mặt với stress và nó có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng và tác động của stress lên cá nhân.
Có thể chia thành đối phó tiếp cận giải quyết vấn đề và tiếp cận kiểu né tránh. Việc lựa chọn cách đối phó phụ thuộc vào loại stress, mức độ stress và trải nghiệm cách đối phó với stress tương tự trước đó. Có thể với cùng một stress có nhiều chiến lược đối phó khác nhau. Ở nữ giới có xu hướng sử dụng nhiều chiến lược đối phó khi có stress hơn nam giới.
Trong chiến lược tiếp cận giải quyết vấn đề bao gồm đối phó tích cực như nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề, cố gắng làm cho tình huống tốt hơn; tìm sự hỗ trợ cảm xúc như chia sẻ, an ủi, động viên, thấu hiểu từ người khác; nhận lời khuyên , sự giúp đỡ của người khác về các việc cần làm; tìm kiếm điều gì đó tốt trong những thứ đã xảy ra, nhìn nhận stress theo hướng khác tích cực hơn; lên kế hoạch như cố gắng đưa chiến lược và lên từng bước cần làm khi đứng trước stress; chiến lược chấp nhận như chấp nhận nó đã xảy ra và học cách sống chung với nó.
Trong các chiến lược đối phó tiếp cận kiểu né tránh sẽ có các cách như tự phân tâm, đi làm việc khác để không nghĩ về stress: xem phim, đọc sách, mua sắm, đi ngủ; tự nhủ rằng điều đó không có thật, từ chối tin rằng nó đã xảy ra; sử dụng rượu, chất kích thích để cảm thấy tốt hơn, vượt qua stress; từ bỏ; trút giận là nói ra để cảm xúc khó chịu được giải phóng; tự đổ lỗi cho bản thân, chỉ trích bản thân về những gì đã xảy ra.
Thi cử luôn là nỗi căng thẳng với học sinh
|
Trong một nghiên cứu ở nữ giới lứa tuổi 15 -19 khi có stress thì khoảng 25% khóc lóc; 19% nghe nhạc; 15% bắt đầu ăn quá nhiều; 12% ngồi một mình/ cô lập bản thân; 10% tranh luận, cãi vã.
Một nghiên cứu khác ở 200 thanh, thiếu niên thấy rằng 33- 57% đối phó tích cực; 31-50% đối phó né tránh. Những chiến lược đối phó né tránh có thể mang đến sự thất bại trong đối phó với stress và có thể có các hậu quả nghiêm trọng khác. Như việc sử dụng chất kích thích để giảm cảm xúc tiêu cực khi stress có thể dẫn đến những nguy cơ, hậu quả của việc sử dụng chất đó. Việc mất cân bằng trong mức độ stress và chiến lược đối phó không hiệu quả có thế liên quan đến các rối loạn tâm thần và cơ thể về sau.
Làm gì để tránh stress mùa thi?
Các nhà chuyên môn đưa ra khuyến cáo với các phụ huynh, nhà trường và cả học sinh:
Đối với nhà trường và gia đình
- Tạo môi trường gia đình và nhà trường là nơi an toàn, cho học sinh có thể học tập và tạo động lực tin tưởng họ thành công.
- Gia đình và nhà trường cung cấp thông tin đầy đủ, tránh những cơ hội mà học sinh phải đưa ra quyết định quá khó khăn
- Tạo ra niềm tin cho học sinh là giáo viên và cha mẹ đứng về phía họ đưa cho họ nhiều nhiều cơ hội học tập
- Cha mẹ khuyến khích con mình nói các vấn đề của mình và cùng con đối thoại để giải quyết và tôn trọng các quyết định của con tránh đối đầu
- Cha mẹ, giáo viên hoặc các tư vấn tâm lý tại trường có hiểu biết về các lý do tại sao một số trẻ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, buồn chán, từ bỏ
- Trung tâm của các quá trình tư vấn can thiệp là giúp học sinh có tư duy lành mạnh và có các chiến lược đối phó tích cực. Phát triển cách để cải thiện giao tiếp hiệu quả với học sinh từ đó hiểu các căng thẳng trong học tập và tư vấn hỗ trợ họ các cách đối phó với căng thẳng hiệu quả hơn
Đối với học sinh
- Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề
- Học cách đối thoại, trình bày các vấn đề của mình để cùng cha mẹ, nhà trường cùng giải quyết
- Tăng cường các hoạt động khác trong thời gian rảnh rỗi như tập thể thao, nấu ăn, ..
- Thực hiện ăn uống lành mạnh, tránh thức khuya và nên thức dậy sớm
- Rèn luyện các trải nghiệm với các phương thức đối phó tích cực khi giải quyết các stress