Tới thủ đô nước Đức có đại diện chính phủ Liên Xô lúc bấy giờ và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Viacheslav Molotov. Tháp tùng ông có đoàn đại biểu đại diện chính phủ Liên Xô gồm Bộ trưởng Bộ luyện kim đen Ivan Tevosian và 7 Thứ trưởng: Ngoại giao (Vladimir Dacanozov), Nội vụ (Vsevolod Merculov), Ngoại thương (Alecxei Kruticov), Công nghiệp hàng không (Vaxili Balandin và Alecxandr Iacovlev), sĩ quan tuỳ tùng trưởng của Bộ trưởng Quốc phòng (Veniamin Zlobin), Phó cục trưởng thứ nhất Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Hồng quân (Alecxandr Vaxilevxki).
Về phía Đức, đón tiếp khách là đoàn đại biểu đại diện chính phủ, cũng rầm rộ không kém, do Bộ trưởng ngoại giao Ioakhim phon Ribbentrop và Bộ trưởng Nội vụ kiêm Thủ tướng Henrich Himmler dẫn đầu.
Chuyến thăm kéo dài hai ngày – từ 12 đến 14/11/1940. Trong quá trình này người đứng đầu chính phủ và chính sách đối ngoại Liên Xô Viacheslav Molotov đã có các cuộc đàm phán kéo dài với đồng nghiệp người Đức Ioakhim pho Ribbentrop và người đứng đầu nước Đức Adolf Hitler. Sau khi Molotov từ Đức trở về Matxcơva, ngày 25/11 Thủ tướng Liên Xô đã tiếp Đại sứ Đức Phridrikh phon Shulenburg và có câu trả lời cho những sáng kiến phía Đức đưa ra trong quá trình chuyến thăm tới Đức của Molotov.
Thật khó mà đánh giá lại ý nghĩa chuyến thăm này của Molotov, vì chính sau đó – ngày 18/12/1940 - Hitler đã ký “Chỉ thị số 21 Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng vũ trang Đức”. Chỉ thị đã đi vào lịch sử như là kế hoạch “Barbaross” – về việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Liên Xô, mà nó cần được bắt đầu không muộn hơn tháng 5-6/ 1940.
Stalin (phải) và Hitler: ai lừa ai? |
Xung quanh chuyến thăm của Molotov đến Berlin là vô số những phán đoán huyễn hoặc. Phổ biến nhất trong đó là việc các nhà lãnh đạo Liên Xô đã cố ve vãn Hitler và ngồi lên đoàn tàu đang rời đi. Và đề nghị liên minh với Hitler. Giả thuyết khác cho rằng, Stalin và Molotov đầy mánh khoé cố làm Hitler mất cảnh giác trước cuộc tấn công vào nước Đức…
Xung quanh và gần
Lý do chuyến đi của Molotov đến Berlin là bức thư của đồng nghiệp Đức Ribbentrop gửi Stalin ngày 13/10/1940, trong đó người đứng đầu ngành ngoại giao quốc xã ngay từ đầu đã trình bày kỹ càng cách nhìn nhận tình hình thế giới của mình và cuối thư mời Molotov đến Berlin.
Theo lời Ribbentrop, “việc ông đến sẽ tạo cho Hitler khả năng bày tỏ với ngài Molotov những suy nghĩ cá nhân của mình về việc tạo dựng trong tương lai các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta”. Ngày 21/10 Stalin gửi thư phúc đáp tới Ribbentrop và nhận lời cử Molotov tới Berlin.
Và đây mới là vấn đề cần nói! Bắt đầu từ việc mùa xuân- hè năm 1940 tình hình thế giới đã thay đổi mạnh mẽ.
Trước hết, trong tháng 6/1940 Đức đã đánh chiếm nước Pháp, bằng việc đó đã thực hiện xâm chiếm gần như cả Tây Âu, điều đó có nghĩa Đức đã giải quyết xong trên thực tế chương trình chiến tranh của mình ở hướng Tây.
Thứ hai, vào mùa hè, Đức, vi phạm các thoả thuận về biên giới vùng ảnh hưởng của Liên Xô, đã đưa quân vào Phần Lan, dường như để chi viện việc quá cảnh chiến tranh cho các đơn vị đồn trú của Đức ở Đan Mạch và Na Uy.
Thứ ba, Liên Xô buộc phải sáp nhập vào lãnh thổ của mình các nước cộng hoà Baltic nhằm đáp trả lại sự bành trướng của Đức quốc xã.
Thứ tư, Liên Xô bắt đầu trả lại Rumani vùng Bessarabia và Bucovina đã bị mất. Điều đó làm cho nước Đức, vốn đã xác định mưu đồ thôn tính Rumani với Hunggari và Bungari, không hài lòng.
Cứ thế, đến tháng 11/1940 giữa Liên Xô và Đức mâu thuẫn càng thêm chồng chất. Tuy nhiên, khác với bề ngoài tỏ ra thân thiện, giữa Liên Xô và Đức đã diễn ra cuộc chiến âm thầm.
Chỉ trong thời gian ngắn, Hitler đã trở thành thủ tướng Đức, qua đó giúp ông ta hình thành nên Đế chế thứ Ba (Ảnh Thegreateststory) |
Liên Xô thành kẻ chầu rìa?
Ngày 27/9/1940 Đức, Italia và Nhật bản ký kết cái được gọi là “Hiệp ước ba bên”, hình thành “trật tự mới” trên thế giới. Họ dự tính phân chia vùng ảnh hưởng giữa các nước thành viên khi thiết lập lại trật tự thế giới mới và hỗ trợ lẫn nhau trong chiến tranh. Trong hệ thống này Đức và Italia sẽ nhận về mình châu Âu, còn Nhật Bản- châu Á.
Một bức tranh thú vị được hình thành: nước Đức phát xít thực tế đã giành toàn bộ châu Âu, ngoại trừ duy nhất Vương quốc Anh đang kháng cự trên đảo. Nhật Bản đã xâm chiếm phần đáng kể của Trung Quốc. Chỉ còn lại những lãnh địa thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Á. Ngay sau khi ký Hiệp ước ba bên, Nhật đã tiến hành tấn công các lãnh địa của Pháp ở Đông Dương. Và ở đây xuất hiện vấn đề: còn Liên Xô sẽ thế nào? Liên Xô dường như bị ràng buộc bởi những cam kết liên minh với Đức, mặt khác nó nằm ngoài hệ thống này.
Liên Xô thì cho rằng, từng nước tham gia Hiệp ước có quyền có các mối quan hệ riêng của mình với các nước khác. Tuy nhiên, trên thực tế thì Liên Xô đã bị cho ra rìa trong cái gọi là “trật tự thế giới mới” này. Vì vậy việc ký Hiệp ước thoả thuận hữu nghị và biên giới của Liên Xô với Hitler, như đã biết, gây ra tổn thất lớn cho Liên Xô, kể cả danh tiếng.
Toan tính của Stalin
Ban lãnh đạo Liên Xô hiểu rằng cần sử dụng tối đa việc Molotov được mời đến Berlin vào những mục đích của mình. Ngày 9/11/1940 Stalin tiếp Molotov và giao nhiệm vụ đi đàm phán ở Berlin. Về mục đích của chuyến đi, Stalin đã chỉ thị:
“ -Tìm hiểu cặn kẽ những ý đồ thực sự của nước Đức và các thành viên Hiệp ước ba bên trong việc thực hiện kế hoạch thành lập “châu Âu mới” cũng như “không gian Đông Á vĩ đại”; các biên giới của “châu Âu mới” và “không gian Đông Á”; đặc điểm cơ cấu quốc gia và quan hệ của các quốc gia châu Âu riêng biệt trong “châu Âu mới” và trong “không gian Đông Á”; các giai đoạn và thời hạn thực hiện các kế hoạch này và ít nhất là sát thực nhất với chúng; viễn cảnh liên kết của các nước khác với Hiệp ước ba bên; vị trí của Liên Xô trong các kế hoạch này vào thời điểm đó và trong tương lại.
-Chuẩn bị dự thảo ban đầu phạm vi lợi ích của Liên Xô ở châu Âu cũng như ở Cận và Trung Á; thăm dò khả năng thoả thuận điều đó với Đức (cũng như đối với Italia) nhưng không ký bất cứ thoả thuận nào với Đức và Italia ở thời điểm đàm phán này. Ý muốn nói tiếp tục các cuộc đàm phán ở Matxcơva, mà Ribbentrop cần tới đó trong thời gian gần nhất”.
Tiếp theo là những vấn đề cụ thể về quan điểm của Đức đối với quyền lợi của Liên Xô ở Phần Lan, Hunggari, Thổ nhĩ kỳ, Bungari… Một trong những vấn đề mà Molotov cần nêu ra là: “Nói rằng người ta đã thông báo cho chúng tôi về những đề nghị hoà bình của Anh, được đưa ra thông qua Ruzơvelt từ phía Đức. Điều đó có phù hợp với thực tế hay không và câu trả lời như thế nào?”
Bằng cách đó ban lãnh đạo Liên Xô đã đặt ra trước người đối diện Đức của mình những câu hỏi cụ thể có giới hạn. Và căn cứ theo câu trả lời mà đưa ra quyết định về chiến thuật tiếp theo của mình.
Sự nham hiểm của Hitler
Thế là ngày 12/11/1940 Viacheslav Molotov từ nhà ga ở Berlin tới thẳng nơi đàm phán. Người đối thoại đầu tiên của ông ta là Bộ trưởng Ngoại giao quốc xã Ioakhim phon Ribbentrop. Cuộc trò chuyện của họ bắt đầu từ việc Ribbentrop xác nhận rằng sự sụp đổ của đế chế Anh đã rất gần và trong tình hình đang chuyển biến phía Liên Xô có thể tham gia vào việc phân chia các lãnh địa của bằng cách bành trướng về phía vịnh Pecxic và biển A rập. Đáp lại, Molotov đề nghị định rõ biên giới “châu Âu mới” và các vùng ảnh hưởng của Nhật Bản. Người đối thoại của Molotov lảng tránh bằng những lời lẽ chung chung.
Trong ngày đó Molotov đã gặp gỡ Adolf Hitler. Cuộc gặp được bắt đầu từ màn độc thoại tràng giang đại hải của Hitler về tương lai của các dân tộc châu Âu, về cuộc tấn công Anh không tránh khỏi và việc hình thành hệ thống thế giới mới. Để kết thúc, Hitler đề nghị Liên Xô gia nhập Hiệp ước ba bên.
Molotov làm bộ không phản ứng trước lời đề nghị của Hitler và chuyển sang những vấn đề cụ thể về tình hình chính trị ở Đông Âu. Từ miệng vị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô liên tục đưa ra những câu hỏi khó chịu về sứ mệnh quân sự của Đức ở Rumani, họ hướng tới đó bất chấp các thoả thuận mà không hề tư vấn với Matxcơva, về mục đích của việc quân đội Đức có mặt ở Phần Lan, cũng như việc điều quân tới đó mà không có tư vấn. Thoạt đầu Hitler cố lảng tránh bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng sau đó viện cớ do sự thiếu hiểu biết của mình và cần phải làm rõ tình hình.
Cuộc trò chuyện sau đó của vị bộ trưởng Liên Xô và Quốc trưởng Đức quốc xã, theo cách thể hiện độc đáo của phiên dịch viên Liên Xô Valentin Berezhcov, đã biến thành “cuộc đối thoại của hai kẻ điếc”: Molotov đưa ra những câu hỏi cụ thể, còn Hitler lặp lại trong mọi biến thể lời đề nghị Matxcơva tham gia vào việc phân chia “gia tài Anh’. Trong đó Hitler không hề nhắc đến đề nghị cụ thể nào về sự tham gia của Liên Xô.
Ngày đầu tiên đã kết thúc như vậy.
Sang ngày hôm sau, 13/1, nửa ngày đầu Molotov có các cuộc đàm phán với Thống chế hàng không quốc xã Gering, Phó tướng phụ trách Đảng của Hitler Rudolf Gess và Đại sứ Đức Phon Shulenburg. Tiếp theo đó Molotov đi dự sự kiện mà thông báo chính thức có nói tới: “Quốc trưởng và Thủ tướng Đức đã mời chủ tịch Hội đồng dân uỷ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô – ngài Molotov- dùng bữa vào lúc 14 giờ thứ tư ngày 13/11 tại Nhà quốc trưởng và Thủ tướng, đường Vilhelmsh, số 77”.
Tiếp đến là cuộc trò chuyện lần thứ hai với Hitler. Cuộc trò chuyện này kéo dài ba tiếng rưỡi đồng hồ và lại đi vào ngõ cụt: Hitler lại bác bỏ mọi đòi hỏi của Liên Xô và lặp lại các công thức địa chính trị trìu tượng. Cuối cùng dẫn đến đấu khẩu, trong đó điểm đặc biệt là Phần Lan.
Đại diện Liên Xô và Đức bất đồng
Buổi chiều tại đại sứ quán Liên Xô tổ chức tiệc chiêu đãi, nhưng người được mời là Hitler đã không có mặt. Cuộc chiêu đãi bị gián đoạn vì Berlin bị oanh tạc và Ribbentrop đã mời Molotov đến hầm trú ẩn của mình. Tại đây ông ta đã chia sẻ những suy nghĩ “thô thiển”, như ông ta bày tỏ, về cơ cấu thế giới trong tương lai. Ribbentrop nói ngắn gọn rằng, thay vì ký Hiệp ước ba bên, sẽ ký Hiệp ước bốn bên với sự tham gia của Liên Xô, các bên thoả thuận về việc phân chia phạm vi ảnh hưởng, họ cũng không cần ủng hộ các cụm quân được phái đến để chống lại một trong số họ. Hiệp định cần có thời hạn 10 năm.
Cuộc duyệt binh của Hồng quân Liên Xô và sau đó đi thẳng ra mặt trận. |
Ngoài ra, Ribbentrop đề nghị đưa thêm vào Hiệp ước hai biên bản mật. Biên bản thứ nhất về việc phân chia phạm vi ảnh hưởng. Đức nhận Trung Phi, Italia: vùng Đông Bắc và Bắc Phi, Nhật Bản đề nghị lãnh thổ phía nam Mãn châu lý và quần đảo Nhật Bản, còn Liên Xô là vùng xung quanh Ấn Độ Dương.
Biên bản thứ hai: về việc thay Hiệp định Montreo (Convention de Montreux) bằng văn kiện xác nhận sự độc quyền của Liên Xô về việc các tàu chiến của Liên Xô được đi qua tất cả các eo biển.
Molotov đã không có câu trả lời và sáng hôm sau, 14/11, rời về Matxcơva. Câu trả lời được đưa ra trong quá trình cuộc gặp của Molotov với Shulenburg ngày 25/11 với nội dung: Liên Xô đồng ý tham gia vào Hiệp ước ba bên, nếu quân đội Đức rút khỏi Phần Lan, Nhật Bản từ bỏ hợp đồng nhượng tô ở Bắc Xakhalin trên cơ sở đền bù, Liên Xô và Bungari ký hiệp ước và căn cứ hải quân của Liên Xô sẽ được thành lập ở vùng Bosfor và Dardanell, còn về chính vùng ảnh hưởng của Liên Xô được công nhận về phía nam Bacu và Batumi. Dự tính bằng việc này sẽ củng cố mọi thoả thuận bằng các biên bản bí mật. Berlin không có câu trả lời.
Mưu đồ xảo quyệt của Ribbentrop
Phía sau mọi sự kiện này là gì?
Thực tế giới lãnh đạo Đức cố tạo tình huống để cô lập Liên Xô với thế giới với những hậu quả không lường trước được. Nếu như Matxcơva đồng ý gia nhập Hiệp ước ba bên thì Liên Xô sẽ trở thành kẻ thù tự động của Vương quốc Anh với nhiều hậu quả và các lợi tức cổ phần mà nó được nhận rất đáng ngờ. Vùng ảnh hưởng trong khu vực vịnh Pecxic và biển A rập – chỉ là những lời chung chung. Hơn nữa, có thể xảy ra xung đột với chính Anh vì vùng này. Trong đó, Đức sẽ huỷ hoại mọi sáng kiến của Liên Xô về Phần Lan, vốn đã nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô.
“Những suy nghĩ thô thiển” của Ribbentrop, người mà xét theo mọi khía cạnh, là tác giả của mọi mưu kế với việc mời Molotov đến Berlin, trên thực tế là những suy nghĩ xảo quyệt. Dưới hình thức liên minh với Liên Xô là dự định phiêu lưu địa chính trị, trong quá trình đó Liên Xô lập tức rơi vào hàng loạt cuộc xung đột không cần thiết. Còn sự chân thành của các đối tác mới trong liên minh (trước hết là Berlin và Tokyo) là hết sức đáng ngờ.
Có thể đánh giá chuyến thăm tới Đức của Molotov là thất bại hay không? Theo quan điểm chính thức là có. Bởi vì ông ta đã không đạt được những kết quả cụ thể nào ở Berlin. Tuy nhiên, tình hình của chuyến đi này là: lãnh đạo Liên Xô buộc phải lựa chọn phương án ít xấu nhất trong các phương án xấu. Thật là tồi tệ khi tham gia vào các sáng kiến mà Hitler đã nêu ở trên. Nhưng cũng không kém phần tồi tệ là phương án từ chối thẳng thừng và cương quyết. Vì khi đó xung đột Xô –Đức sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức.
Phía Liên Xô tuân thủ mọi hình thức “từ chối lịch sự”: đầu tiên đặt câu hỏi về việc thực thi những thoả thuận đã được ký kết, sau đó yêu cầu làm rõ và chi tiết những sáng kiến mới của Đức. Về tính chất các câu trả lời phải hiểu rằng, Xô- Đức tuyệt giao, như một hệ quả, xung đột quân sự là điều không tránh khỏi. Chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cần thừa nhận rằng lãnh đạo Liên Xô đã không tận dụng hợp lý thời gian trước cuộc tấn công của Đức quốc xã. Tuy nhiên, không nên tô vẽ Molotov như một người đến thời điểm cuối cùng vẫn cố ru ngủ Hitler. Cũng như không nên miêu tả trong câu chuyện này “nhà ngoại giao của quốc trưởng” Ribbentrop là “cánh chim hoà bình”. Việc phân vai trong “vở kịch” lịch sử này rất rõ ràng và không cần ai tạo thêm huyền thoại.
(Theo Tuyệt mật)