Ba mươi năm trước, ngày 27/7/1990, luận cương cơ bản của chương trình cải cách kinh tế “500 ngày” đã được công bố. Những nhà soạn thảo chính của nó được cho là: Trưởng phòng kinh tế tổng hợp Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Grigory Yavlinsky, Chủ nhiệm bộ môn của Trung tâm khoa học tự động hoá, nghiên cứu phân tích và giá cả thuộc Viện nghiên cứu khoa học Uỷ ban định giá quốc gia Liên Xô Alecxei Mikhalov và cán bộ khoa học Viện kinh tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô Mikhail Zadornov.
Dù vấn đề bản quyền có phức tạp hơn. Tuy nhiên, Iavlinxki chỉ trong 13 ngày trước đó (ngày 14/7) đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga (RSFSR) và chủ tịch Uỷ ban cải cách kinh tế quốc gia.
3 nguyên tắc, 4 giai đoạn
Luận cương cơ bản của chương trình nêu rõ rằng mọi rủi ro của nền kinh tế Liên Xô là kết quả của việc kế hoạch hoá. Nó cần được thay đổi. Chương trình cũng đưa ra ba nguyên tắc thực hiện cải cách:
-Thứ nhất- đổi mới. Thật ra, khác với mô hình Gaiđar- Chubais liền sau đó, đổi mới các ngành chiến lược được dự tính ở dạng nhẹ nhàng hơn.
-Thứ hai- phân quyền. Từ chối hoàn toàn kế hoạch có lợi cho thị trường.
-Thứ ba- chống độc quyền. Được hiểu là huỷ bỏ các bộ chuyên ngành.
Dự định thực hiện chúng qua 4 giai đoạn:
-Giai đoạn 1: (100 ngày) dự định áp dụng luật pháp phù hợp, đổi mới tổ hợp nhà ở, ngành thương mại, ăn uống công cộng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ sinh hoạt, chuyển tất cả các doanh nghiệp của đất nước sang hình thức công ty cổ phần.
-Giai đoạn 2: (100 đến 250 ngày) tự do giá cả và áp dụng giới hạn tài chính.
-Giai đoạn 3: (250 đến 400 ngày) thay đổi hoàn toàn điều khoản công trái đồng rúp và thả nổi thị trường tài chính.
-Giai đoạn 4: (400 đến 500 ngày) đự tính nền kinh tế sẽ ổn định và cơ sở để phát triển kinh tế lâu dài sẽ được đặt nền móng.
Grigory Yavlinsky-Tác giả Chương trình cải cách 500 ngày. |
Tóm lại, con đường mà phương Tây đã trải qua (con đường thị trường) trong khoảng 500 năm được trù định trải qua trong 500 ngày. Điều thú vị đặc biệt trong chương trình này: cải cách thị trường được dự tính thực hiện từng phần bằng các biện pháp “chủ nghĩa cộng sản thời chiến”. Như vậy, vấn đề giảm bớt khối lượng tiền tệ đã được giải quyết bằng cách áp dụng việc trao đổi hiện vật giữa các doanh nghiệp.
Sự ra đời của siêu kế hoạch
Năm 1989 các nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu hiểu ra rằng nền kinh tế Xô Viết không chỉ lâm vào khủng hoảng, mà nó còn xấu đi một cách trầm trọng. Vì vậy cần loại bỏ hình thức quản lý kinh tế “kiểu Liên Xô”.
Nền kinh tế Xô Viết dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Côxưghin vốn đã đầy khiếm khuyết lại bị giáng thêm một đòn chí tử bằng những cải cách không được suy tính thấu đáo cuối những năm 80 của thế kỷ XX.
Đó là phong trào hợp tác hóa, vốn không phải là chất xúc tác để thúc đẩy phát triển kinh tế, mà trên thực tế đó là cơ chế chuyển vốn và nguyên liệu ra khỏi Liên Xô. Công thêm với việc chủ trương cải cách chính trị được bắt đầu song song với cải cách kinh tế đã làm tiêu tan hoàn toàn mọi thứ.
Tháng 9/1989, một cán bộ khoa học trẻ tên là Grigory Yavlinsky, người từng say mê nghiên cứu kinh nghiệm các cuộc cải cách của Leshec Balserovich (Ba lan) đã được bổ nhiệm vào bộ máy Uỷ ban Cải cách kinh tế thuộc Hội đồng bộ trưởng Liên Xô.
Tháng 2/1990, khi mà Gorbachev bắt đầu áp dụng mô hình quản lý đất nước- Tổng thống Liên Xô, thì phát sinh cần có chương trình kinh tế của Tổng thống. Một trong những người được lựa chọn để trở thành tác giả của chương trình này là Grigory Yavlinsky. Ông ta đã kéo cả Mikhalov và Zadornov vào việc viết chương trình này. Kết quả là một chương trình được gọi là “400 ngày” ra đời; trong đó dự tính cả những gì cốt yếu của chương trình “500 ngày” sau đó, nhưng gồm ba giai đoạn.
Tháng 3/1990 Thủ tướng Nicolai Rưzhcov cần phát biểu tại Hội đồng Tổng thống vừa được thành lập và Iavlinxki đã trao cho ông tài liệu do mình chuẩn bị. Nhưng, trong quá trình thảo luận, Rưzhcov đã bị phá đám. Sau vụ đó, chính Rưzhcov đã phá đám lại Grigory Yavlinsky. Thế là bắt đầu các cuộc hội thảo kéo dài, và trong tháng 5/1990 Xô Viết tối cao Liên Xô đã ra nghị quyết buộc Hội đồng bộ trưởng Liên Xô chuẩn bị khái niệm chuyển sang kinh tế thị trường trước ngày 1/9/1990.
Một điều gì đó thú vị đã xảy ra. Chương trình “400 ngày” của Yavlinsky bắt đầu “chu du” khắp các phòng, ban. Bản thân Yavlinsky đã không giữ bí mật văn bản và đưa mọi người đọc. Và ai đó đã copy lại các văn bản của chương trình và lan truyền ra bên ngoài.
Đến thời điểm này lại phát sinh thêm tình tiết nữa. Trong tháng 5-6/1990 Đại hội đại biểu nhân dân RSFSR bầu Boris Elsin làm người đứng đầu Xô Viết tối cao Nga và thông qua “Tuyên bố về chủ quyền quốc gia của RSFSR”. Lúc này Elsin cần gấp chương trình kinh tế nào đó, đặc biệt là cần một ê kíp chính phủ mới.
Người được kỳ vọng chính vào vị trí Thủ tướng Nga là lãnh đạo tập đoàn “Butec” Mikhail Bocharov. Tuy nhiên, trở thành Thủ tướng lại là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Ivan Silaev. Nhưng Bocharov đã kịp gây ra một phi vụ phức tạp. Là ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng, ông ta cũng cần có chương trình. Và ông ta bắt đầu thuyết phục Elsin và các đại biểu rằng ông ta có chương trình như vậy. Chương trình này dự tính chuyển sang kinh tế thị trường trong vòng 500 ngày. Trên thực tế, đây chính là chương trình của Grigory Yavlinsky đã được Bocharov biến tấu.
Hoàn toàn dễ hiểu khi việc làm này đã khiến Yavlinsky nổi giận. Ông và Iasin đòi Boris Elsin phải giải thích. Đáp lại, Boris Elsin đã đề nghị Grigory Yavlinsky trở thành Phó thủ tướng, chủ tịch Uỷ ban cải cách kinh tế quốc gia. Còn Iasin chẳng nhận được gì.
Elsin và Gorbachev
Phía Gorbachev cũng tích cực hoạt động đáp lại. Trong cỗ máy của Tổng thống Liên Xô mọi người đều hiểu chương trình chuyển sang kinh tế thị trường được chuẩn bị riêng của Nga không chỉ là phỗng tay trên quyền chủ động của các cơ quan quyền lực Liên Bang, mà còn là bước phá vỡ liên kết của Liên Xô. Gorbachev và các đồng chí của mình thấy một lối ra duy nhất trong tình huống này: đề nghị Elsin cùng kiện toàn chương trình chuyển sang thị trường.
B. Elsin (phải) và M. Gorbachev |
Hơn nữa, chính Yavlinsky cũng không chống lại phương án này. Trong khi trò chuyện với Elsin, Yavlinsky nói rằng khai thác chương trình của ông ta chỉ trong phạm vi RSFSR là vô nghĩa. Cuộc trò chuyện diễn ra vào trung tuần tháng 7/1990 trong thời gian Elsin nghỉ phép ở Iurmala.
Ngày 27/7/1990 Gorbachev, Elsin và hai Thủ tướng Nicolai Rưzhcov và Ivan Silaev đã ký Hiệp định Nga- Liên bang về việc thành lập chương trình kinh tế chung. Mỗi thành viên tham gia hiệp định này có các kế hoạch cho tương lai của mình. Gorbachev cho rằng ông ta đã khoá chặt được Elsin trong phạm vi các thoả thuận. Còn Elsin lại có kế hoạch của mình: ông cho rằng có thể đòi Gorbachev bổ nhiệm người của mình vào các chức vụ then chốt của chính phủ Liên bang. Nếu việc này được giải quyết, thì lúc đó ông ta sẽ thâu tóm Hội đồng bộ trưởng Liên bang, Còn nếu không xong, ông ta sẽ có cớ buộc tội Gorbachev phá vỡ thoả thuận và đi theo con đường chủ quyền hoá.
Ngày 2/8/1990 Gorbachev ký sắc lệnh “Về việc chuẩn bị chuyển sang KTTT của Liên bang như các cơ sở của hiệp ước Liên bang”, theo đó thành lập nhóm công tác và nhiệm vụ của nó là soạn thảo chương trình trước ngày 1/9.
Thật khôi hài: làm sao có thể soạn thảo một chương trình phức tạp nhất cho một đất nước phức tạp nhất như Liên Xô trong vòng chưa đến một tháng!
Nhóm công tác gồm các thành viên trong Ban cố vấn kinh tế thân cận với Gorbachev (như Xtanislav Shatalin) và các chuyên viên của hai Hội đồng bộ trưởng – Liên Xô và Nga. Các lãnh đạo thực sự của nhóm là Xtanislav Shatalin và Grigory Yavlinsky. Tổng thống Liên Xô và Chủ tịch Xô Viết Tối cao RSFSR sẽ kiểm soát hoạt động của nhóm. Còn Thủ tướng Liên bang Nicolai Rưzhcov hoá ra chẳng có vai trò gì.
Ngay từ ngày 4/7 Xô viết tối cao đã giao cho Hội đồng bộ trưởng Liên Xô trình chương trình chuyển sang thị trường vào ngày 1/9. Chịu trách nhiệm cho việc này là Phó thủ tướng chính phủ Liên bang và chủ tịch Uỷ ban cải cách kinh tế quốc gia Leonid Abalkin. Về mặt hình thức, ông này thuộc Uỷ ban của Shatalin- Iavlinxki. Song thực tế đã xuất hiện sự cạnh tranh của hai chương trình này.
Tới thời điểm đó Elsin và Gorbachev rất không hài lòng với Rưzhcov. Từ thời còn ở Xverdlovxcơ Elsin đã không chịu được Rưzhcov. Còn Gorbachev rất đề phòng vị Thủ tướng này khi trong tháng 3/1990 ông bỗng nhận ra rằng Rưzhcov có thể là phương án thay thế mình.
Rốt cuộc, cả tháng 8/1990 trôi qua trong cuộc đấu đá nội bộ giữa hai nhóm công tác Shatalin- Iavlinxki và Abalkin. Những âm hưởng của cuộc chiến này vọng đến tận dinh Tổng thống ở Phoros, nơi Gorbachev đang nghỉ ngơi. Và ở đó, ngày 19/8, Gorbachev đã thông qua một quyết định chiến lược: ông ta giao cho Alecxandr Iacovlev soạn thảo dự án Văn phòng Bộ trưởng trực thuộc Tổng thống thay cho Hội đồng bộ trưởng độc lập của Liên Xô. Hai ngày sau, 21/8, trong thời gian cuộc gặp của Gorbachev sau khi đi nghỉ về, Rưzhcov đã có cuộc luận chiến với các thành viên của nhóm Shatalin-Yavlinsky.
Ngày 22/8/1990 Gorbachev có cuộc gặp kéo dài 5 tiếng đồng hồ với các thành viên nhóm Shatalin. Ngày 23/8 ông ta có cuộc gặp với Rưzhcov. Còn ngày 30-31/8 diễn ra cuộc họp mở rộng của Hội đồng Tổng thống và Hội đồng Liên bang, tại đây xung đột của hai đội Rưzhcov – Abalkin và Shatalin- Yavlinsky đã bộc lộ công khai.
Vợ chồng M. Gorbachev. |
Ngày 4/9 tại phiên họp ở điện Cremli Gorbachev đã nghe hai chương trình của Abalkin và Yavlinsky. Đây là cuộc tranh luận công khai. Khi kết thúc phiên họp Gorbachev tuyên bố giao cho viện sĩ Abel Aganbegian (không thuộc nhóm Abalkin cũng chẳng thuộc nhóm Grigory Yavlinsky) tập trung những người biên soạn chương trình và làm một tài liệu chung. Thông qua quyết định không thảo luận gì ở Xô Viết tối cao liên bang và Nga trước khi có văn bản của Aganbegian.
Tuy nhiên, ngày 10/9 nghị viện Nga bắt đầu thảo luận chương trình của Shatalin và Yavlinsky. Ngày 11/9 nghị viện phê chuẩn chương trình này và gửi nó cho các đồng nghiệp liên bang của mình. Còn Gorbachev đã gặp gỡ với đồng nghiệp Mỹ George Buhs (cha) ở Phần Lan.
Grigory Yavlinsky (phải) tại Duma quốc gia Nga |
Ngày 10-11/9 Xô viết Tối cao Liên xô họp. Chiều ngày 10/9 Thủ tướng Rưzhcov đã gửi đến nghị viện liên bang chương trình của mình, bởi các đồng nghiệp Nga đã vi phạm thoả thuận.
Ngày 21/9 Gorbachev có bước đi cao tay: ông tuyên bố tại kỳ họp Xô viết Tối cao rằng cần phải chuẩn bị chương trình trên cơ sở:
a-chương trình của Shatalin- Yavlinsky.
b-chương trình của Abalkin
c-lấy phương án dung hoà do Aganbegian chuẩn bị.
Có nghĩa trên thực tế Gorbachev đã chôn vùi dự án của Grigory Yavlinsky. Tại một trong những hội nghị về chương trình mới, cuộc tranh luận không nói đến nội dung, mà bàn đến số lượng trang mà nó được trình bày.
Ngày 9/10 Xô viết Tối cao RSFSR thông qua nghị quyết rằng “500 ngày” và coi đây là con đường duy nhất để cứu đất nước, và nếu chính quyền Liên bang không ủng hộ thì Nga sẽ tự thực hiện nó.
Tuy nhiên, ngày 17/10 tác giả của “siêu dự án” Grigory Yavlinsky nộp đơn xin nghỉ hưu. Đơn của ông nằm bất động đến tận tháng 11 và được ký vào ngày 21/11/1990.
Phần kết
Nhờ trò chơi “500 ngày”, hai trung tâm quyền lực (Liên bang và Nga) đã đạt được các mục đích chiến thuật của mình. Elsin có thể cho thấy bộ tham mưu của ông ta đã có các ý tưởng đột phá trong lĩnh vực kinh tế, nhờ đó ông ta thậm chí sẵn sàng hợp tác với Gorbachev. Và thật sự đạt được mục tiêu chính của mình: Elsin phô trương rằng có vẻ như cần tiếp tục đi theo con đường chủ quyền của RSFSR, bởi Gorbachev là người không có khả năng thoả thuận.
Gorbachev không có khả năng làm rối những thoả thuận của Elsin, nhưng ông ta biết sử dụng người đứng đầu mới xuất hiện của Nga và Grigory Yavlinsky như là chiếc búa đập chống lại thủ tướng Rưzhcov, người trở thành người phản biện của ông ta.
Việc từ bỏ “500 ngày” gây ra sự đối đầu công khai của cánh bảo thủ và cánh tự do của những người vây quanh Gorbachev. Để tháo gỡ sự đối vị này, ngày 17/11 Gorbachev tuyên bố giải thể Hội đồng Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng Liên xô, thay vào đó thành lập Hội đồng An ninh dân tộc và Văn phòng Bộ trưởng trực thuộc Tổng thống. Cũng vào ngày đó, Leonid Abalkin tuyên bố mong muốn được rời khỏi chính phủ Liên bang của mình
Về mọi khả năng, cả Gorbachev, cả Elsin đều không có ý định sử dụng nghiêm túc “500 ngày” với tính chất là chương trình kinh tế. Mục đích của họ là cái khác: cả hai người họ đều muốn đạt được mục đích chính trị nhanh chóng của mình và chơi lại nhau.
Có vẻ Gorbachev và Elsin hiểu rõ toàn bộ bản chất phá hoại của chương trình này. Trong đó Elsin lo ngại sức công phá của “500 ngày” hơn Gorbachev. Khác với Tổng thống Liên bang, Elsin là ngôi sao chính trị đang lên, ông ta sợ mất hết hình ảnh. Dường như trong một cuộc đối thoại với một trong những thượng nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ thuộc đảng cộng hoà, Elsin đã hỏi: việc thực hiện chương trình “500 ngày” liệu có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai chính trị của ông ta hay không. Thượng nghị sĩ đã trả lời: có. Lúc đó Elsin nói rằng sẽ không thực hiện chương trình cho đến khi ông ta được bầu làm Tổng thống nước Nga.
Liên quan đến Grigory Yavlinsky, những sự kiện này không làm cho ông thành “tác giả của cải cách thị trường”, nhưng đã biến ông thành nhân vật lâu năm của sân khấu chính trị, người tồn tại trên sân khấu đó đến tận bây giờ. Và cho dù hiện nay vị trí của ông trên sân khấu này rất khiêm tốn, nhưng ở thời quá khứ ông đã là một trong những nhân vật trung tâm và có bản sắc.
Nhìn chung, toàn bộ câu chuyện này nhắc nhớ đến “câu chuyện tiếu lâm tồi tệ”, nếu sử dụng thuật ngữ cổ điển Nga. Một cán bộ khoa học nào đó nhận được hàng loạt cương vị, sáng tác một chương trình chuyển sang KTTT không tưởng. Chương trình này ngay lập tức trở thành một phần của cuộc chiến nội bộ.
Sau đó văn bản của chương trình bị đánh cắp, khi được làm sáng tỏ, thì tác giả chương trình lại được đề nghị vị trí cao trong bộ máy chính quyền với tính chất bồi thường. Chương trình, tất nhiên, đã không được thực hiện, mà thậm chí còn không được phê chuẩn. Thế nhưng, tác giả của nó lại được biến thành một chính khách và tham gia nhiều lần vào cuộc chạy đua Tổng thống.
Tấn trò hề này đã diễn ra trước mắt toàn xã hội. Và xã hội có thể nghiêm túc làm theo trò hề đó. Có thể nói rằng xã hội đã không được thông tin về nguyên nhân thầm kín đích thực của sự kiện. Tuy nhiên, mọi điều đó lại xảy ra vào thời kỳ công khai vô tiền khoáng hậu.
Ngoài ra, chỉ cần có một chút kiến thức kinh tế tối thiểu cũng đủ để hiểu rằng chương trình do Grigory Yavlinsky đưa ra là phi thực tế. Hơn nữa lại với thời gian hết sức eo hẹp. Xã hội thấy hết điều đó và không thể không hiểu. Tuy nhiên họ xem hết cuộc trình diễn này một cách nghiêm túc.
Kết cục của tình huống này mọi người đều rõ. Nhưng nước Nga đang bứơc vào giai đoạn rất giống như cải tổ. Muốn hy vọng rằng lịch sử sẽ không lặp lại.
(Theo Tuyệt mật)