Không một ai đứng ra bảo vệ Liên Xô
Năm 1991 Liên Xô- một siêu cường thế giới, nước từng chiến thắng cuộc trong Thế chiến thứ hai, cứu nhân loại ra khỏi thảm họa Phát xít; đồng sáng lập Liên Hiệp Quốc; quốc gia đầu tiên đưa người vào vũ trụ và giữ vững vị thế đứng đầu trong lĩnh vực vũ trụ học cho đến tận khi bị tan rã, cường quốc hạt nhân, chiếm 1/6 diện tích địa cầu, đã bị sụp đổ.
Người ta đã thủ tiêu Liên Xô một cách đơn giản và thường nhật- đuổi tổng thống Liên Xô ra khỏi điện Cremli, hạ quốc kỳ, gỡ quốc huy, giải tán hàng triệu đảng viên cộng sản, ký ở đâu đó tận Belovezh xa xôi một mớ giấy lộn về huỷ bỏ …Và thế là xong!
Đã không một ai đứng lên bảo vệ Liên Xô, không một ai thậm chí thử làm điều gì đấy để cứu lấy quốc gia này- không một quân đội với 5 triệu người, không đảng cộng sản trong đó có gần 20 triệu đảng viên, không cả ngành an ninh hùng hậu mà cách đó không lâu cả thế giới phải nể sợ - không có ai! Trong 250 triệu dân không tìm được một nhóm người, một tổ chức đáng kể nào cố ngăn chặn quá trình thủ tiêu Liên Xô.
Mà không, đã có một nhóm người được gọi là Uỷ ban tình trạng khẩn cấp quốc gia (GKChP), mà hành động của họ đi vào lịch sử như một cuộc bạo động, trên thực tế đã thử ngăn chặn quá trình phá huỷ Liên Xô. Tuy nhiên, sự cố gắng này lại yếu ớt và không rành mạch đến nỗi không ai hiểu và đánh giá đúng nó. Điều chủ yếu nhất là ý đồ này đã không nhận được sự ủng hộ và tán đồng của xã hội, quân đội và đảng, vì thế nó thất bại. Và khi các thành viên GKChP bị bắt, không ai đứng ra bảo vệ họ, không ai tỉnh ngộ ra, không có một cố gắng nào để cứu lấy Liên Xô. Dù việc của họ có vô dụng cũng buộc người ta phải suy nghĩ nghiêm túc về những gì đang diễn ra và đứng lên bảo vệ đất nước.
Người dân Litva (nước thành viên của Liên Xô) tụ tập ở thủ đô Vilnius vào ngày 12/1/1990 để đòi tách khỏi Liên Xô. Litva là nước cộng hòa Xô viết đầu tiên tuyên bố độc lập. Ảnh: Getty. |
Tại sao lại như thế?
Có ý kiến lan truyền rộng rãi rằng nhân dân không đứng lên bảo vệ Liên Xô bởi họ không hiểu rõ tình hình và bị giới lãnh đạo đất nước lừa dối, còn quân đội không đứng lên bảo vệ quốc gia vì không có lệnh từ trên và đó là quá trình nội chính, còn công việc của quân nhân là chiến đấu chống kẻ thù từ bên ngoài.
Nhưng thực tế đó chỉ là biện bạch.
Lịch sử từng biết đến nhiều trường hợp, vào thời điểm nguy kịch của đất nước, là quân nhân hay dân thường cũng phải đứng lên bảo vệ tổ quốc, không cần chờ mệnh lệnh và đôi khi phải huỷ bỏ mệnh lệnh trực tiêp từ chi huy, nếu cho rằng mệnh lệnh đó không đúng và sẽ dẫn đến thất bại. Thậm chí nếu khái niệm này là mệnh lệnh có lỗi rõ ràng thì cán bộ chiến sĩ có quyền không đếm xỉa. Còn có một khái niệm khác: bất động đáng chê.
Bởi thế, không có lệnh không phải là biện minh cho tình trạng bất động, nếu nó dẫn đến huỷ hoại đất nước, mà cán bộ chiến sĩ đã thề bảo vệ nó.
Điều này liên quan đến các đảng viên cộng sản và tất cả công dân Liên Xô nói chung. Không có lệnh từ trên – không phải là sự thật.
Lấy ví dụ. Khi Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu, hàng triệu công dân Xô Viết đã ghi tên tình nguyện ra mặt trận mà không chờ đến mệnh lệnh. Những thanh niên chưa đủ 18 tuổi đã khai tăng lên một năm để được nhập ngũ, về thực chất, họ nói dối vì muốn đứng lên bảo vệ đất nước của mình. Khi công dân thấy đất nước lầm nguy và muốn đứng lên bảo vệ nó, họ không cần chờ mệnh lệnh và chỉ thị từ cấp trên mà tình nguyện ra đi bảo vệ tổ quốc.
Rồi có những thương binh chưa lành bệnh vẫn trốn khỏi quân y viện để được trở lại mặt trận đứng vào hàng ngũ đánh quân thù – họ làm thế khi không có lệnh và trái với ý kiến của bác sĩ. Hẳn bạn còn nhớ một Maresiev bị mất cả hai chân và theo mọi qui chuẩn không còn thích hợp để bay nữa, nhưng ước muốn quay lại đội ngũ của anh vĩ đại đến nỗi anh đã đạt được việc trở lại bay và bay với đôi chân giả.
Tất cả những tấm gương trên chứng mình tính đúng đắn của chân lý cổ xưa: khi có ước muốn - bạn sẽ có hàng nghìn khả năng.
Có thể dẫn thêm ví dụ nữa: các du kích đã xuất hiện ở hậu phương của kẻ thù mà chẳng có mệnh lệnh nào. Chẳng có lệnh nào đòi hỏi những người phụ nữ, trẻ con và các cụ già ở hậu phương của kẻ thù đánh bọn phát xít: họ đã làm điều đó một cách tự nguyện, bởi họ cho đó là nghĩa vụ của mình.
Mít tinh ủng hộ đường lối cải cách của Tổng thống Nga B.N.Eltxin năm 1992. Ảnh: BTCMVN. |
Có biết bao trường hợp khi chỉ huy phân đội không có liên lạc với bộ tham mưu, đã ra các quyết định độc lập? Không tính hết được! Đã có trường hợp người chỉ huy không đồng tình với quyết định của cấp trên, đã hành động theo ý mình. Chẳng hạn, ngay trước khi Leningrad bị phong toả, Xtalin đã ra lệnh cho nổ tung các chiến hạm của hạm đội Baltic, để chúng không rơi vào tay kẻ thù. Song, chỉ huy hạm đội đã không thực hiện mệnh lệnh này, bởi ông cho rằng có đủ khả năng bảo vệ tàu và chúng đã không bị phá nổ.
Tại sao năm 1941 công dân Liên Xô tình nguyện ra trận, còn trong năm 1991 không ai trong số 250 triệu dân, gần 20 triệu đảng viên và 5 triệu cán bộ chiến sĩ quân đội Xô Viết đứng lên bảo vệ Liên Xô?
Có thể, vấn đề nằm ở chỗ năm 1991 đã không có kẻ thù từ bên ngoài? Nhưng, xin phép, chẳng lẽ NATO đã giải tán và chiến tranh lạnh đã kết thúc? Chẳng lẽ Mỹ đã trở thành bạn của người Nga?
Từ những sự kiện gần đây ta thấy rằng, chiến tranh lạnh năm 1991 vẫn chưa kết thúc và Mỹ không trở thành bạn của chúng ta, NATO vẫn chưa kết thúc sự tồn tại của mình. Còn việc thủ tiêu Liên Xô đã dẫn tới việc chiếm lĩnh không gian hậu Xô Viết về chính trị, kinh tế và thậm chí có nơi cả quân sự bởi những đối thủ địa chính trị của người Nga.
Tất nhiên có thể nói rằng những người dân thường trong năm 1991 không thấy rõ điều đó và cảm thấy rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc, còn Mỹ sẽ là bạn của họ. Vâng, quan niệm đó, vào thời gian đó, đã tồn tại và khá phổ biến. Nhưng điều đó chỉ giải thích hành vi của những người dân thường chứ không phải của tất cả.
Các đảng viên cộng sản cần phải hiểu giao hữu với phương Tây sẽ dẫn tới cái gì và việc chuyển từ chủ nghĩa xã hội sang hệ thống tư bản đã bắt đầu khá lâu trước năm 1991. Thậm chí nếu chú ý sẽ thấy số lượng đảng viên đã bị khai khống lên và nhiều kẻ xu thời đã ghi danh vào đảng – phần nào trong số 20 triệu người đã mang thẻ đảng ấy dù sao cũng phải hiểu rõ sự việc xảy ra khá lâu trước các sự kiện tháng 8 và tháng 12 năm 1991.
Còn trong quân đội Xô Viết có bao nhiêu cán bộ chính trị, những người theo nghĩa vụ công vụ cần được định hướng trong cả hoàn cảnh chính trị cũng như chiến sự. Đó là nghĩa vụ của họ, là trách nhiệm trực tiếp của họ: nắm bắt tình hình chính trị và giải thích rõ cho cán bộ chiến sĩ đồng đội của họ.
Cả bộ tham mưu và KGB - ở đó không chỉ cần hiểu rõ tình hình chính trị và quân sự, ở đó cần tính toán những bước đi tiếp theo – đó cũng là trách nhiệm trực tiếp của họ, là nghĩa vụ phụng sự.
Bởi vậy, bàn cãi về việc Boris Elsin đến cùng một nhóm chiến hữu và đánh lừa tất cả một cách điệu nghệ chỉ trong đôi ngày tháng 8 và sau đó là đôi ngày tháng 12/19991- tất cả chỉ là "cái được gọi là" các cuộc đối thoại có lợi cho người nghèo.
Xuất phát từ giả thuyết rằng Liên Xô bị thủ tiêu hoàn toàn do bị lừa dối, kết quả cho thấy: tất cả 250 triệu dân- trong đó khoảng 100 triệu đã học xong môn chủ nghĩa Mac- Lê nin, từ 10 triệu đến 20 triệu đạt thành tích xuất sắc- đã không hiểu gì; 20 triệu đảng viên cộng sản không hiểu gì, vài nghìn cán bộ chính trị không hiểu gì nốt và thậm chí Bộ tổng tham mưu và KGB cũng không hiểu gì, thế là sao?
Phần lớn mọi người hiểu rõ mọi việc sẽ đi đến đâu – cả trong dân, cả trong quân nhân, cả trong đảng viên và đặc biệt trong nhân viên KGB và quân nhân của Bộ tổng tham mưu. Họ hiểu và có mong muốn có thể chia sẻ những hiểu biết của mình với những người còn lại. Có một số người thậm chí có thể chặn đứng hành động của Elsin và một số cộng sự của ông ta, bởi làm việc đó không quá phức tạp.
Tháng 8/1991, ngay trước khi nổ ra chính biến, gần nhà của Boris Elsin có khi thì đơn vị đặc biệt phản ứng nhanh (SOBR), khi thì phân đội đặc nhiệm khác bảo vệ. Họ có thể bắt giữ Elsin một cách đơn giản và dễ dàng, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Trong tháng 12/1991 một trong những người tham gia hội nghị Belovezh đã tung ra một câu đại ý: “chỉ một quả tên lửa có thể vùi lấp tất cả chúng ta ở đây”. Và đó là sự thật. Có thể chôn vùi tất cả họ bằng một quả tên lửa. Nhưng việc đó cũng không được thực hiện.
Không một ai bắt giữ Elsin, không một ai phóng tên lửa vào những kẻ tham gia hội nghị Belovezh, không một ai chặn đứng đường đi của họ, không một ai báo động đơn vị của mình khi những người dân chủ hạ quốc kỳ Liên Xô.
Không có lệnh ư? Elsin cũng không ra lệnh tiến hành biểu tình và thủ tiêu Liên Xô. Ông ta cùng các chiến hữu của mình đã hành động khi không có lệnh từ trên, mà là chủ động. Còn những người đứng về phía Liên Xô sao cũng không chủ động bắt giữ Elsin và các cộng sự của ông ta?
Elsin thấy cần bắt giữ các thành viên GKChP, còn những người ủng hộ Liên Xô sao không thấy cần phải bắt Elsin và giành chính quyền vào tay mình.
Tại cuộc mit tinh của Elsin có gần một triệu người mà không có ai bị cưỡng bức tới đó. Còn mít tinh phản đối Elsin để bảo vệ Liên Xô thì nhìn chung không có, dù chỉ riêng ở Matxcơva cũng đã có gần triệu đảng viên cộng sản, những người có trách nhiệm phải xuống đường để bảo vệ Liên Xô. Nhưng đã không làm thế.
Không một tỉnh nào, không một nước cộng hoà nào từ chối hạ quốc kỳ Liên Xô và tuyên bố không thừa nhận việc Liên Xô sụp đổ. Nhưng họ cũng đã không làm.
Mọi đơn vị quân đội, mọi cơ quan ban ngành đều thừa nhận sự sụp đổ của Liên Xô.
Còn nhớ, trong năm 2014 khi ở Kiev xảy ra chính biến, Donbass đã không thừa nhận nó, đã khước từ sống chung với chính quyền mới của Ucraina. Và tuyên bố độc lập. Và cũng chiến đấu vì độc lập. Donbass không thừa nhận sự thay đổi quyền lực ở Kiev năm 2014.
Crưm cũng không công nhận việc thay đổi chính quyền.
Kharcov ban đầu cũng không muốn thừa nhận chính quyền Ucraina mới.
Còn chính quyền chống Liên Xô năm 1991 lại được tất cả các nước cộng hoà Xô Viết và tất cả các vùng của Liên bang Xô Nga, mọi đơn vị quân đội, các cơ quan ban ngành và thậm chí tất cả các phân nhánh đảng cộng sản Liên Xô, mà sau này ngoan ngoãn trở thành các phân nhánh của đảng cộng sản Nga, cũng nhất trí không chỉ với việc thủ tiêu Liên Xô, mà với cả việc loại bỏ đảng của Lê Nin.
Xe tăng Liên Xô đỗ gần một lối vào điện Kremlin trên quảng trường Đỏ sau khi xảy ra vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev vào ngày 19/8/1991. Cuộc đảo chính vấp phải sự kháng cự của Boris Yeltsin, khi đó là lãnh đạo của nước cộng hòa Xô viết Nga. Ảnh: AFP. |
Đâu mới thực sự là nguyên nhân?
Năm 1991 tinh thần dân chủ và công khai chống Liên Xô chiếm ưu thế, số nhà dân chủ và chống Liên Xô là những người tích cực hơn cả - họ là những người đầu tiên chạy đến cuộc mít tinh của Elsin và bắt đầu vẫy cờ ba màu, phỉ báng chính quyền Xô Viết, tán dương viễn cảnh của việc chuyển sang hệ thống phương Tây, còn những người khác thì câm nín và thụ động chờ đợi khi Liên Xô sụp đổ và cuộc sống “OK ở châu Âu” sẽ đến.
Trong năm 1991 số nhà dân chủ và chống Liên Xô chiếm không chỉ phần lớn, mà còn là phần lớn áp đảo, trong đó không chỉ trong dân thường, mà còn trong số các đảng viên, các quân nhân, các cán bộ chính trị và các nhân viên KGB.
Phần lớn đảng viên, đoàn viên ,cán bộ chính trị, nhân viên KGB, các sĩ quan và tướng lĩnh trong năm 1991 đều là người chống Liên Xô. Họ không muốn bảo vệ và giữ gìn Liên Xô, mà ngược lại, chờ đợi sự sụp đổ nhanh chóng của nó và quá độ từ hệ thống xã hội chủ nghĩa sang dân chủ tư sản.
Chẳng phải chỉ giới lãnh đạo chóp bu mới như vậy. Cả xã hội năm 1991 đều như vậy. Trong toàn xã hội tư tưởng dân chủ và chống Liên Xô chiếm ưu thế, chỉ đơn giản không phải tất cả đều phô bày công khai mà thôi.
Trong tình trạng năm 1991 chính quyền Xô Viết đã bị mất uy tín, thậm chí không còn là Xô Viết nữa –quá trình biến chính quyền Xô Viết thành chống Xô Viết được bắt đầu ngay vào những năm 70 của thế kỷ trước, còn với việc bắt đầu cải tổ từ chính quyền Xô Viết chỉ còn lại mỗi cái tên gọi.
Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ chính quyền bị suy thoái, nó còn nằm ở xã hội bị tha hoá đã không còn là Xô Viết nữa.
Xã hội năm 1991 đã trỏ thành xã hội hưởng thụ.
Việc biến đổi của xã hội Xô Viết sang xã hội hưởng thụ cũng được bắt đầu vào những năm 70 và những năm 80 từ xã hội xô viết trước kia chỉ còn lại “bình sữa và cái chân”.
Năm 1991 ở Liên Xô phần lớn dân chúng muốn không phải là chính quyền Xô Viết và Liên Xô, mà là dân chủ, cuộc sống phương Tây và kinh tế thị trường. Nhiều người đã nghĩ rằng cần chuyển sang hệ thống phương Tây và cuộc sống như ở Đức, Pháp và Mỹ. Đến bây giờ một số người vẫn nghĩ như vậy, còn trong năm 1991 số đông tuyệt đối đã nghĩ như vậy.
Tại sao không ai cứu Liên Xô?
Một xã hội hưởng thụ với tư tưởng dân chủ và chống Liên Xô chiếm ưu thế không cần thiết cho cả Liên Xô và cho cả chính quyền Xô Viết. Và các quân nhân, từ sĩ quan, chiến sĩ, từ cán bộ chính trị đến các tướng lĩnh, các nhân viên KGB và các đảng viên cộng sản đã là một phần của xã hội này. Như một nguyên tắc, cấp bậc càng cao thì càng có quan điểm hưởng thụ, tư sản và chống Liên Xô hơn.
Tuy nhiên, đổ lỗi tất cả cho ban lãnh đạo cấp cao là không công bằng. Cho tới năm 1991 dân chủ và chống Liên Xô đã phổ biến không chỉ ở trên cao, mà trong khắp những người dân thường. Minh chứng rõ nhất của điều này là cuộc mít tinh hàng triệu người có mặt hồi tháng 8/1991của Elsin mà không có ai phản đối lại nó.
Toàn xã hội đã bị tư tưởng dân chủ và chống Liên Xô đánh bại.
Tất nhiên, những người ủng hộ Liên Xô và chính quyền Xô Viết cũng có, nhưng họ là thiểu số và cái chính là họ đã bị mất tinh thần và không sẵn sàng chiến đấu giành lại chính quyền Xô Viết. Nhiều người ủng hộ Liên Xô và chính quyền Xô Viết muốn bảo vệ nó, nhưng chỉ không muốn làm điều gì đó vì nó, không muốn mạo hiểm, muốn mọi thứ sẽ ổn thoả đại khái.
Ai đó có thể sẵn sàng chiến đấu và hy sinh bản thân, nhưng thấy rằng mình chỉ nằm trong số ít tuyệt đối và hiểu rằng điều đó là uổng công vô ích.
Ai đó đã già cả.
Ai đó ngược lại, còn quá non nớt.
Các thủ lĩnh của cuộc đảo chính tháng 8/1991: (từ trái qua) Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Boris Pugo, Phó Tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev và Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Quốc phòng Liên Xô Oleg Baklanov. Họ có mặt tại một cuộc họp báo hôm 19/8/1991. Ảnh: Getty |
Ai đó quả thật còn chưa hiểu điều gì đang xảy ra, bởi vì đã lâu họ không có kiến thức chính trị và không được học chủ nghĩa Mac-Lê nin.
Còn những người tràn đầy sức lực, hiểu được cái gì đang diễn ra và có thể tiếp nhận cái gì đó - những người trong đám đông chủ yếu hoặc là tích cực chống Liên Xô, hoặc là thụ động. Hoặc là nằm trong nhóm người như vậy và hiểu được việc cứu Liên Xô là uổng công vô ích.
Tại sao không ai cứu Liên Xô năm 1991?
Cứu Liên Xô cần phải làm sớm hơn, vào những năm 70, tốt hơn là những năm 60 và tốt hơn nữa là vào năm 1953, khi xã hội còn là Xô Viết và chính quyền vẫn là Liên Xô, còn năm 1991 đã quá muộn. Chính điều đó là nguyên nhân chủ yếu của sự việc năm 1991 không còn Liên Xô nữa.
Số đông đã mất lòng tin vào Liên Xô và chính quyền Xô Viết, muốn chuyển sang hệ thống phương Tây bằng mọi giá, thậm chí bằng cả việc trao quốc gia cho kẻ thù. Vì thế không nên nói nhân dân bị lừa dối, rằng không ai hiểu gì. Elsin đã ranh mãnh, nhân dân không thể làm gì, không có mệnh lệnh, không có chỉ thị…
Người ta đã lừa dối nhân dân vì nhân dân đã sẵn sàng bị lừa. Dân muốn cuộc sống như ở phương Tây và tin rằng để làm việc đó phải chuyển qua hệ thống phương Tây. Và cho đến giờ nhiều ngưỡi vẫn tin vào điều đó.
Một số người trong suốt những năm qua đã hiểu ra sai lầm của cách tiếp cận, xem xét lại quan điểm của mình, thất vọng vì dân chủ và “tình bạn với phương Tây”. Bây giờ họ nói rằng họ đã bị lừa, mọi tội lỗi đều do Elsin. Không, họ không bị ai lừa. họ tự lừa dối chính mình. Và Elsin không phải là nguyên nhân.
Không cứu được Liên Xô không có nghĩa là không có lệnh, hay không hiểu cái gì đang diễn ra, mà bởi vì đã không có mong muốn- của giới quân sự, của các đảng viên cộng sản, của các ngành đặc biệt, thậm chí của dân thường, trong mọi trường hợp là đa số trong xã hội. Tất cả những gì còn lại chỉ là cố biện minh hay đổ trách nhiệm từ mình sang người khác.
Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta thừa nhận rằng mất Liên Xô không phải do sự ranh mãnh của những người khác, mà bởi sự ngu xuẩn của bản thân, sự ngây thơ ấu trĩ, vì sự bất lực của bản thân và sự lầm lỡ. Như vậy sẽ tốt hơn.
Cần phải biết thừa nhận thất bại và sai lầm, chính từ đó việc sửa chữa đã bắt đầu và thắng lợi mới đang đến.
(Theo Livejournal)