Sông băng ở Himalaya tan với tốc độ báo động

Tốc độ băng tan ngày càng nhanh báo hiệu một tương lai “hủy diệt” có thể đến với dãy Himalaya hùng vĩ.

Theo các hình ảnh được chụp bởi vệ tinh do thám của Mỹ, hàng trăm sông băng trên dãy Himalaya đã và đang tan rất nhanh trong vài thập kỷ qua.

Trong những năm 1970 và 1980, Mỹ đã sử dụng 20 vệ tinh KH-9 để do thám toàn cầu. Những vệ tinh này đã chụp hàng nghìn bức ảnh về bề mặt Trái Đất, trong đó có sông băng Himalaya. Những bức ảnh này được giải mã và công bố công khai năm 2011.

Các nhà khoa học đã tổng hợp những hình ảnh đó, kết hợp với hình ảnh vệ tinh hiện đại, để tạo ra hồ sơ chi tiết đầu tiên kéo dài 40 năm qua về sông băng trên dãy núi dài 2.000km.

Giáo sư Joshua Maurer đến từ Đại học Columbia (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết, phân tích về 650 sông băng lớn nhất ở Himalaya cho thấy lượng băng vào năm 2000 bằng 87% so với năm 1975. Tới năm 2016, con số này tụt xuống còn 72%. Như vậy, tốc độ băng tan năm 2016 đã gấp đôi so với những năm cuối thế kỷ 20.

Tính ra, khoảng 8 tỷ tấn băng dãy Himalaya mất đi hằng năm. Thậm chí nhiều nơi băng tan không có tuyết phủ trở lại.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Science Advances, ông Maurer khẳng định nguyên nhân chính của tình trạng này chính là hiện tượng ấm lên toàn cầu. Qua theo dõi, nhiệt độ tại Himalaya đã tăng lên gần 1 độ C trong giai đoạn 2000-2016.

Ở kịch bản xấu nhất, với tình hình như hiện tại tiếp diễn, toàn bộ sông băng trên dãy Himalaya có thể tan hết vào năm 2100.

Dù thế nào, hậu quả cũng là nghiêm trọng với các quốc gia như Ấn độ, Pakistan, Trung Quốc...phụ thuộc vào nguồn nước của các con sông lớn bắt nguồn từ Himalaya.

Theo Tạp chí Nghe nhìn VN

http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/song-bang-o-himalaya-tan-voi-toc-do-bao-dong-51943.html