Lê Thọ Bình
Lê Thọ Bình

Nhà báo Lê Thọ Bình

Sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes-- Muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo phải bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Đó là các cơ quan có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Đã đến lúc Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” (lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), cứ ì ra đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới.

Việc GS Nguyễn Đức Tồn, người “bị tố đạo văn” (của học trò và đồng nghiệp) gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét lại toàn bộ những người bị ghi “đạo văn” là chuyện bất bình thường, nhưng đã trở thành… bình thường ở nước ta hiện nay.

Bình thường bởi không phải đây là lần đầu tiên GS Tồn làm việc này. Trước GS Tồn đã có không ít vụ việc mà, thay vì các cấp có thẩm quyền giải quyết phải giải quyết, thì họ lại “đẩy lên” Thủ tướng.

Điển hình là việc tỉnh Quảng Nam xin ý kiến về nợ tiền thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu; vụ lấp sông ở Đồng Nai; vụ chặt cây xanh ở Hà Nội hay điểm nuôi dạy trẻ nhà Hạnh Phúc ở TP HCM… Tất cả đều được “đẩy lên” Thủ tướng.

“Tình trạng các địa phương, bộ, ngành “đùn” việc lên Thủ tướng Chính phủ diễn ra hằng ngày, kể cả những vụ việc chỉ thuộc cấp quận - huyện, hoàn toàn nằm trong tầm tay xử lý của các cấp”- nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn nhớ lại.

Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPQH Ngô Trung Thành có lần đã đặt thẳng vấn đề ra trước nghị trường: “Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống. Tại sao nhiều vụ việc phải “đẩy lên” Thủ tướng mới chuyển biến được trong khi nếu các cơ quan làm đúng chức năng, thẩm quyền thì những việc đó chắc chắn được xử lý. Thủ tướng đâu phải chỉ đạo những vụ như quán “cà phê Xin Chào”.

Vì sao cái gì cũng “đẩy lên” Thủ tướng? “Những nơi nào lạm dụng đẩy việc lên Thủ tướng là thể hiện không nắm được thẩm quyền của mình, đồng thời cho thấy sự yếu kém về năng lực, trình độ điều hành, lãnh đạo và đặc biệt là né tránh trách nhiệm” – Ông Muôn nhận xét.

Còn nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- ông Lê Như Tiến thì gay gắt hơn: “Nếu không đủ năng lực, trình độ để quyết đoán và quyết đoán sai thì lãnh đạo địa phương cũng nên nhường ghế cho người khác có năng lực và trách nhiệm hơn. Thủ tướng Chính phủ quá nhiều việc rồi mà việc gì cũng đẩy lên thì công sức, thời gian đâu mà làm”.

Muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo phải bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Đó là các cơ quan có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Đã đến lúc Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” (lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), cứ ì ra đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới.

Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng đủ trách nhiệm của mình để làm sao “trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng” (lời ông Ngô Trung Thành).

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ, cơ quan giúp việc cho Chính phủ, cũng phải dứt khoát trả về và để các cấp phải tự quyết, tự chịu trách nhiệm những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ.

Vấn đề cũng hết sức quan trọng là muốn  lấp khoảng trống luật chuyên ngành mà các địa phương lách vào để né tránh thì các bộ luật liên quan cần quy định rõ những lĩnh vực, vấn đề thuộc thẩm quyền trung ương, các bộ, ngành; còn tất cả những vấn đề khác, chính quyền các địa phương phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm.